Chạy đua cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran
Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas hôm 10-6 gặp gỡ người đồng cấp Mohammad Javad Zarif và Tổng thống Hassan Rouhani của Iran để bàn về những giải pháp mang tính xây dựng nhằm cứu vãn Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) - còn được gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran.
Được ký kết vào năm 2015, JCPOA là thỏa thuận giữa Iran và một nhóm cường quốc nhằm giới hạn chương trình hạt nhân của Iran để đổi lấy việc quốc gia này được nới lỏng lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, JCPOA đang có nguy cơ đổ vỡ sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận này và khôi phục lệnh trừng phạt nhằm vào Iran.
Sau khi đạt được thỏa thuận với Anh, Pháp và những thành viên khác trong JCPOA, ông Maas đang tìm cách thuyết phục Iran ở lại thỏa thuận này. Trong một nỗ lực bảo vệ kinh tế Iran khỏi lệnh trừng phạt của Washington, Anh - Pháp - Đức đã thiết lập một cơ chế hỗ trợ thương mại đặc biệt có tên gọi là Instex.
"Mọi yêu cầu chính thức liên quan đến Instex đã hoàn tất, vì thế tôi tin chúng ta sẽ có thể sử dụng nó trong tương lai gần" - ông Maas khẳng định với chính phủ Iran. Dù vậy, theo đài Deutsche Welle (Đức), ngay cả khi Instex được đưa vào hoạt động, ông Maas cũng không thể ép các công ty Đức giao thương với Iran vì họ lo sợ bị Washington trừng phạt.
Cũng vào ngày 10-6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi đã chỉ trích Anh, Pháp, Đức vì "không thực hiện các bước đi thực tiễn" để bảo vệ lợi ích của Iran, đồng thời nhấn mạnh Tehran "sẽ không thảo luận bất cứ vấn đề nào khác ngoài thỏa thuận hạt nhân". Trước đó 1 ngày, Bộ trưởng Zarif cảnh báo châu Âu sẽ đối mặt với hậu quả nghiêm trọng nếu không bình thường hóa quan hệ kinh tế với Iran.