Chế độ ăn cho bệnh nhân Leukemia kinh dòng bạch cầu hạt
Chế độ ăn uống khoa học và phù hợp giúp cơ thể người bệnh Leukemia kinh dòng bạch cầu hạt dung nạp thuốc tốt hơn, góp phần nâng cao sức khỏe tổng thể cũng như chất lượng cuộc sống.
NỘI DUNG
1. Tại sao dinh dưỡng lại quan trọng đối với người bệnh Leukemia kinh dòng bạch cầu hạt?
2. Các dưỡng chất quan trọng với người mắc bệnh Leukemia kinh dòng bạch cầu hạt
3. Xây dựng chế độ ăn cho người Leukemia kinh dòng bạch cầu hạt yêu cầu gì?
Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ ước tính rằng tại Hoa Kỳ vào năm 2023 có hơn 8.900 trường hợp mắc Leukemia kinh dòng bạch cầu hạt mới và khoảng 1.310 trường hợp tử vong. Tuổi trung bình của bệnh nhân Leukemia kinh dòng bạch cầu hạt là 64 tuổi.
Theo ThS.BS. Nguyễn Quốc Nhật - Phó trưởng khoa Điều trị hóa chất, Viện Huyết học - Truyền máu TW, Leukemia kinh dòng bạch cầu hạt (Chronic myeloid leukemia - CML) hay còn gọi là bệnh ung thư máu mạn tính dòng bạch cầu hạt, là một bệnh ác tính hệ tạo máu thuộc nhóm hội chứng tăng sinh tủy mạn ác tính. Bệnh đặc trưng bởi sự tăng sinh các tế bào dòng bạch cầu hạt có biệt hóa trưởng thành. Hậu quả là số lượng bạch cầu tăng cao ở máu ngoại vi với đủ các tuổi của dòng bạch cầu hạt.
Việc điều trị CML đã có những bước tiến vượt bậc, đặc biệt với sự ra đời của các thuốc ức chế Tyrosine Kinase (TKIs), giúp nhiều bệnh nhân kiểm soát bệnh lâu dài và sống chung với bệnh như một bệnh mạn tính.
Bên cạnh việc tuân thủ phác đồ điều trị y tế, chế độ ăn uống khoa học và phù hợp đóng vai trò vô cùng quan trọng, không chỉ giúp cơ thể dung nạp thuốc tốt hơn mà còn góp phần nâng cao sức khỏe tổng thể và chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Leukemia kinh dòng bạch cầu hạt hay còn gọi ung thư máu mạn tính dòng bạch cầu hạt chiếm khoảng 5-6% các bệnh về máu tại Việt Nam.
1. Tại sao dinh dưỡng lại quan trọng đối với người bệnh Leukemia kinh dòng bạch cầu hạt?
Điều trị ung thư, bao gồm điều trị Leukemia kinh dòng bạch cầu hạt (CML), có thể khiến người bệnh bị mệt mỏi nghiêm trọng và ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch. Nhiều người thấy rằng điều trị ung thư khiến họ khó ăn những thực phẩm mà họ từng thích. Đối phó với chứng buồn nôn, chán ăn, thay đổi tiêu hóa và các tác dụng phụ khác có thể khiến việc duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý trở thành một thách thức. Đồng thời, cơ thể cần năng lượng để xử lý quá trình điều trị ung thư. Đảm bảo nạp đủ calo và chất dinh dưỡng là một cách để bệnh nhân cảm thấy khỏe hơn trước, trong và sau khi điều trị CML.
Một chế độ ăn đủ năng lượng và giàu dinh dưỡng giúp người bệnh duy trì cân nặng ổn định, chống lại sự suy nhược cơ thể, có đủ sức lực để đối mặt với quá trình điều trị kéo dài. Việc sụt cân không kiểm soát có thể ảnh hưởng tiêu cực đến đáp ứng điều trị và khả năng phục hồi.
