Chế biến sâu – 'Chìa khóa' nâng cao đời sống cho bà con dân tộc Điện Biên

Điện Biên - vùng đất Tây Bắc giàu truyền thống văn hóa và tiềm năng nông nghiệp. Nhưng với đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây, câu chuyện làm giàu từ nông sản vẫn luôn là một bài toán khó. Vậy làm sao để những sản phẩm từ đôi bàn tay cần cù của người dân nơi đây có thể vươn xa?

Để tìm đường vươn lên thoát nghèo, nhiều hộ kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã lựa chọn chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị cho sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Câu chuyện khởi nghiệp của gia đình chị Tòng Thị Hoài (xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên) là một minh chứng.

Bắt nguồn từ những trăn trở về cuộc sống bấp bênh của những người phụ nữ dân tộc thiểu số, trước đây, cà phê sau khi thu hoạch chủ yếu được bán thô với giá trị thấp, phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Nhận thấy điều này, chị Tòng Thị Hoài (xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên), cùng ba người chị em của mình – Tòng Thị Noọng, Tòng Thị Ngoan và Lò Thị Tiên đã quyết tâm thay đổi.

Ban đầu, nhóm chị em chỉ thu mua cà phê của bà con, rồi bán lại dưới dạng nhân xanh cho các công ty ở Hà Nội. Nhưng họ hiểu rằng, nếu chỉ dừng lại ở việc thu mua thô, giá trị gia tăng vẫn chưa được tạo ra. Năm 2019, bằng số vốn tích góp ít ỏi cùng với khoản vay hỗ trợ từ chương trình phát triển kinh tế địa phương, nhóm quyết định xây dựng mô hình chế biến sâu – cho ra đời thương hiệu "Cà phê Chị Em".

Tại bản Na Luông, xã Ẳng Nưa, giữa không gian thơm nồng hương cà phê, chị Tòng Thị Nọi, một trong bốn người sáng lập thương hiệu "Cà phê Chị Em", chia sẻ:"Chúng tôi sinh ra trên vùng đất trồng cà phê, nhưng chưa bao giờ nghĩ rằng có ngày mình sẽ tự tay gây dựng một thương hiệu riêng. Cà phê không chỉ là cây trồng, mà còn là cơ hội, là con đường giúp chị em phụ nữ có thêm thu nhập, tự chủ kinh tế và dần thoát nghèo. Với số vốn vay ban đầu, nhóm đã mạnh dạn đầu tư xây dựng khu nhà kính để phơi sấy hạt cà phê, trang bị máy rang xay, từng bước hiện thực hóa giấc mơ kinh doanh.

Mỗi hạt cà phê được rang xay không chỉ góp phần nâng cao giá trị kinh tế, mà còn là biểu tượng cho sự đổi thay, là cánh cửa mở ra tương lai tươi sáng hơn, giúp bà con vươn lên thoát nghèo và xây dựng cuộc sống bền vững. Hiện nay, mỗi năm, “Cà phê Chị Em” chế biến khoảng 35 tấn cà phê tươi, tương đương 5-5.5 tấn thành phẩm và đang từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường.

Để mở rộng thị trường tiêu thụ cho “Cà phê Chị Em” gia đình chị Hoài cũng đã tham gia nhiều hội chợ nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm cà phê đặc trưng của Mường Ảng đến với đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài nước. Nhờ chú trọng vào chất lượng từ khâu tuyển chọn đầu vào, “Cà phê Chị Em” đã được người tiêu dùng đón nhận bởi hương vị đặc trưng, riêng biệt.

Tại huyện Mường Ảng, cà phê được xác định là cây trồng mũi nhọn giúp người dân phát triển kế sinh nhai. Hiện nay, huyện Mường Ảng có hơn 3.000 ha diện tích trồng cà phê với diện tích cho thu hoạch là 2.193 ha; diện tích kiến thiết cơ bản 822 ha.

Nhằm nâng cao công tác xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cho bà con vùng đồng bào dân tộc, với vai trò của ngành Công Thương, trong những năm qua, để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản và sản phẩm thế mạnh địa phương nói chung và của bà con vùng dân tộc thiểu số nói riêng, Sở Công Thương đã tập trung vào công tác xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, nông sản đặc sản của tỉnh Điện Biên thông qua hoạt động tổ chức, tham gia các cuộc hội chợ, triển lãm, sự kiện xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, Sở Công Thương còn chú trọng đến hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Thời gian tới, bên cạnh việc vận động các chủ thể đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, đẩy mạnh liên kết phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã; xây dựng các mô hình chuỗi liên kết; nâng cao năng lực chế biến nông sản, bảo quản, đóng gói, bao bì, nhãn mác để nâng cao giá trị sản phẩm, đảm bảo đủ điều kiện thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của trung ương và địa phương; Sở Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại, thương mại điện tử nhằm tiêu thụ sản phẩm cho nông dân và hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.

Thực tế, với chế biến sâu, giá trị nông sản của nông dân đã tăng gấp 2-3 lần so với bán thô. Quan trọng hơn, nó tạo ra chuỗi liên kết bền vững giữa người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp. Sự đồng hành của doanh nghiệp và cơ quan quản lý đang tạo nên một hệ sinh thái phát triển bền vững. Chế biến sâu không chỉ là giải pháp kinh tế mà còn là cầu nối đưa văn hóa, con người Điện Biên ra thị trường rộng lớn.

Thực hiện Đỗ Nga - Ngọc Hoa

Nguồn Công Thương: https://media.congthuong.vn/che-bien-sau-chia-khoa-nang-cao-doi-song-cho-ba-con-dan-toc-dien-bien-14762.media