Chế độ, chính sách đối với người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong Quân đội

Câu hỏi: Chế độ chính sách đối với người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong Quân đội?

Cán bộ Công ty TNHH MTV đóng tàu Sơn Hải sửa chữa tàu thuyền. Ảnh: Phương Thúy

Cán bộ Công ty TNHH MTV đóng tàu Sơn Hải sửa chữa tàu thuyền. Ảnh: Phương Thúy

Trả lời: Theo Thông tư số 20/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/6/2016 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về ban hành Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (NNĐHNH) và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong Quân đội, quy định như sau:

Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp có thời gian trực tiếp làm nghề, công việc NNĐHNH và đặc biệt NNĐHNH theo quy định tại Quyết định số 1085/LĐTBXH-QĐ ngày 06/9/1996, Quyết định số 03/2006/QĐ-LĐTBXH ngày 07/3/2006; Thông tư số 20/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/6/2016 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội được hưởng chính sách về bảo hộ lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội như: Chế độ nghỉ ốm đau, thai sản, chế độ phụ cấp độc hại, nghỉ hưu trước tuổi… theo quy định của pháp luật hiện hành; ngoài ra khi nghỉ hưu, nghỉ bệnh binh, phục viên, xuất ngũ, chuyển ngành, hy sinh, từ trần… còn được hưởng chế độ trợ cấp 1 lần cho thời gian làm nghề, công việc NNĐHNH, quy định tại Điều 12, Thông tư số 36/2009/TTLT-BQP-BNV-BLĐTBXH-BTC và Mục VIII, Hướng dẫn số 387/HD-CCT ngày 11/5/2010 của Cục Chính trị, cụ thể như sau:

1. Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng trong Bộ đội Biên phòng có thời gian làm việc trực tiếp các nghề, công việc đặc biệt NNĐHNH xếp loại V, loại VI trong Quyết định số 1085, Quyết định số 03, Thông tư số 20 nói trên khi nghỉ hưu, phục viên, xuất ngũ, chuyển ngành, hy sinh, từ trần… được quy đổi 1 năm bằng 1 năm 4 tháng để tính hưởng trợ cấp 1 lần, gồm:

- Biên chế ở các Đội phân giới cắm mốc trên các tuyến biên giới.

- Biên chế làm nhiệm vụ trên các tàu tuần tra của các Hải đội Biên phòng.

- Biên chế làm nhiệm vụ ở các Đội chuyên trách PCMT&TP của Cục PCMT&TP, BĐBP tỉnh, thành phố và của Đồn Biên phòng.

- Trực tiếp làm nhiệm vụ: Chăn nuôi, huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ.

- Biên chế làm nhiệm vụ ở các Đội Trinh sát cơ động, