Chạy xe máy về quê giữa trưa nắng, nam thanh niên bị sốc nhiệt

Sau hơn 2 giờ đi xe máy từ Hà Nội về quê giữa trưa nắng, nam thanh niên xuất hiện tình trạng sốc nhiệt với biểu hiện đau đầu vật vã, người nóng, ý thức giảm dần

Nam bệnh nhân 21 tuổi (ở Phú Thọ) được đưa vào cấp cứu ban đầu tại trung tâm y tế huyện, sau đó chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng hôn mê sâu, glasgow 5 điểm, thở qua bóp bóng, co giật toàn thân, nhiệt độ cơ thể 40,5 độ C, mạch nhanh, huyết áp tụt.

Người nhà cho biết sau hơn 2 giờ đi xe máy từ Hà Nội về quê Phú Thọ giữa trưa nắng (từ 12 giờ đến 14 giờ), nam thanh niên xuất hiện đau đầu vật vã, người nóng như than, sau đó ý thức giảm dần, gọi hỏi không biết.

Bệnh nhân sốc nhiệt được cấp cứu và điều trị tích cực. Ảnh. Bệnh viện cung cấp

Bệnh nhân sốc nhiệt được cấp cứu và điều trị tích cực. Ảnh. Bệnh viện cung cấp

Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành các biện pháp hồi sức và kiểm tra toàn diện để loại trừ tình trạng bất thường não, mạch não và các nguyên nhân khác. Bệnh nhân được xác định bị sốc nhiệt mức độ nặng, nguy cơ tử vong cao 30-40%.

Bệnh nhân được áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy để kiểm soát nhiệt độ cơ thể và các biện pháp hồi sức tích cực khác như thở máy, dùng thuốc vận mạch, lọc máu, bù nước, điện giải…

Sau 5 ngày duy trì hạ thân nhiệt chỉ huy, 2 ngày lọc máu và phối hợp các biện pháp điều trị tích cực, ý thức người bệnh tỉnh dần, các rối loạn dần ổn định. Đến ngày thứ 8, người bệnh rút được máy thở. Đến nay, sau 22 ngày điều trị, người bệnh được ra viện.

Theo các chuyên gia, sốc nhiệt là tình trạng tăng thân nhiệt quá mức (thường trên 40 độ C), do kết hợp của việc tiếp xúc với nhiệt nóng từ môi trường và việc tăng thân nhiệt do cơ thể vận động quá mức, lại mất nước.

Hậu quả là hoạt động chuyển hóa bình thường của cơ thể bị ngừng lại hoặc rối loạn, dẫn tới tổn thương rất nhiều cơ quan như hôn mê, co giật, trụy tim mạch, tổn thương gan, suy gan, rối loạn đông máu nội quản rải rác, tiêu cơ vân, suy thận…

Nạn nhân thường không tử vong ngay tại chỗ nhưng thường tử vong tại các cơ sở y tế do đến muộn, suy đa tạng hoặc không được cấp cứu ban đầu kịp thời và đúng.

Các bác sĩ khuyến cáo trời nắng gay gắt nhất nếu đi đường, làm việc lâu ngoài nắng vào thời điểm này sẽ rất nguy hiểm, có thể gây nên tình trạng sốc nhiệt, trụy mạch, tổn thương não. Do đó, người dân hạn chế việc ra ngoài trời trong khoảng thời gian 11-15 giờ, đồng thời phải uống đủ nước.

Dấu hiệu của sốc nhiệt là vã mồ hôi khi cơ thể phản ứng tỏa nhiệt. Nhiệt độ tăng dần, tăng dần đến khi cơ thể không giải phóng được khiến bệnh nhân kiệt sức và ngất xỉu.

Người bệnh có thể thấy đau đầu, chóng mặt và choáng váng; da đỏ, nóng và khô; yếu cơ hoặc chuột rút; buồn nôn và ói mửa; nhịp tim nhanh; thở nhanh, thở nông. Nếu nặng hơn bệnh nhân sẽ có những biểu hiện thay đổi hành vi như nhầm lẫn, mất phương hướng hoặc loạng choạng, thậm chí co giật, mất ý thức, hôn mê…

Khi phát hiện người có dấu hiệu say nóng, say nắng với những biểu hiện choáng váng, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt... cần đưa người bệnh đến ngay chỗ thoáng mát. Cởi bớt quần áo, uống nước có pha muối (hoặc nước chanh, nước bột sắn dây...) và chườm mát cho người bệnh ở những vị trí như: cổ, nách, bẹn, lưng...

D.Thu

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/chay-xe-may-ve-que-giua-trua-nang-nam-thanh-nien-bi-soc-nhiet-19624052908543705.htm