Chế độ dinh dưỡng bảo vệ sức khỏe mắt cho người bị loạn thị

Một chế độ dinh dưỡng cân bằng, đủ chất và lành mạnh có thể góp phần duy trì thị lực tốt. Người bị loạn thị cần có chế độ ăn uống phù hợp để làm chậm tiến triển bệnh, cải thiện tình trạng loạn thị.

Nội dung

1. Tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng đối với người bị loạn thị

2. Những dưỡng chất hỗ trợ sức khỏe mắt cho người bị loạn thị

3. Một số thực phẩm gây hại cho mắt người loạn thị

1. Tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng đối với người bị loạn thị

Loạn thị là một tật khúc xạ phổ biến của mắt, thường do giác mạc hoặc thủy tinh thể có hình dạng không đều dẫn đến hình ảnh bị mờ hoặc méo mó. Người bị loạn thị thường có biểu hiện: Nhìn mờ hoặc méo mó ở mọi hướng (gần hoặc xa), khó nhìn vào ban đêm, nheo mắt, mỏi mắt hoặc khó chịu, thậm chí nhức mắt, nhức đầu khi nhìn lâu. Nếu không được điều trị có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng gây suy giảm thị lực, nhược thị, lác mắt… và tăng nguy cơ mắc bệnh về mắt.

Theo TS.BSCKII Nguyễn Viết Giáp, Giám đốc BV Mắt Bà Rịa -Vũng Tàu, mục tiêu điều trị loạn thị là cải thiện thị lực khi nhìn và sự thoải mái của mắt. Các phương pháp điều trị chính là đeo kính chỉnh thị hoặc phẫu thuật khúc xạ. Ngoài ra, có thể sử dụng một số thuốc để hỗ trợ giảm các triệu chứng do loạn thị gây ra.

Người bệnh cầntuân thủ nghiêm ngặt chỉ định dùng thuốc của bác sĩ; Cho mắt nghỉ ngơi đầy đủ để phục hồi; Tránh các hoạt động gắng sức; Sử dụng kính bảo vệ mắt; Hạn chế tiếp xúc với máy tính; Duy trì đủ nước và ăn chế độ ăn cân bằng giàu vitamin, chất dinh dưỡng để hỗ trợ sức khỏe mắt nói chung và phục hồi sau phẫu thuật.

Người bị loạn thị cần chế độ ăn giàu dinh dưỡng, bổ sung vitamin và khoáng chất.

Người bị loạn thị cần chế độ ăn giàu dinh dưỡng, bổ sung vitamin và khoáng chất.

Đối với người bị loạn thị, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe mắt và làm chậm quá trình tiến triển của bệnh. Chế độ ăn giàu dinh dưỡng, bổ sung vitamin và khoáng chất như vitamin A, C, E, kẽm, lutein, zeaxanthin và omega-3 giúp bảo vệ tế bào mắt khỏi tổn thương, duy trì chức năng thị giác và giảm nguy cơ mắc các bệnh về mắt khác.

Chế độ ăn uống lành mạnh cân bằng giúp giảm các triệu chứng như mỏi mắt, nhức đầu, khó chịu khi nhìn lâu. Uống đủ nước giúp duy trì độ ẩm cho mắt, giảm tình trạng khô mắt và khó chịu, giúp mắt phục hồi nhanh hơn sau phẫu thuật.

Người bị loạn thị có nguy cơ cao mắc các bệnh về mắt khác như đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng. Các chất chống oxy hóa có trong thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất giúp bảo vệ mắt khỏi tác hại của các gốc tự do, làm chậm quá trình lão hóa và thoái hóa điểm vàng. Omega-3 giúp cải thiện lưu thông máu đến mắt, giảm nguy cơ mắc các bệnh về mạch máu ở mắt.

2. Những dưỡng chất hỗ trợ sức khỏe mắt cho người bị loạn thị

Đối với người bị loạn thị, việc bổ sung các loại vitamin và dưỡng chất cần thiết cho sức khỏe mắt rất quan trọng giúp hỗ trợ sức khỏe mắt và nhanh phục hồi.

Vitamin A

Vitamin A là một chất chống oxy hóa mạnh, giúp bảo vệ mắt khỏi tác hại của các gốc tự do. Vitamin A giúp duy trì độ ẩm cho giác mạc, ngăn ngừa tình trạng khô mắt, một triệu chứng phổ biến ở người bị loạn thị.

Người bị loạn thị thường gặp khó khăn khi nhìn vào ban đêm, bổ sung đủ vitamin A có thể giúp cải thiện thị lực ban đêm. Vitamin A cũng giúp bảo vệ giác mạc khỏi các tác nhân gây hại từ môi trường như bụi bẩn, ánh sáng xanh và tia UV.

Người bệnh nên bổ sung vitamin A từ các nguồn thực phẩm tự nhiên giàu vitamin A như: Cà rốt, khoai lang, gan, rau xanh đậm (rau bina, cải xoăn)…

Vitamin nhóm B

Các vitamin B1, B2, B6 và B12 đều đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì chức năng của dây thần kinh thị giác. Chúng giúp đảm bảo sự truyền tín hiệu thần kinh hiệu quả từ mắt đến não, giúp cải thiện thị lực. Bổ sung đủ vitamin nhóm B giúp giảm tình trạng mỏi mắt, khô mắt và nhức đầu, những triệu chứng thường gặp ở người bị loạn thị.

