Chế độ ăn tốt cho người thiếu máu cơ tim

DASH là chế độ ăn được nhiều bác sĩ khuyến cáo nên dùng cho người mắc bệnh tim mạch nói chung, đặc biệt là những người mắc bệnh thiếu máu cơ tim nói riêng.

Nội dung

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn đối với người thiếu máu cơ tim

2. Các dưỡng chất cầthiết cho người thiếu máu cơ tim

3. Gợi ý chế độ ăn tốt cho người bệnh thiếu máu cơ tim

Bệnh thiếu máu cơ tim là tình trạng xảy ra khi lượng máu đến cơ tim giảm đi khiến cho tim không nhận đủ lượng oxy vàdinh dưỡng cần thiết để duy trì hoạt động co bóp và đẩy máu đi nuôi cơ thể.

Tình trạng giảm lưu lượng máu đến cơ tim thường xảy ra do sự tắc nghẽn hay hẹp của một phần hoặc toàn bộ các nhánh của động mạch nuôi tim (thuật ngữ chuyên môn gọi là động mạch vành).

Thiếu máu cơ tim có thể diễn biến ổn định, mạn tính nhưng cũng có thể xảy ra cấp tính tình trạng tắc nghẽn động mạch vành hay còn gọi là nhồi máu cơ tim. Đây là tình trạng có tỷ lệ tử vong cao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Ngoài ra, thiếu máu cơ tim còn dẫn tới các vấn đề khác như suy tim, loạn nhịp tim và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và chất lượng sống của người bệnh.

Theo thống kê, hiện nay có khoảng 800.000 trường hợp nhồi máu cơ tim mới, 450.000 trường hợp nhồi máu cơ tim tái phát và 520.000 ca tử vong/năm.

Trong bài viết cung cấp một số hướng dẫn về cách chăm sóc người mắc bệnh thiếu máu cơ tim của BS. Nguyễn Hoàng Anh, Chuyên khoa tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn đối với người thiếu máu cơ tim

Khi được chẩn đoán thiếu máu cơ tim, bên cạnh việc sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ thì việc thay đổi lối sống như cắt giảm hút thuốc, tập thể dục đều đặn và duy trì một chế độ dinh dưỡng có lợi cho tim là quan trọng với người bệnh. Xây dựng một chế độ ăn hợp lý giúp giảm các yếu tố nguy cơ gây bệnh như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, béo phì và đái tháo đường giúp hạn chế sự tiến triển của bệnh thiếu máu cơ tim.

Chế độ ăn hợp lý đóng vai trò quan trọng trong việc dự phòng bệnh tim mạch nói chung và bệnh thiếu máu cơ tim nói riêng, giảm thiểu nguy cơ tử vong cho bệnh nhân. Để kiểm soát tốt tình trạng bệnh, người mắc bệnh thiếu máu cơ tim cần cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, nắm rõ các dưỡng chất nên bổ sung và những thực phẩm cần hạn chế.

Chế độ ăn hợp lý đóng vai trò quan trọng trong việc dự phòng bệnh tim mạch nói chung và bệnh thiếu máu cơ tim nói riêng.

Chế độ ăn hợp lý đóng vai trò quan trọng trong việc dự phòng bệnh tim mạch nói chung và bệnh thiếu máu cơ tim nói riêng.

2. Các dưỡng chất cần thiết cho người thiếu máu cơ tim

Chất xơ

Thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh và hoa quả tươi có nhiều lợi ích cho sức khỏe tim mạch. Chất xơ không chỉ giúp no lâu, giảm cảm giác thèm ăn đồng thời còn giúp giảm cholesterol trong máu, cung cấp vitamin và khoáng chất thiết yếu như kali, canxi.

Omega-3

Thêm thực phẩm giàu omega-3 như cá hồi, dầu cá vào chế độ ăn hàng ngày có thể giúp hạ huyết áp, làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch. Khuyến nghị nên ăn cá ít nhất 2 lần mỗi tuần và có thể bổ sung omega-3 thông qua thực phẩm chức năng như dầu cá theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Ngũ cốc nguyên hạt

Tiêu thụ ngũ cốc nguyên hạt có khả năng giảm LDL cholesterol và nguy cơ bệnh tim mạch, Yến mạch, đậu, lúa mạch là những nguồn chất xơ tốt, cung cấp protein thực vật, chất béo lành mạnh và nhiều chất dinh dưỡng khác.

Chất béo

Nên ăn ít dầu. Nếu muốn sử dụng dầu để nấu ăn, hãy thử dầu ô liu hoặc dầu hạt cải thay vì các loại dầu có nhiều chất béo không bão hòa (dầu ngô, dầu đậu phộng, các loại bơ thực vật...). Dầu ô liu, dầu hạt cải có nhiều chất béo không bão hòa đơn, giúp giảm LDL và tổng lượng cholesterol. Hạn chế sử dụng mỡ động vật để chế biến, hạn chế phủ tạng động vật, các đồ ăn chiên xào.

Ăn một lượng vừa phải các loại hạt giàu chất béo không bão hòa đơn như hạnh nhân, hồ đào, hạt điều, óc chó và hạt mắc ca. Những loại hạt này đã được chứng minh là có thể cải thiện mức cholesterol.