Theo Viện Ung thư Quốc gia (NCI) Hoa Kỳ, cơ thể người bệnh sẽ cần thêm protein và calo trong và sau quá trình điều trị ung thư. Ngoài ra, việc điều trị ung thư máu như CML có thể dẫn đến giảm số lượng bạch cầu và tổn thương niêm mạc ruột. Cả hai tác động này đều làm tăng nguy cơ nhiễm trùng do vi khuẩn. Điều quan trọng là không chỉ ăn thực phẩm tốt mà còn phải ăn một cách an toàn.
2. Các dưỡng chất quan trọng với người mắc bệnh Leukemia kinh dòng bạch cầu hạt
Chế độ ăn giàu vitamin, khoáng chất và protein cung cấp các nguyên liệu cần thiết để xây dựng và duy trì chức năng của các tế bào miễn dịch, giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh hiệu quả hơn. Để đạt được những lợi ích kể trên, chế độ ăn của bệnh nhân Leukemia kinh dòng bạch cầu hạt cần đảm bảo cung cấp đầy đủ và cân đối các nhóm dưỡng chất sau:
Protein: Cực kỳ quan trọng cho việc xây dựng và sửa chữa các mô cơ thể, bao gồm cả các tế bào miễn dịch. Protein giúp duy trì khối cơ, ngăn ngừa suy mòn và hỗ trợ quá trình lành vết thương.
Nguồn thực phẩm tốt: Thịt nạc (gia cầm bỏ da, thịt heo thăn), cá (đặc biệt cá béo giàu omega-3 như cá hồi, cá thu), trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa ít béo (sữa chua, phô mai), các loại đậu (đậu nành, đậu xanh, đậu lăng), các loại hạt và chế phẩm từ đậu nành như đậu phụ.
Carbohydrate: Là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể và não bộ. Nên ưu tiên các loại carbohydrate phức hợp, giàu chất xơ.
Nguồn thực phẩm tốt: Gạo lứt, bánh mì nguyên cám, yến mạch, khoai lang, các loại ngũ cốc nguyên hạt, rau củ và trái cây. Hạn chế đường tinh luyện và các sản phẩm chứa nhiều đường đơn (bánh kẹo, nước ngọt).
Chất béo lành mạnh: Cung cấp năng lượng dự trữ, hỗ trợ hấp thụ các vitamin tan trong dầu (A, D, E, K) và tham gia vào nhiều chức năng tế bào. Ưu tiên chất béo không bão hòa.
Nguồn thực phẩm tốt: Dầu thực vật (dầu oliu, dầu hạt cải, dầu mè), quả bơ, các loại hạt (hạnh nhân, óc chó), hạt (hạt chia, hạt lanh), cá béo. Hạn chế chất béo bão hòa (mỡ động vật, bơ) và chất béo trans (thực phẩm chế biến sẵn, đồ chiên rán).
Vitamin và khoáng chất: Đóng vai trò thiết yếu trong hàng loạt các phản ứng sinh hóa của cơ thể, bao gồm chức năng miễn dịch, sản xuất năng lượng, bảo vệ tế bào khỏi tổn thương oxy hóa.
Nguồn thực phẩm tốt: Ăn đa dạng các loại rau lá xanh đậm (cải bó xôi, bông cải xanh), rau củ nhiều màu sắc (cà rốt, bí đỏ, cà chua, ớt chuông), trái cây tươi (cam, quýt, bưởi, dâu tây, kiwi), ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu và hạt. Đôi khi, bác sĩ có thể chỉ định bổ sung một số vitamin hoặc khoáng chất cụ thể nếu có bằng chứng về sự thiếu hụt.
Chất xơ: Quan trọng cho sức khỏe hệ tiêu hóa, giúp điều hòa nhu động ruột, phòng ngừa táo bón hoặc hỗ trợ kiểm soát tiêu chảy (tùy loại chất xơ).
