'Chạy nước rút' giải ngân vốn đầu tư công

Với 60 ngày đêm thi đua đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đến nay, TPHCM đã đi gần một nửa chặng đường, đặt quyết tâm cao nhất để n ếu không đạt mục tiêu 95% như kế hoạch thì cũng phải đạt tối thiểu 80%...

“Điểm mặt” từng dự án

Năm 2022, TPHCM giải ngân đạt 76%, trong khi mục tiêu đề ra là 95%. Sang năm 2023, TPHCM tiếp tục đặt mục tiêu giải ngân trên 95% và đề ra lộ trình cụ thể từ đầu năm. Song đến những tháng cuối năm, tiến độ đã không như kỳ vọng. Đến ngày 3-11, thành phố mới giải ngân được 38%, trong khi theo kế hoạch, hết 6 tháng phải giải ngân đạt trên 35%. Những tồn tại trong công tác giải ngân đầu tư công và giải pháp cụ thể đã được phân tích, mổ xẻ rất kỹ trên khắp các diễn đàn thời gian qua, đặc biệt là tại hội nghị chuyên đề của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về công tác đầu tư công diễn ra ngày 20-10.

Hội nghị đã nêu ra 8 nguyên nhân khiến 233 dự án giải ngân dưới 95%, trong đó, nguyên nhân lớn nhất là vướng mắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, khiến cho số tiền chưa giải ngân được tính đến nay là hơn 12.079 tỷ đồng.

Tiếp đến là vướng mắc dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1. Dự án này được giao vốn hơn 5.700 tỷ đồng, nhưng nhiều thủ tục liên quan thuộc thẩm quyền Chính phủ nên đến nay chưa thể giải ngân. Nguyên nhân lớn thứ 3 là chủ quan từ các chủ đầu tư khiến số tiền “ách lại” 797 tỷ đồng.

Ngày 31-10, tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi yêu cầu các địa phương, đơn vị tập trung thi đua 60 ngày đêm phấn đấu hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

Ngày 3-11, Chủ tịch UBND TPHCM tiếp tục có văn bản chỉ đạo, trong đó nhấn mạnh việc chấn chỉnh, rút kinh nghiệm các tập thể, cá nhân có liên quan gây ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là cơ sở đánh giá kết quả thi đua năm 2023. Sự chỉ đạo quyết liệt, đôn đốc liên tục của lãnh đạo TPHCM trong đầu tư công đã tạo sự chuyển biến.

Ở thời điểm đầu tháng 10, TPHCM ước tính giải ngân được 71%. Sau khi Chủ tịch UBND TPHCM chỉ đạo rà soát, làm việc với từng cơ quan, đơn vị, Sở KH-ĐT báo cáo có thể giải ngân thêm được hơn 5.300 tỷ đồng.

Ngày 16-11, Chủ tịch UBND TPHCM tiếp tục chỉ đạo, giao trách nhiệm cụ thể đến từng sở ngành, địa phương, chủ đầu tư dự án. Những cái tên cụ thể đã được chỉ ra, gắn với từng nhiệm vụ, như: Sở GTVT có trách nhiệm hoàn thành ý kiến về thiết kế bản vẽ thi công - dự toán Dự án xây dựng đường D8 ở quận 8 (được giao vốn 65,8 tỷ đồng) và điều chỉnh quyết định đầu tư Dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám (được giao vốn 25 tỷ đồng); Sở KH-ĐT theo dõi Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1); Sở Tài chính tập trung nhân lực để hoàn thành phê duyệt quyết toán đối với 48 dự án đã hoàn thành…

Ở địa phương, thành phố giao đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng, giải quyết nhanh thủ tục các dự án trong thẩm quyền. Cụ thể, huyện Hóc Môn có các dự án như: Dự án nạo vét kênh tiêu liên xã kết hợp nâng cấp đường dọc kênh được giao vốn 258 tỷ đồng (mới giải ngân được 6%); Dự án nâng cấp sửa chữa tuyến Thới Tam Thôn 5 được giao 176 tỷ đồng (mới giải ngân 1%).

Huyện Bình Chánh có Dự án xây dựng mở rộng quốc lộ 50 nhưng tiến độ giải ngân rất thấp do địa phương chậm bàn giao mặt bằng. Quận Tân Bình có Dự án xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (Ban Giao thông) làm chủ đầu tư, được giao 2.000 tỷ đồng nhưng cũng mới giải ngân 17%...

