Chạy bộ tập thể dục khi trời lạnh, nếu có dấu hiệu này cần dừng ngay

Chạy bộ trong thời tiết lạnh đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng để giảm thiểu rủi ro chấn thương và đảm bảo an toàn.

Nhiều người cho rầng chạy bộ là giải pháp vận động giúp mang lại hiệu quả tốt và tiết kiệm nhất. Theo một cuộc khảo sát diễn ra trong một nhóm người chạy bộ thường xuyên và một nhóm không vận động, kết quả cho thấy nhóm chạy bộ thường xuyên ít gặp biến chứng về tim hơn 50 lần so với người không chạy bộ. Điều này cho thấy việc chạy bộ sẽ tốt cho sức khỏe, nhất là tim sẽ khỏe hơn và hoạt động tốt hơn.

Tuy nhiên, khi thời tiết lạnh, chạy bộ ngoài trời có thể gây ra một số triệu chứng khó chịu như: tê tay chân, sổ mũi, đau họng, đau khớp,... Vì vậy, khi nhiệt độ giảm sâu, bạn có thể cân nhắc chuyển từ chạy bộ ngoài trời vào trong nhà. Ngoài ra, cần lưu ý chuẩn bị kỹ để giảm thiểu rủi ro chấn thương đáng tiếc.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

4 lưu ý cần thiết khi chạy bộ tập thể dục để tránh rủi ro sức khỏe

Khởi động lâu hơn

Khởi động là khâu quan trọng trước khi bạn tập luyện thể thao. Bạn nên dành từ 10-20 phút để làm nóng cơ thể. Khi trời lạnh, cơ thể sẽ khó làm ấm hơn bình thường, vì vậy bạn nên khởi động trong nhà hoặc nơi kín gió. Điều này không chỉ giúp bạn tránh bị sốc nhiệt khi bước ra ngoài trời, mà còn giúp các cơ bớt căng cứng và có thể hoạt động mạnh mẽ hơn. Nếu buộc phải khởi động ngoài trời, bạn cần mặc áo ấm để giữ thân nhiệt.

Trang phục phù hợp

Việc giữ ấm cơ thể khi vận động trong thời tiết lạnh là điều cần thiết. Tuy nhiên thay vì mặc một chiếc áo khoác dày và to sụ, bạn nên mặc nhiều lớp áo để giữ nhiệt tốt hơn mà vẫn mang lại cảm giác thoải mái khi chạy, đặc biệt có thể dễ dàng cởi bỏ dần từng lớp khi nhiệt độ ấm hơn.

Giữ ấm đầu và tay

Tùy nhiệt độ ngoài trời mà bạn sẽ cân nhắc sử dụng mũ và găng tay hay không. Nếu nhiệt độ dưới 15 độ C hoặc bạn phải chạy bền trong thời tiết lạnh, bạn cần đeo găng tay vì đây là bộ phận tiếp xúc trực tiếp với môi trường. Khi tay bị cóng, cơ thể cũng sẽ hấp thụ nhiệt nhiều hơn. Tương tự bạn cũng nên giữ ấm đầu để tránh bị cảm.

Tập vừa sức

Nhiệt độ thấp khiến lượng máu lưu thông bị hạn chế, gây co cơ hoặc chuột rút. Nếu cố gắng tăng tốc độ, bạn có thể làm hại cơ. Hãy điều chỉnh tốc độ chậm lại để cơ thể có thêm thời gian làm nóng. Bạn nên duy trì cường độ tập vừa phải trong những ngày đông để giảm thiểu nguy cơ chấn thương.

Nếu thấy dấu hiệu hạ thân nhiệt bao gồm: cảm thấy lạnh hơn, nổi da gà, rùng mình liên tục, cơ thể sẽ mất thăng bằng... thì nên dừng và được nghỉ ngơi hợp lý.

Uống đủ nước

Dù mùa đông trời lạnh nhưng cơ thể bạn vẫn tiết ra mồ hôi như khi bạn chạy vào mùa hè. Chính vì vậy bạn nên bổ sung lượng nước gần như ngang bằng với chạy bộ mùa hè. Bạn nên uống khi cảm thấy khát và uống với một lượng nước phù hợp (khoảng 200ml cứ mỗi 20 phút chạy).

Mẹo an toàn khi chạy bộ tập thể dục

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

- Chọn các tuyến đường đông dân cư đủ ánh sáng và tránh các khu vực nguy hiểm và vắng vẻ.

- Đảm bảo rằng người lái xe có thể nhìn thấy bạn nếu bạn đang chạy vào ban đêm. Ví dụ, bạn có thể mặc các vật liệu phản chiếu.

- Một kỹ thuật có thể giúp ích cho người mới bắt đầu chạy bộ là chạy - đi bộ xen kẽ. Để thực hiện được điều đó, hãy chọn tốc độ chạy vừa phải (có thể nói chuyện khi đang chạy) trong một khoảng thời gian nhất định: Bắt đầu chạy 1 phút, sau đó đi bộ 1 phút. Và lặp lại quá trình này.

- Nếu bạn đang chạy một mình, hãy nói cho ai đó biết lộ trình dự định của bạn và thời điểm bạn định quay trở lại. Tốt nhất, bạn nên mang theo điện thoại di động của bạn trong trường hợp khẩn cấp.

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/chay-bo-tap-the-duc-khi-troi-lanh-neu-co-dau-hieu-nay-can-dung-ngay-172240130151442293.htm