Phó vụ trưởng Đại học: 'AI là lĩnh vực sinh viên cần nắm bắt ngay'
Theo phó vụ trưởng Giáo dục đại học, trí tuệ nhân tạo (AI) là lĩnh vực sinh viên cần nắm bắt ngay để sẵn sàng tham gia thị trường lao động hiện nay.

Ông Đặng Văn Huấn, Phó vụ trưởng Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT), trao đổi tại chương trình. Ảnh: BTC.
Lời khuyên trên được ông Đặng Văn Huấn, Phó vụ trưởng Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) đưa ra tại lễ phát động chương trình Nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên - Skill Our Future, tổ chức tại Hà Nội, chiều 23/4.
Ông Đặng Văn Huấn nhận định trong thời kỳ hội nhập, năng lực số, tư duy làm việc nhóm, kiến thức chuyên môn đều phải hội nhập quốc tế.
Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, khả năng được doanh nghiệp săn đón, mời chào với mức lương cao phụ thuộc nhiều vào năng lực số và tư duy làm việc nhóm của ứng viên.
Bộ đã ban hành Khung năng lực số cho người học bao gồm 6 miền năng lực với 24 kỹ năng số, đặc biệt nhấn mạnh về kỹ năng liên quan đến AI.
Cùng với đó, bộ rất quan tâm đến việc các trường đại học tích hợp kỹ năng số vào chương trình đào tạo chính quy và chương trình bổ sung. Để khi sinh viên ra trường, các em có đầy đủ kiến thức, kỹ năng về chuyên môn, song song với đó là kỹ năng mềm, kỹ năng số, sẵn sàng tham gia thị trường lao động cạnh tranh khốc liệt.
"Trí tuệ nhân tạo là lĩnh vực các em cần sẵn sàng và nắm bắt ngay", phó vụ trưởng nhắn nhủ sinh viên "phải học rất nhiều để sử dụng AI hiệu quả, có đạo đức và phục vụ tốt nhất cho công việc và cuộc sống".
Theo báo cáo Tương lai việc làm 2025 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, đến năm 2020, 92 triệu việc làm sẽ bị thay thế do tự động hóa, nhưng đồng thời sẽ có 170 triệu việc làm mới được tạo ra - chủ yếu trong các lĩnh vực dữ liệu, AI, công nghệ số và nội dung số.
Anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam, nhận định năng lực số của thanh niên Việt Nam hiện nay có nhiều điểm sáng nhưng vẫn còn những hạn chế.
Thanh niên tại các đô thị lớn thường có khả năng tiếp cận công nghệ cao, sử dụng thành thạo các nền tảng số trong học tập và công việc.
Trong khi đó, thanh niên ở vùng sâu, vùng xa, kỹ năng số còn hạn chế do thiếu cơ sở hạ tầng và cơ hội tiếp cận. Nhận thức về an toàn thông tin, ứng phó với tin giả và ứng dụng công nghệ sáng tạo cũng chưa đồng đều.
Tuy nhiên, anh cho rằng chuyển đổi số không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để thanh niên bứt phá, tạo ra giá trị mới.
Dù vậy, trong bối cảnh chuyển đổi số, thanh niên đối mặt với nhiều thách thức. Nổi bật là sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường lao động, khi công nghệ và tự động hóa dần thay thế con người trong một số lĩnh vực. Sự dịch chuyển lao động toàn cầu cũng đòi hỏi thanh niên phải không ngừng nâng cao năng lực để thích nghi.
"Nếu không chủ động trang bị kỹ năng số, thanh niên không chỉ đánh mất cơ hội việc làm, phát triển cá nhân mà còn ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của quốc gia. Trong thời đại này, đi chậm hơn người khác đã là thụt lùi", anh Nguyễn Minh Triết nói.
Chương trình Nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên - Skill Our Future được tổ chức bởi Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc, Trung tâm Phát triển khoa học, công nghệ và tài năng trẻ (Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh), Báo Điện tử Tiếng nói Việt Nam.
Chương trình hướng đến mục tiêu trang bị cho thanh thiếu niên nhận thức đúng đắn, kiến thức và kỹ năng số cần thiết để học tập, làm việc và sáng tạo trong thời đại số, góp phần nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia.