Chảy máu chất xám, Mỹ trả giá đắt?
Theo một số chuyên gia phân tích, bằng cách tấn công vào những biểu tượng giáo dục hàng đầu, chính quyền Tổng thống Trump đang làm suy yếu một trong những 'viên ngọc quý' của nước Mỹ.

Bên trong khuôn viên Trường Đại học Harvard ở Cambridge, Massachusetts, Mỹ. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Trong nhiều thập kỷ, các trường đại học của Mỹ đã thu hút những sinh viên xuất sắc và các nhà nghiên cứu sáng giá nhất thế giới, qua đó thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, những đòn tấn công từ chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm vào các cơ sở giáo dục hàng đầu như Đại học Harvard, cùng với nỗ lực cản trở sinh viên quốc tế, đang đe dọa một trụ cột trong vai trò lãnh đạo toàn cầu của nước Mỹ.
Trong bài viết mới đây trên trang Project Syndicate, bà Anne O. Krueger, cựu chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) và cũng là cựu quan chức của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng những cuộc công kích của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhắm vào Đại học Harvard và sinh viên quốc tế của trường đã gây sốc cho thế giới.
Trong nhiều thập kỷ, các đại học hàng đầu như Đại học Harvard đã là nền tảng của “quyền lực mềm” Mỹ. Nhiều sinh viên ưu tú nhất thế giới đã khao khát được học tập tại các cơ sở giáo dục của Mỹ, và các nhà nghiên cứu hàng đầu đã tìm cách gia nhập đội ngũ giảng dạy tại đây. Đại học Harvard được đánh giá là đỉnh cao của giáo dục đại học tại Mỹ và toàn cầu.
Tuy nhiên, hiện nay tình thế đang thay đổi. Các học giả nổi tiếng đang rời Mỹ để tránh bị ảnh hưởng bởi các chính sách của ông Trump. Những sinh viên quốc tế từng đặt mục tiêu theo học tại các trường như Đại học Harvard, Đại học Columbia, hay Đại học Northwestern, đang lựa chọn các quốc gia khác, vì lo sợ việc học tập có thể bị gián đoạn.
Bà O. Krueger cảnh báo hậu quả có thể rất nghiêm trọng. Kể từ năm 2000, các nhà nghiên cứu tại Mỹ đã giành được khoảng 2/3 số giải Nobel hóa học, vật lý và y học và 40% trong số những người đoạt giải đó là người nhập cư. Đáng chú ý, gần một nửa số người nhập cư đoạt giải Nobel tại Mỹ đã hoàn thành chương trình sau đại học tại các đại học Mỹ.
Không chỉ tạo ra các đột phá khoa học và nâng cao danh tiếng của các cơ sở học thuật, những học giả này còn trực tiếp giảng dạy, tư vấn cho các thế hệ sinh viên – cả người Mỹ và quốc tế – góp phần thu hút thêm những tài năng xuất sắc trong tương lai. Hơn nữa, những tương tác đa văn hóa này giúp sinh viên Mỹ hiểu sâu hơn về các xã hội khác, đồng thời tạo điều kiện cho sinh viên quốc tế trải nghiệm thực tiễn đời sống Mỹ.
Nhiều người từng học tập tại Mỹ sau đó trở về nước và nắm giữ các vị trí nổi bật trong chính phủ, giới học thuật và khu vực tư nhân. Tính đến năm 2024, đã có 70 nguyên thủ quốc gia từng theo học đại học tại Mỹ.
Cho đến gần đây, giới chính trị Mỹ nhìn chung đều thừa nhận những lợi ích này. Một hệ thống vận hành hiệu quả – Chương trình Sinh viên và Khách trao đổi (SEVP) – đã cho phép các cơ sở giáo dục được chứng nhận tuyển sinh sinh viên nước ngoài. Chương trình này còn cho phép sinh viên sau khi tốt nghiệp được ở lại tối đa ba năm để tích lũy kinh nghiệm làm việc. Tuy nhiên, hiện nay chính quyền của Tổng thống Trump đã cố gắng tước quyền tuyển sinh sinh viên quốc tế của Đại học Harvard.
Sự sụt giảm số lượng sinh viên quốc tế không chỉ làm suy yếu các dự án nghiên cứu – vốn cần đến đội ngũ trợ lý tài năng – mà còn phá vỡ chuỗi cung ứng nhân tài toàn cầu, làm suy giảm chất lượng và chiều sâu của hoạt động khoa học trên phạm vi quốc tế.
Bà O. Krueger nhấn mạnh: thành công của các trường đại học Mỹ gắn chặt với năng lực đổi mới của nền kinh tế Mỹ. Một nghiên cứu năm 2022 cho thấy, hơn một nửa các công ty khởi nghiệp tại Mỹ có định giá trên 1 tỷ USD có ít nhất một nhà sáng lập được sinh ra ở nước ngoài – và trong số đó, một nửa đến Mỹ đầu tiên với tư cách sinh viên.
Một số người ủng hộ ông Trump lập luận rằng việc ngăn sinh viên nước ngoài nhập học tại Đại học Harvard và các đại học tư thục khác sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn cho sinh viên Mỹ. Nhưng tác động có lẽ sẽ không đáng kể. Trên thực tế, vì sinh viên quốc tế thường phải đóng học phí toàn phần, việc họ rút lui sẽ làm suy giảm nguồn lực dành cho học bổng và hỗ trợ tài chính – vốn đang giúp chính sinh viên Mỹ được học tập với chi phí thấp hơn.Những khoản doanh thu bị mất đó chẳng thấm vào đâu so với những đóng góp rộng lớn hơn của Đại học Harvard và hệ thống giáo dục đại học. Giáo dục đại học từ lâu đã là một ngành xuất khẩu quan trọng của Mỹ, với số lượng sinh viên quốc tế đến nước này nhiều hơn hẳn so với số người Mỹ đi du học. Chỉ riêng trong năm học 2023-2024, sinh viên nước ngoài đã đóng góp ước tính 44 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ.Theo một số chuyên gia phân tích, bằng cách tấn công vào những biểu tượng giáo dục hàng đầu, chính quyền Tổng thống Trump đang làm suy yếu một trong những “viên ngọc quý” của nước Mỹ và giáng đòn chưa từng có vào động cơ của năng lực cạnh tranh quốc gia.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/chay-mau-chat-xam-my-tra-gia-dat/379589.html