Chế độ ăn cho người mắc hội chứng Marfan

Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý sức khỏe tổng thể và giảm thiểu nguy cơ biến chứng cho người mắc hội chứng Marfan - bệnh rối loạn di truyền ảnh hưởng nhiều cơ quan gan, thận...

NỘI DUNG

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn đối với người mắc hội chứng Marfan

2. Các dưỡng chất thiết yếu cho người bị hội chứng Marfan

3. Thực phẩm nên ăn và không nên ăn khi mắc hội chứng Marfan

Hội chứng Marfan là một rối loạn di truyền ảnh hưởng đến mô liên kết. Vì mô liên kết có mặt khắp cơ thể nên hội chứng này có thể ảnh hưởng đến nhiều hệ cơ quan như hệ tim mạch, xương khớp, mắt, hệ hô hấp (khí tràn vào khoang màng phổi, giãn phế nang), da và mô dưới da…

Mặc dù hội chứng Marfan không trực tiếp ảnh hưởng đến gan và thận theo cách thông thường nhưng các biến chứng của bệnh, đặc biệt là các vấn đề tim mạch có thể ảnh hưởng gián tiếp đến chức năng của các cơ quan này. Ví dụ, suy tim (một biến chứng có khả năng xảy ra ở người bệnh Marfan) có thể ảnh hưởng đến chức năng thận. Do đó, việc duy trì một chế độ ăn lành mạnh, kiểm soát huyết áp và các yếu tố nguy cơ tim mạch khác là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe của cả tim, gan và thận.

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn đối với người mắc hội chứng Marfan

Chế độ ăn cân bằng và lành mạnh có thể hỗ trợ sức khỏe tim mạch, xương khớp và các hệ cơ quan khác của người mắc hội chứng Marfan.

Chế độ ăn cân bằng và lành mạnh có thể hỗ trợ sức khỏe tim mạch, xương khớp và các hệ cơ quan khác của người mắc hội chứng Marfan.

Mặc dù không có chế độ ăn đặc hiệu nào chữa khỏi bệnh Marfan nhưng một chế độ ăn cân bằng và lành mạnh có thể hỗ trợ sức khỏe tim mạch, xương khớp và các hệ cơ quan khác.

Hỗ trợ sức khỏe tim mạch: Do người bệnh Marfan có nguy cơ cao mắc các bệnh tim mạch (như phình động mạch chủ, hở van tim), chế độ ăn lành mạnh cho tim là rất quan trọng.

Duy trì sức khỏe xương khớp: Chế độ ăn giàu canxi và vitamin D giúp duy trì mật độ xương và giảm nguy cơ loãng xương, một vấn đề có thể gặp ở người bệnh Marfan.

Kiểm soát cân nặng: Duy trì cân nặng hợp lý giúp giảm áp lực lên tim và khớp, giảm nguy cơ biến chứng.

Cung cấp đủ dinh dưỡng: Đảm bảo cung cấp đủ vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể hoạt động tốt.

2. Các dưỡng chất thiết yếu cho người bị hội chứng Marfan

Canxi và Vitamin D: Canxi và vitamin D rất quan trọng cho sức khỏe xương khớp. Người mắc Marfan có nguy cơ loãng xương cao hơn, vì vậy việc đảm bảo đủ canxi và vitamin D là cần thiết để duy trì mật độ xương và giảm nguy cơ gãy xương.

Nguồn cung cấp:Sữa và các sản phẩm từ sữa (sữa chua, phô mai), rau xanh (cải xoăn, bông cải xanh), đậu phụ, cá hồi, cá mòi (ăn cả xương), cá béo (cá hồi, cá thu), lòng đỏ trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa được bổ sung vitamin D. Có thể bổ sung vitamin D bằng viên uống theo chỉ định của bác sĩ.

Magie: Magie đóng vai trò quan trọng trong nhiều chức năng của cơ thể, bao gồm cả chức năng cơ và thần kinh, sức khỏe tim mạch và xương khớp. Nguồn cung cấp: Rau xanh (rau bina, cải xoăn), các loại hạt (hạnh nhân, hạt điều), ngũ cốc nguyên hạt, đậu, quả bơ...

Vitamin C: Là một chất chống oxy hóa mạnh, giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương. Nó cũng cần thiết cho sự hình thành collagen, một thành phần quan trọng của mô liên kết. Nguồn cung cấp: Trái cây họ cam quýt (cam, chanh, bưởi), dâu tây, kiwi, ớt chuông, bông cải xanh...

Protein: Protein là thành phần xây dựng cơ bắp, xương và các mô khác. Người bệnh Marfan cần đủ protein để duy trì sức khỏe và hỗ trợ phục hồi. Nguồn cung cấp: Thịt nạc (gà, cá), trứng, đậu, các loại hạt, sữa và các sản phẩm từ sữa. Nên ưu tiên protein nạc và hạn chế thịt đỏ, thịt chế biến sẵn.

Omega-3: Omega-3 là acid béo không bão hòa đa có lợi cho tim mạch, giúp giảm viêm và cải thiện chức năng mạch máu. Đây là điều đặc biệt quan trọng đối với người bệnh Marfan có nguy cơ cao mắc các vấn đề tim mạch. Nguồn cung cấp: Cá béo (cá hồi, cá thu, cá mòi), dầu cá, hạt lanh, hạt chia... Có thể bổ sung omega-3 bằng viên uống dầu cá theo chỉ định của bác sĩ.