Bên cạnh đó, việc quản lý lượng cholesterol, huyết áp và cân nặng là điều rất quan trọng đối với người mắc bệnh thiếu máu cơ tim. Theo đó, người mắc bệnh thiếu máu cơ tim cần hạn chế tiêu thụ thực phẩm giàu chất béo, muối, thịt đỏ, nước ngọt, nước có gas, thực phẩm chế biến sẵn…

Các vi chất dinh dưỡng

Các vi chất dinh dưỡng như các vitamin và khoáng chất rất cần cho quá trình chuyển hóa trong cơ thể. Khi thiếu vitamin B12, B6, acid folic làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch máu.

Các chất chống oxy hóa cũng ảnh hưởng đến quá trình xơ vữa động mạch. Chế độ ăn có nhiều chất chống oxy hóa như vitamin E, vitamin A, vitamin C, selen có thể giảm tới 20- 40% nguy cơ bệnh mạch vành.

Ngoài ra, kali, magie, canxi liên quan nghịch với huyết áp. Chế độ ăn đủ các vi chất này giúp làm giảm huyết áp. Tăng cường các chất điện giải này bằng cách tăng cường ăn lượng rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, các sản phẩm làm từ sữa ít béo.

3. Gợi ý chế độ ăn tốt cho người bệnh thiếu máu cơ tim

DASH – Chế độ ăn tốt cho người thiếu máu cơ tim.

DASH – Chế độ ăn tốt cho người thiếu máu cơ tim.

Chế độ ăn DASH là một chế độ ăn uống lành mạnh được thiết kế để giúp ngăn ngừa hoặc điều trị tăng huyết áp. Nó cũng có thể giúp giảm cholesterol lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL). Huyết áp cao và mức cholesterol LDL cao là hai yếu tố nguy cơ chính gây bệnh tim mạch do xơ vữa nói chung và bệnh thiếu máu cơ tim nói riêng.

Chế độ ăn kiêng này ưu tiên loại thực phẩm ít muối, ít đường, hạn chế thịt đỏ, rượu và thực phẩm chế biến sẵn, hạn chế các thực phẩm, đồ uống có thêm đường. Tập trung vào các loại thực phẩm như trái cây, rau, sữa ít béo, ngũ cốc nguyên hạt, cá, thịt gia cầm, đậu và các loại hạt.

Chế độ ăn DASH thân thiện với tim mạch vì nó hạn chế chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, đồng thời tăng lượng kali, magie, canxi, protein, chất xơ, những chất dinh dưỡng được cho là giúp kiểm soát huyết áp và phòng ngừa các yếu tố nguy cơ tim mạch.

Thực đơn của chế độ ăn DASH

Chế độ ăn gợi ý: 1 phần ăn/ tuần gồm:

Ngũ cốc: 6 đến 8 khẩu phần một ngày. Một khẩu phần có thể là 1/2 cốc ngũ cốc nấu chín, gạo hoặc mì ống, 1 lát bánh mì hoặc khoảng 30 g ngũ cốc khô.

Rau: 4 đến 5 khẩu phần một ngày. Một khẩu phần là 1 cốc rau lá xanh, 1/2 cốc rau sống hoặc nấu chín cắt nhỏ hoặc 1/2 cốc nước ép rau.

Trái cây: 4 đến 5 khẩu phần một ngày. Một khẩu phần là một quả vừa, 1/2 cốc trái cây tươi, đông lạnh hoặc đóng hộp hoặc 1/2 cốc nước ép trái cây.

Các sản phẩm từ sữa không béo hoặc ít béo: 2 đến 3 khẩu phần một ngày. Một khẩu phần là 1 cốc sữa hoặc sữa chua hoặc 40 -45 g phô mai.

Thịt nạc, gia cầm và cá: 6 khẩu phần khoảng 1 ounce (28-30 g) hoặc ít hơn một ngày. Một khẩu phần là 1 ounce thịt, gia cầm hoặc cá nấu chín hoặc 1 quả trứng.

Các loại hạt hoặc đậu khô và đậu Hà Lan: 4 đến 5 khẩu phần một tuần. Một khẩu phần là 1/3 cốc hạt, 2 thìa bơ đậu phộng, 2 thìa hạt, hoặc 1/2 cốc đậu khô nấu chín hoặc đậu Hà Lan.

Chất béo và dầu: 2 đến 3 khẩu phần một ngày. Một khẩu phần là 1 thìa bơ thực vật mềm, 1 thìa dầu thực vật, 1 thìa mayonnaise hoặc 2 thìa nước sốt trộn salad.

Đồ ngọt và đường bổ sung: Hạn chế ăn đường,không ăn quá5 khẩu phần hoặc ít hơn một tuần. Một khẩu phần là 1 thìa đường, thạch hoặc mứt, 1/2 cốc kem trái cây hoặc 1 cốc nước chanh.

Hồng Thủy

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/che-do-an-tot-cho-nguoi-thieu-mau-co-tim-169240817141740035.htm