Năm 2023, TPHCM được Thủ tướng giao tổng số vốn đầu tư công là hơn 70.500 tỷ đồng, đến đầu tháng 11-2023, giải ngân được hơn 25.800 tỷ đồng, đạt 38%. Theo UBND TPHCM, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TPHCM còn khiêm tốn, song cũng cần tính đến tổng số vốn đầu tư công năm 2023 được giao là rất lớn, gấp 2 lần kế hoạch đầu tư công năm 2022 và tương đương 10% tổng mức vốn đầu tư công cả nước. Tính về giá trị tuyệt đối số vốn giải ngân, TPHCM là một trong những địa phương giải ngân vốn cao nhất cả nước.

Cùng… chạy đua

Năm 2023, Ban Giao thông được giao hơn 30.000 tỷ đồng, tương đương gần 44% tổng vốn đầu tư công toàn thành phố. Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông, đến ngày 21-11, ban giải ngân được hơn 14.200 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 47%. Hiện nay, ban đang tập trung nhiều giải pháp, chạy đua với thời gian những ngày cuối năm để cố gắng đạt mục tiêu giải ngân 95%. Các giải pháp được đưa ra là đẩy nhanh tiến độ thi công ở những nơi đã có mặt bằng, phối hợp các địa phương hoàn thành 20 dự án giải phóng mặt bằng, xử lý nhanh các tình huống phát sinh… Trong số này, có những dự án được giao vốn trên ngàn tỷ, như: nút giao An Phú, xây dựng mở rộng Quốc lộ 50…

Nút giao An Phú (TP Thủ Đức, TPHCM) đang được gấp rút thi công (ảnh chụp ngày 22-11-2023). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Nút giao An Phú (TP Thủ Đức, TPHCM) đang được gấp rút thi công (ảnh chụp ngày 22-11-2023). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Trong khi đó, tại huyện Bình Chánh, hiện nay huyện đang thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng 111 dự án. Trong đó có những dự án trọng điểm như: Dự án xây dựng mở rộng quốc lộ 50 hiện còn 52/725 hộ chưa đồng ý bàn giao mặt bằng; Dự án Vành đai 3 còn 102 trường hợp chưa bàn giao mặt bằng…

Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Võ Đức Thanh cho biết, huyện xây dựng kế hoạch giải ngân cho từng tháng với tiến độ, cụ thể hết tháng 11 sẽ đạt 82% và hết năm 2023 quyết tâm đạt trên 95%. Tại quận Gò Vấp, Chủ tịch UBND quận Nguyễn Trí Dũng cũng cho biết, năm nay quận được giao hơn 1.800 tỷ đồng, đã đăng ký đến cuối năm giải ngân đạt trên 95%. Một đặc thù của công tác bồi thường là sẽ giải ngân được phần lớn vốn sau khi đã được phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất. TPHCM hiện còn 37 dự án với hơn 3.400 tỷ đồng chưa được phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất. Do đó, một trong những “cú hích” được kỳ vọng trong công tác bồi thường là việc TPHCM ủy quyền cho UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức được quyết định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.

Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Huỳnh Thanh Nhân cho biết, trong 2 ngày 7 và 8-11 vừa qua, sở đã tổ chức 4 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác thẩm định giá với 541 học viên là công chức, viên chức phụ trách công tác thẩm định giá đất tại Sở TN-MT, Sở Xây dựng, Sở Tư pháp, Sở QH-KT, Cục Thuế thành phố; UBND các quận huyện, TP Thủ Đức… Qua đó, công tác bồi thường kỳ vọng được thực hiện tốt hơn. Mặc dù khối lượng công việc còn rất lớn từ đây đến cuối năm, TPHCM vẫn kiên trì mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công trên 95%.

Sở KH-ĐT được giao định kỳ hàng tuần đôn đốc, rà soát kết quả công tác đầu tư công ở các sở ngành, quận huyện, TP Thủ Đức và các chủ đầu tư, đồng thời tiếp tục đề xuất các giải pháp để tỷ lệ giải ngân đạt mục tiêu đề ra.

Nguyên nhân khiến 233 dự án giải ngân dưới 95%

Bị ảnh hưởng bởi công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; chậm thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch; nhà thầu thi công không đủ năng lực tiếp tục thực hiện; do giá trị quyết toán thực tế dự án thấp hơn dự kiến đăng ký vốn của các chủ đầu tư; chậm thực hiện thủ tục quyết toán dự án; chậm thực hiện thủ tục khác có liên quan; do nguyên nhân chủ quan từ các chủ đầu tư; Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) phụ thuộc vào tiến độ giải quyết các thủ tục liên quan thuộc thẩm quyền Chính phủ.

MAI HOA

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/chay-nuoc-rut-giai-ngan-von-dau-tu-cong-post715998.html