Chất xơ: Chất xơ giúp duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh, kiểm soát cân nặng và giảm cholesterol. Nguồn cung cấp: Rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu.

3. Thực phẩm nên ăn và không nên ăn khi mắc hội chứng Marfan

3.1. Thực phẩm nên ăn

Rau, củ và các loại trái cây phù hợp với người bị hội chứng Marfan sẽ giúp giảm nguy cơ biến chứng bệnh.

Rau, củ và các loại trái cây phù hợp với người bị hội chứng Marfan sẽ giúp giảm nguy cơ biến chứng bệnh.

Rau củ và trái cây:

Rau lá xanh đậm và các loại rau củ khác: Rau bina (cải bó xôi), cải xoăn, cải thìa, rau diếp cá... giàu vitamin K, folate và các chất chống oxy hóa. Bông cải xanh, cà rốt, bí đỏ, ớt chuông... cung cấp vitamin A, C, chất xơ và các khoáng chất.

Trái cây tươi: Táo, chuối, cam, dâu tây, việt quất, dưa hấu, dứa, nho... cung cấp vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa. Đặc biệt, trái cây họ cam quýt giàu vitamin C, tốt cho quá trình hình thành collagen.

Ngũ cốc nguyên hạt: Gạo lứt, yến mạch, lúa mạch, quinoa (diêm mạch), bánh mì nguyên cám cung cấp chất xơ, vitamin nhóm B và khoáng chất, giúp duy trì năng lượng ổn định và tốt cho tim mạch.

Các loại thịt nạc: Thịt gà (bỏ da), cá béo (cá hồi, cá thu, cá mòi) giàu omega-3; trứng là nguồn protein tốt và dễ hấp thu; Đậu nành, đậu đen, đậu xanh…; Các loại hạt: Hạnh nhân, óc chó, hạt điều... (ăn với lượng vừa phải) là những protein xây dựng cơ bắp, xương và các mô khác, duy trì sức khỏe, hỗ trợ phục hồi.

Sữa và các sản phẩm từ sữa (hoặc các nguồn canxi khác): Sữa tươi, sữa chua, phô mai. Nếu không dung nạp lactose, có thể chọn sữa thực vật được bổ sung canxi (sữa đậu nành, sữa hạnh nhân). Các nguồn canxi khác như đậu phụ, rau xanh đậm, cá mòi (ăn cả xương) cung cấp canxi và vitamin D cho xương chắc khỏe, giúp giảm nguy cơ loãng xương.

Chất béo lành mạnh: Dầu ô liu, dầu cá, quả bơ, các loại hạt (hạnh nhân, óc chó, hạt chia, hạt lanh...)cung cấp năng lượng và hỗ trợ chức năng tế bào, đặc biệt quan trọng cho tim mạch.

3.2. Thực phẩm không nên ăn

Người mắc hội chứng Marfan không nên ăn các thực phẩm chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ...

Người mắc hội chứng Marfan không nên ăn các thực phẩm chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ...

Thực phẩm chế biến sẵn: Đồ ăn nhanh, đồ hộp, xúc xích, thịt xông khói, thịt nguội, mì ăn liền, snack, bánh kẹo công nghiệp, nước ngọt có gas… là những thực phẩm chế biến sẵn thường chứa nhiều muối (natri), đường, chất béo không lành mạnh (chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa) và các chất phụ gia. Những chất này có thể gây hại cho tim mạch, tăng huyết áp, tăng cân và ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.

Thực phẩm chứa nhiều muối (natri): Muối ăn, nước mắm, xì dầu, các loại gia vị mặn, thực phẩm chế biến sẵn, đồ hộp, đồ ăn nhanh, dưa muối, cà muối thường chứa nhiều muối. Ăn quá nhiều muối có thể làm tăng huyết áp, gây áp lực lên tim mạch, đặc biệt là động mạch chủ, vốn đã có nguy cơ bị ảnh hưởng ở người mắc Marfan.

Thực phẩm chứa nhiều đường: Nước ngọt có gas, nước ép trái cây đóng hộp (thường được thêm đường), bánh kẹo, kem, đồ ngọt, đường tinh luyện chứa nhiều đường có thể dẫn đến tăng cân, béo phì, đái tháo đường và các vấn đề sức khỏe khác, gây thêm gánh nặng cho tim mạch và các cơ quan khác.

Chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa: Các loại mỡ động vật (mỡ lợn, mỡ bò), da gia cầm, bơ, các thực phẩm chiên rán (khoai tây chiên, gà rán), bánh quy, bánh ngọt công nghiệp có thể làm tăng cholesterol xấu (LDL) và tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Caffeine: Cà phê, trà đặc, nước tăng lực, chocolate đen thường chứa caffeine có thể làm tăng nhịp tim và huyết áp, điều này không tốt cho người bệnh Marfan có các vấn đề tim mạch.

Rượu bia: Rượu bia có thể ảnh hưởng đến tim mạch và sức khỏe tổng thể.

ThS. BS. Nguyễn Hồng Phúc

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/che-do-an-cho-nguoi-mac-hoi-chung-marfan-169250115164125648.htm