Chạy đua lập chính phủ mới ở Pháp

Bế tắc chính trị có nguy cơ làm chệch hướng nỗ lực tìm giải pháp cho vấn đề thâm hụt ngân sách tại nền kinh tế lớn thứ 2 của khu vực đồng euro

Các lãnh đạo của liên minh cánh tả và phe trung dung hôm 10-7 đối đầu trong cuộc đua lập chính phủ mới theo sau kết quả bất ngờ của cuộc bầu cử quốc hội. Theo Reuters, do không nhóm nào giành được thế đa số tuyệt đối tại quốc hội, nỗ lực lập chính phủ mới đang gặp khó.

Liên minh cánh tả Mặt trận Nhân dân mới (NFP, dẫn đầu với 182/577 ghế) và liên minh trung dung của Tổng thống Emmanuel Macron (168 ghế) đang tìm cách lôi kéo các nhà lập pháp trong cùng nhóm và cả những nhóm khác.

Bà Aurore Berge, một nghị sĩ trung dung của ông Macron, cho rằng người dân không muốn cương lĩnh của NFP được thực hiện "Tôi nghĩ họ không muốn tăng thuế" - bà Berge nhận định, đồng thời cho rằng liên minh trung dung là nhóm duy nhất có thể mở rộng và Đảng Cộng hòa bảo thủ có thể là một lựa chọn.

Ngoài ra, một số nguồn tin cho Reuters biết phe trung dung còn tìm kiếm sự hậu thuẫn từ các nghị sĩ cánh tả chủ đạo để tạo cơ sở cho việc lập chính phủ mới.

Nhóm nghị sĩ mới đắc cử của các đảng thuộc liên minh cánh tả Mặt trận Nhân dân mới (NFP) tập trung trước trụ sở quốc hội ở thủ đô Paris - Pháp hôm 9-7Ảnh: REUTERS

Nhóm nghị sĩ mới đắc cử của các đảng thuộc liên minh cánh tả Mặt trận Nhân dân mới (NFP) tập trung trước trụ sở quốc hội ở thủ đô Paris - Pháp hôm 9-7Ảnh: REUTERS

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo cánh tả cũng nhấn mạnh rằng họ nên đứng ra lập chính phủ mới sau khi giành nhiều ghế quốc hội nhất. Dù vậy, các đảng thuộc NFP hiện vẫn chưa nhất trí về người sẽ trở thành thủ tướng và thành phần nội các mới.

Theo trang Euronews, liên minh cánh tả có thể điều hành như một chính phủ thiểu số, nhưng mọi nỗ lực thông qua luật lệ vẫn cần sự ủng hộ từ các đảng khác. Một phương án khác có thể là một liên minh cầm quyền trung dung nhưng điều này phụ thuộc vào sự sẵn lòng hợp tác của các đảng ôn hòa.

Theo Reuters, bế tắc chính trị không chỉ gây sức ép lên chính phủ của Tổng thống Macron mà còn có nguy cơ làm chệch hướng nỗ lực tìm giải pháp cho vấn đề ngân sách tại Pháp.

Chỉ vài tuần trước, Pháp đã bị "soi" về phương thức lấp lỗ hổng ngân sách. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và cơ quan giám sát ngân sách của Pháp nghi ngờ kế hoạch của chính phủ sắp mãn nhiệm nhằm giảm thâm hụt ngân sách từ mức 5,5% GDP năm ngoái xuống mức trần theo quy định của Liên minh châu Âu (EU) là 3% GDP vào năm 2027.

Sau cuộc bầu cử, câu hỏi đặt ra là liệu nền kinh tế lớn thứ hai của khu vực đồng euro có thể lập được ngân sách hay không. Trong bối cảnh quốc hội treo, Pháp sẽ đối mặt phép thử trong việc tìm giải pháp cho rắc rối tài chính công của mình.

Các thị trường tài chính, Ủy ban châu Âu và những đối tác trong khu vực đồng euro đều đang theo dõi chặt chẽ động thái sắp tới của Paris.

Ông Leo Barincou, chuyên gia của Công ty Oxford Economics (Anh), cảnh báo một quốc hội chia rẽ sẽ khó có thể nhất trí về các biện pháp cắt giảm chi tiêu khó khăn về mặt chính trị. Điều này đe dọa khiến Pháp vi phạm các quy định tài chính mới của EU. Trong khi đó, Công ty xếp hạng tín nhiệm Moody's (Mỹ) cảnh báo tình trạng bế tắc chính trị sắp tới có thể làm phức tạp thêm khả năng giảm gánh nặng nợ của Pháp.

ANH THƯ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/chay-dua-lap-chinh-phu-moi-o-phap-196240710211912916.htm