Chế biến sâu hơn 20 triệu tấn đất hiếm để phục vụ công nghiệp chip bán dẫn

Ông Đặng Quốc Khánh - Bộ trưởng Bộ TN&MT cho biết, Việt Nam có khoảng 20 triệu tấn đất hiếm, thời gian tới, sẽ thu hút công nghệ chế biến sâu loại khoáng sản này để phục vụ ngành công nghiệp chip bán dẫn.

Sáng 4/6, nêu câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ TN&MT, đại biểu Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình) cho biết, đất hiếm hiện nay đang được các nước hết sức quan tâm. Trong khi đó, nước ta có trữ lượng lớn loại khoáng sản này.

Đại biểu Trần Quang Minh đề nghị Bộ trưởng Bộ TN&MT làm rõ những vấn đề liên quan đến khai thác đất hiếm. Ảnh: QH

Đại biểu Trần Quang Minh đề nghị Bộ trưởng Bộ TN&MT làm rõ những vấn đề liên quan đến khai thác đất hiếm. Ảnh: QH

"Đây là tiềm năng trong bối cảnh các nước trên thế giới và nước ta đang tập trung đầu tư ngành công nghệ cao, rất cần loại khoáng sản này. Đề nghị Bộ trưởng cho biết rõ hơn về công tác khai khoáng, sử dụng và quản lý đất hiếm trong thời gian qua?”, đại biểu đoàn Quảng Bình nêu câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ TN&MT.

Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh cho biết, Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản quan trọng thiết yếu phong phú, có trữ lượng tương đối lớn. Cụ thể như bô xít có khoảng 5,8 tỷ tấn, titan khoảng hơn 600 triệu tấn và khoảng 20 triệu tấn đất hiếm.

Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, việc khai thác loại khoáng sản quan trọng thiết yếu, đặc biệt là đất hiếm phải tính đến bài toán chế biến sâu, chế biến tinh ngay tại Việt Nam để phục vụ ngành công nghiệp sản xuất chip bán dẫn. Ngoài ra, còn nghiên cứu sản xuất để xuất khẩu đất hiếm.

Tuy nhiên, theo ông Đặng Quốc Khánh, những năm trước đây chúng ta chưa nghiên cứu một cách tổng thể về trữ lượng đất hiếm. Trong khi đó ngành công nghiệp cũng chưa chế biến sâu đất hiếm. Do vậy, thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ đánh giá chính xác về trữ lượng đất hiếm, đồng thời thu hút công nghệ chế biến sâu loại khoáng sản này.

Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh trả lời câu hỏi của đại biểu về khai thác đất hiếm.

Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh trả lời câu hỏi của đại biểu về khai thác đất hiếm.

Ngoài ra, Bộ TN&MT đang phối hợp với các bộ ngành và các tỉnh có tiềm năng về đất hiếm như Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai để tăng cường quản lý đất hiếm.

“Có những thân mỏ đất hiếm ở sâu lòng đất, nhưng cũng có những mỏ phân tán nhỏ lẻ trên bề mặt. Do vậy chúng ta phải tăng cường công tác quản lý để tránh việc khai thác trái phép”, ông Khánh nhấn mạnh.

Trong báo cáo gửi đại biểu Quốc hội trước phiên chất vấn, Bộ TN&MT cho biết, sẽ sớm thực hiện đề án đánh giá tổng thể tiềm năng đất hiếm. Bố trí nguồn ngân sách đảm bảo cho điều tra, đánh giá và thăm dò đầy đủ về tài nguyên, trữ lượng đất hiếm làm cơ sở hoạch định cho các mục tiêu phát triển của đất nước. Đồng thời, tiếp tục hợp tác quốc tế trong chuyển giao công nghệ khai thác, thu hồi, chế biến sâu đất hiếm.

Đất hiếm là tài nguyên quý làm nguyên liệu quan trọng trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao: điện tử, laser, vật liệu siêu dẫn, chất phát quang, xúc tác, nam châm, quang điện, chế tạo vũ khí, thiết bị y tế, công nghệ bán dẫn.

Bộ TN&MT cho biết, ước tính trữ lượng đất hiếm ở nước ta có hơn 20 triệu tấn, chỉ đứng sau Trung Quốc (44 triệu tấn). Một số quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn khác: Brazil có hơn 21 triệu tấn, Nga khoảng 21 triệu tấn, Ấn Độ gần 7 triệu tấn.

Trữ lượng đất hiếm phân bổ chủ yếu ở vùng Tây Bắc với nhiều mỏ được thăm dò, xác định giá trị kinh tế, cụ thể là các mỏ thuộc địa bàn tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/che-bien-sau-hon-20-trieu-tan-dat-hiem-de-phuc-vu-cong-nghiep-chip-ban-dan-2287735.html