Châu Đốc phát triển hạ tầng du lịch

Được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng địa thế 'Tiền tam giang, hậu thất lĩnh', TP. Châu Đốc (tỉnh An Giang) có nhiều danh lam thắng cảnh và di tích văn hóa, lịch sử, thuận lợi phát triển du lịch (DL). Phát huy tiềm năng, thế mạnh đó, chính quyền thành phố đã triển khai nhiều biện pháp phát triển DL.

Tiềm năng du lịch

TP. Châu Đốc nằm ở vị trí địa lý thuận lợi, nơi giao nhau giữa sông Hậu và sông Châu Đốc. Đây được xem là cửa ngõ giao thương quan trọng của tỉnh An Giang và khu vực ĐBSCL với Vương quốc Campuchia và các nước Đông Nam Á bằng đường thủy lẫn đường bộ. Với điều kiện thiên nhiên ưu đãi, Châu Đốc có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa, lịch sử thuận lợi cho phát triển DL. Tiêu biểu là Khu du lịch quốc gia núi Sam, với miếu Bà Chúa Xứ nổi tiếng trong và ngoài nước. Cùng với đó là Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia...

Bên cạnh đó, Châu Đốc được xem là điểm nối liền các khu, điểm DL của các vùng phụ cận. Điển hình như làng bè, búng Bình Thiên, làng chăm Đa Phước (huyện An Phú); làng Chăm Châu Phong (TX. Tân Châu); rừng tràm Trà Sư, Khu du lịch núi Cấm (TX. Tịnh Biên). Ngoài ra, từ TP. Châu Đốc có thể di chuyển bằng đường bộ đến Phnom Penh (Vương quốc Campuchia); đến Khu du lịch Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang), thuận lợi cho du khách tham gia các tour DL liên hoàn...

Phó Chủ tịch UBND TP. Châu Đốc Trần Quốc Tuấn cho biết, hàng năm, địa phương thu hút hàng triệu lượt khách đến tham quan, DL. Giai đoạn 2021 - 2023, khách đến TP. Châu Đốc đạt trên 9 triệu lượt, tỷ lệ khách lưu trú so với lượt khách tham quan bình quân giai đoạn này đạt 13,48%.

TP. Châu Đốc có nhiều công trình kiến trúc độc đáo nổi tiếng, được nhiều du khách biết đến

TP. Châu Đốc có nhiều công trình kiến trúc độc đáo nổi tiếng, được nhiều du khách biết đến

Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, Đảng bộ và chính quyền TP. Châu Đốc đã xác định DL là ngành kinh tế mũi nhọn. Từ đó, triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đột phá nhằm từng bước đưa TP. Châu Đốc trở thành điểm DL trọng điểm của tỉnh An Giang, tạo vị thế cho ngành DL phát triển bền vững. Theo đó, TP. Châu Đốc đã thực hiện hiệu quả việc phát triển hạ tầng DL; đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, quản lý và thu hút đầu tư. Đồng thời, đưa vào sử dụng một số dự án trọng điểm.

Ông Tuấn cho biết, giai đoạn 2021- 2023, địa phương đã bố trí hơn 109 tỷ đồng ngân sách để phát triển cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ phát triển DL, như: Cổng chào Khu du lịch quốc gia núi Sam; cải tạo, nâng cấp các tuyến đường...

Cũng trong giai đoạn này, thành phố đã vận dụng linh hoạt các chính sách; tổ chức các sự kiện, hội nghị, hội thảo về trao đổi kinh nghiệm, kêu gọi hợp tác, mời gọi đầu tư… Qua đó, huy động xã hội hóa trên 69 tỷ đồng nhằm thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn. Nổi bật như công trình: Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích cấp quốc gia - Khu vực Bà ngự trên đỉnh núi Sam; cải tạo công viên Chi Lăng, công viên Bạch Đằng; thực hiện hệ thống camera đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội...

Hạ tầng DL phát triển đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức đầu tư, phát triển DL. Hiện tại, trên địa bàn thành phố có 33 cơ sở lưu trú DL, 6 công ty lữ hành. Các hoạt động DL tại địa phương từng bước đi vào nền nếp. Công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, văn minh DL và các điều kiện phục vụ khách DL được đảm bảo.

Phát triển hạ tầng du lịch

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Châu Đốc Trần Quốc Tuấn, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động DL trên địa bàn thành phố vẫn còn một số hạn chế. Hạ tầng DL chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách về nhà hàng, khu vui chơi, mua sắm, trạm dừng chân và các dịch vụ khác. Ngoài ra, địa phương chưa thu hút được nhà đầu tư chiến lược tham gia đầu tư phát triển các công trình, dự án của địa phương…

Để phát huy những kết quả đạt được, đồng thời khắc phục những hạn chế, UBND TP. Châu Đốc tập trung phát triển DL tâm linh gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của địa phương. Đặc biệt, xây dựng TP. Châu Đốc trở thành đô thị DL thông minh, hiện đại, mang đậm bản sắc sông nước miền Tây Nam Bộ. Địa phương cũng sẽ tập trung các nguồn lực phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị hiện đại. Góp phần hoàn thành tiêu chuẩn và được công nhận đô thị loại I sau năm 2030.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, hoàn thành các công trình trọng điểm nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng, lợi thế DL của địa phương. Xây dựng, mời gọi các dự án đầu tư, trong đó tập trung lĩnh vực, như: Nhà hàng, khách sạn; trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị; khu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng… Đồng thời, tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội cho hoạt động đầu tư phát triển hạ tầng DL.

“Với những nhiệm vụ, giải pháp, cùng sự quyết tâm thực hiện và phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị và sự đồng tình ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, thời gian tới, công tác đầu tư phát triển hạ tầng DL thành phố sẽ có chuyển biến tích cực. Qua đó, góp phần vào sự phát triển chung của ngành DL Châu Đốc nói riêng và tỉnh An Giang nói chung” - Phó Chủ tịch UBND TP. Châu Đốc Trần Quốc Tuấn nhấn mạnh.

ĐỨC TOÀN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/chau-doc-phat-trien-ha-tang-du-lich-a379310.html