Chế độ, chính sách đối với cán bộ, viên chức thực hiện tinh giản biên chế; việc xử lý kỷ luật lao động
Cử tri kiến nghị: Đề nghị quan tâm xem xét tăng mức trợ cấp chi trả chế độ chính sách đối với cán bộ, viên chức thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị định số 29/2023/NĐ-CP, ngày 3/6/2023 của Chính phủ nhằm đảm bảo hơn nữa quyền lợi cho cán bộ, viên chức có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi, tinh giản biên chế, tạo thuận lợi trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện chính sách tinh giản biên chế.
Cử tri kiến nghị: Đề nghị quan tâm xem xét tăng mức trợ cấp chi trả chế độ chính sách đối với cán bộ, viên chức thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị định số 29/2023/NĐ-CP, ngày 3/6/2023 của Chính phủ nhằm đảm bảo hơn nữa quyền lợi cho cán bộ, viên chức có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi, tinh giản biên chế, tạo thuận lợi trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện chính sách tinh giản biên chế.
Bộ Nội vụ trả lời tại Văn bản số 8157/BNV-TCBC, ngày 15/12/2024: Ngày 3/6/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 29/2023/NĐ-CP quy định về tinh giản biên chế (sau đây gọi tắt là Nghị định số 29/2023/NĐ-CP) để thay thế Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế, Nghị định số 113/2018/NĐ-CP, ngày 31/8/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, Nghị định số 143/2020/ NĐ-CP, ngày 10/12/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP và Nghị định số 113/2018/NĐ-CP, trong đó quy định người thuộc diện tinh giản biên chế đủ điều kiện hưởng chính sách về hưu trước tuổi sẽ được hưởng chính sách về hưu trước tuổi bao gồm: (1) tiền lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; (2) mỗi một năm nghỉ hưu trước tuổi so với tuổi nghỉ hưu theo quy định được trợ cấp 3 tháng tiền lương bình quân; (3) đối với 20 năm đầu công tác có đóng đủ bảo hiểm xã hội bắt buộc thì được trợ cấp 5 tháng tiền lương bình quân; từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương. Theo đó, tổng chế độ, chính sách những người về hưu trước tuổi được hưởng như chế độ những người đó khi công tác, bảo đảm quyền lợi cho họ. Ngoài ra, theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 14 Nghị định số 29/2023/NĐ-CP thì đang khuyến khích các địa phương ban hành chính sách hỗ trợ thêm đối với đối tượng tinh giản biên chế trên cơ sở cân đối ngân sách địa phương. Như vậy, Nghị định số 29/2023/NĐ-CP đã điều chỉnh tăng về chế độ, chính sách tinh giản biên chế để tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện chính sách tinh giản biên chế như cử tri kiến nghị.
Cử tri kiến nghị: Đề nghị quan tâm xem xét có quy định cụ thể nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động bị sa thải do chủ sử dụng lao động không thực hiện đúng quy định. Thực tế hiện nay, khi người lao động bị sa thải thường rất khó có thể tiếp cận việc làm mới, do lý lịch của người lao động khi bị sa thải rất khó thuyết phục các công ty, doanh nghiệp tiếp nhận vào làm việc, điều này gây khó khăn cho người lao động muốn tiếp tục tham gia vào việc làm chính thức.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (cũ) trả lời tại Văn bản số 6734/ BLĐTBXH-VP, ngày 31/12/2024: Theo quy định tại Điều 122, Điều 123 và Điều 124 Bộ luật Lao động năm 2019, các hình thức xử lý kỷ luật lao động gồm: khiển trách, kéo dài thời hạn nâng lương, cách chức, sa thải và thời hiệu xử lý kỷ luật lao động là 6 tháng kể từ ngày xảy ra hành vi vi phạm, trường hợp hành vi vi phạm liên quan trực tiếp đến tài chính, tài sản, tiết lộ bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh của người sử dụng lao động thì thời hiệu xử lý kỷ luật lao động là 12 tháng, người sử dụng lao động được kéo dài thời hiệu nhưng không quá 60 ngày đối với các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 122. Người sử dụng lao động phải ban hành quyết định xử lý kỷ luật lao động trong thời hiệu quy định.
Theo quy định tại Điều 131 Bộ luật Lao động năm 2019, người bị xử lý kỷ luật lao động nếu thấy không thỏa đáng có quyền khiếu nại với người sử dụng lao động, với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động theo trình tự do pháp luật quy định.
Như vậy, Bộ luật Lao động đã quy định cụ thể về các hình thức áp dụng, nguyên tắc, trình tự, thủ tục, thời hiệu mà người sử dụng lao động phải tuân theo khi thực hiện xử lý kỷ luật người lao động vi phạm và quyền bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động. Đồng thời, Nhà nước cũng đã quy định chế tài xử phạt để nâng cao trách nhiệm của người sử dụng lao động trong xử lý kỷ luật lao động.
H.L (TH)