Nguồn thực phẩm giàuvitamin nhóm B: Thịt nạc, cá, trứng, ngũ cốc nguyên hạt…

Vitamin C

Vitamin C giúp bảo vệ các tế bào mắt khỏi tổn thương do các gốc tự do gây ra, ngăn ngừa quá trình lão hóa và thoái hóa điểm vàng.

Collagen là một protein quan trọng cấu tạo nên giác mạc và các mô liên kết trong mắt. Bổ sung vitamin C giúp cơ thể sản xuất collagen, duy trì sự khỏe mạnh của giác mạc và giúp mắt phục hồi sau tổn thương.

Vitamin C có nhiều trong trái cây họ cam, quýt, dâu tây, ớt chuông, bông cải xanh…

Vitamin E

Vitamin E giúp bảo vệ các tế bào võng mạc và các tế bào khác trong mắt khỏi tổn thương do oxy hóa, giảm tình trạng khô mắt, duy trì sự khỏe mạnh của các mạch máu trong mắt, đảm bảo cung cấp đủ oxy và dưỡng chất cho các tế bào mắt hoạt động tốt.

Vitamin E có nhiều trong các thực phẩm như: Hạnh nhân, hạt hướng dương, rau bina, bơ…

Omega-3

Omega-3 là thành phần quan trọng của võng mạc, giúp duy trì cấu trúc và chức năng của võng mạc, giúp bảo vệ võng mạc khỏi tác hại của ánh sáng xanh và tia UV. Omega-3 giúp tăng cường sản xuất nước mắt, giảm tình trạng khô mắt và cải thiện sức khỏe võng mạc.

Nguồn thực phẩm giàu omega-3 tốt nhất bao gồm: Cá hồi, cá ngừ, cá trích, cá cơm, hạt lanh, hạt chia…

Chất chống oxy hóa lutein và zeaxanthin

Đây là hai chất chống oxy hóa quan trọng đối với mắt, giúp giảm tình trạng mỏi mắt, khô mắt và nhức đầu ở người bị loạn thị.

Lutein và zeaxanthin tập trung ở điểm vàng của võng mạc, giúp bảo vệ võng mạc khỏi tác hại của ánh sáng xanh và tia UV, giảm nguy cơ mắc các bệnh về võng mạc như thoái hóa điểm vàng ở người bị loạn thị. Lutein và zeaxanthin giúp cải thiện độ tương phản và độ nhạy của thị giác, giúp mắt nhìn rõ hơn trong điều kiện ánh sáng yếu đối với người bị loạn thị gặp khó khăn khi nhìn vào ban đêm.

Cách tốt nhất để bổ sung lutein và zeaxanthin là thông qua ăn các thực phẩm như: Rau xanh lá (cải xoăn, rau bina), ngô, lòng đỏ trứng…

Các loại rau lá xanh giàu chất chống oxy hóa tốt cho mắt.

Các loại rau lá xanh giàu chất chống oxy hóa tốt cho mắt.

3. Một số thực phẩm gây hại cho mắt người loạn thị

Một số loại thực phẩm có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe mắt và làm trầm trọng thêm các triệu chứng của loạn thị người bệnh nên hạn chế bao gồm:

Thực phẩm chế biến sẵn:Thực phẩm chế biến như đồ ăn nhanh, đồ hộp, thực phẩm đông lạnh chế biến sẵn thường chứa nhiều muối, đường và chất béo không lành mạnh, có thể gây viêm nhiễm và tổn thương mạch máu trong mắt.

Thực phẩm nhiều đường:Tiêu thụ quá nhiều đường trong bánh kẹo, đồ ngọt, nước ngọt có gas có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về mắt như thoái hóa điểm vàng và đục thủy tinh thể.

Chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa: Các loại chất béo này thường có trong thực phẩm chiên rán, đồ ăn nhanh, thịt đỏ… có thể gây viêm và tổn thương tế bào mắt.

Thực phẩm chứa nhiều muối: Ăn thức ăn chứa nhiều muối như thức ăn mặn, nước mắm, nước tương, đồ hộp, thịt xông khói, xúc xích… thường xuyên dễ dẫn đến tăng huyết áp, gây tổn thương các mạch máu nhỏ trong mắt.

Đồ uống có cồn:Cồn là chất lợi tiểu, gây mất nước dẫn đến khô mắt, khó chịu và kích ứng. Cồn ảnh hưởng đến khả năng điều tiết của mắt, gây mờ mắt. Tác dụng của cồn còn gây giãn mạch máu trong mắt. Những người nghiện rượu cũng thường thiếu hụt vitamin A, là nguyên nhân chính của hội chứng khô mắt. Do đó người mắc các bệnh về mắt nên tránh hoặc hạn chế tối đa uống rượu và các đồ uống có cồn.

Lưu ý: Người bị loạn thị nên tham khảo ý kiến bác sĩ nhãn khoa hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn về chế độ ăn tốt nhất phù hợp với tình trạng sức khỏe. Nên khám mắt định kỳ để theo dõi tình trạng mắt và điều chỉnh chế độ dinh dưỡng khi cần thiết.

Thu Phương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/che-do-dinh-duong-bao-ve-suc-khoe-mat-cho-nguoi-bi-loan-thi-169250403134204856.htm