'Chạy đua' nâng cao năng lực xét nghiệm virus Corona
Một tuần trước, chỉ có hai phòng thí nghiệm trên toàn châu Phi có thể chẩn đoán chủng mới của virus Corona, xuất phát từ Trung Quốc và lây lan ra toàn thế giới. Ngày 10/2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố tất cả các nước tại châu Phi đã có thể tự xét nghiệm và chẩn đoán bệnh.
Đây là sự tiến triển đáng kể trong khả năng chẩn đoán bệnh, đặc biệt là tại các nước đang phát triển, với hy vọng ngăn chặn đại dịch toàn cầu. Tuy nhiên, quá trình này đang chững lại do không đủ các mẫu virus cần thiết để xét nghiệm.
“Không có khả năng chẩn đoán, nhiều nước đang không nắm bắt được mức độ lan rộng cả virus và những người có virus Corona và bệnh khác với triệu chứng tương tự”, Người đứng đầu WHO Adhanom Ghebreyesus cho biết.
Tính đến sáng 11/2, số ca nhiễm virus Corona (2019-nCoV), đã lên đến hơn 43 ngàn trường hợp, 1.018 người tử vong, chủ yếu là tại Trung Quốc.
Hầu hết các xét nghiệm đang được thực hiện tại các phòng xét nghiệm y tế cộng đồng. Tuy nhiên, một số công ty như Thermo Fisher Scientific, GenScript Biotech hay Co-Diagnostics đã tiến hành các thí nghiệm và có bước tiến đáng kể để các biện pháp này phù hợp với sử dụng lâm sàng.
Roche đang phân phối các xét nghiệm virus Corona được phát triển bởi Tib Molbiol, một công ty của Đức, với mực đích nghiên cứu một số loại dụng cụ của mình trong khi cũng phát triển phương pháp xét nghiệm của mình. Abbott cũng đang tiến hành phương pháp xét nghiệm riêng của mình.
WHO đã kích hoạt mạng lưới gồm 15 phòng thí nghiệm có khả năng hỗ trợ các nước trong việc xác nhận các ca mắc mới và đã công nhận 168 phòng thí nghiệm trên toàn cầu có công nghệ chẩn đoán virus.
Các kỹ thuật viên xét nghiệm phải được đào tạo để tiến hành xét nghiệm tại địa phương nhằm giảm các trường hợp chậm trễ do phải gửi mẫu đến các phòng thí nghiệm cấp cao hơn.
Ngày 11/2, WHO sẽ triệu tập một cuộc họp kéo dài hai ngày với sự tham gia của hàng trăm nhà nghiên cứu và nhà sản xuất để thảo luận về dịch này.