Nguồn thực phẩm tốt: Rau xanh, trái cây (ăn cả vỏ nếu có thể), ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu. Cần uống đủ nước khi tăng cường chất xơ.

Chế độ ăn đóng vai trò quan trọng trong hành trình điều trị và sống chung với bệnh Leukemia kinh dòng bạch cầu hạt.
3. Xây dựng chế độ ăn cho người Leukemia kinh dòng bạch cầu hạt yêu cầu gì?
Hướng dẫn dinh dưỡng cho người bệnh Leukemia kinh dòng bạch cầu hạt bao gồm xử lý thực phẩm an toàn và ăn các loại thực phẩm như protein, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau củ giúp người bệnh nhận được các chất dinh dưỡng cần thiết.
Hiệp hội Bệnh bạch cầu và U lympho (LLS) đưa ra những hướng dẫn chung về xây dựng một chế độ ăn phù hợp cho bệnh nhân Leukemia kinh dòng bạch cầu hạt cần tuân thủ các nguyên tắc và yêu cầu sau:
Cá nhân hóa: Kế hoạch dinh dưỡng cần được điều chỉnh dựa trên tình trạng sức khỏe cụ thể của từng người, giai đoạn bệnh, phác đồ điều trị đang áp dụng, các tác dụng phụ gặp phải, các bệnh lý đi kèm (nếu có), sở thích ăn uống và khả năng dung nạp thực phẩm.
Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm: Do nguy cơ suy giảm miễn dịch, bệnh nhân Leukemia kinh dòng bạch cầu hạt cần đặc biệt chú trọng vấn đề an toàn thực phẩm để giảm thiểu rủi ro nhiễm trùng qua đường ăn uống. Thực phẩm phải được nấu chín ở nhiệt độ thích hợp và chế biến đúng cách. Điều quan trọng là tránh các loại thực phẩm sống hoặc chưa nấu chín để giảm nguy cơ nhiễm trùng.
Quản lý tác dụng phụ qua chế độ ăn:
Buồn nôn/nôn: Ăn bữa nhỏ, thường xuyên; chọn thức ăn khô, nhạt (bánh quy giòn, bánh mì nướng); tránh thức ăn nhiều dầu mỡ, nặng mùi, quá ngọt hoặc quá cay; uống nước chậm rãi giữa các bữa ăn.
Tiêu chảy: Hạn chế thực phẩm nhiều chất xơ không hòa tan, dầu mỡ, sữa (nếu không dung nạp lactose), đồ uống chứa caffeine; tăng cường thực phẩm dễ tiêu hóa (gạo trắng, chuối, táo bỏ vỏ); bổ sung đủ nước và điện giải (nước canh, oresol theo chỉ định).
Táo bón: Tăng cường chất xơ hòa tan và không hòa tan (rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt); uống nhiều nước; vận động nhẹ nhàng nếu có thể.
Chán ăn/thay đổi vị giác: Chia nhỏ bữa ăn; thử các loại thực phẩm và gia vị khác nhau; làm cho món ăn hấp dẫn hơn về hình thức; ưu tiên thực phẩm giàu năng lượng và protein (thêm bơ, phô mai, sữa bột vào món ăn).
Một số thuốc TKIs có thể tương tác với một số loại thực phẩm. Ví dụ kinh điển là bưởi và nước ép bưởi có thể làm tăng nồng độ một số thuốc TKIs trong máu, dẫn đến tăng nguy cơ tác dụng phụ. Bệnh nhân cũng cần tránh một số chất bổ sung vì chúng có thể tương tác với một số loại thuốc. Luôn hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ về các loại thực phẩm hoặc thảo dược cần tránh khi đang dùng thuốc điều trị Leukemia kinh dòng bạch cầu hạt.
Khi điều trị bệnh bạch cầu hạt mạn tính (CML), chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng, vì vậy người bệnh hoặc người chăm sóc cần hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn cụ thể về chế độ ăn phù hợp nhất.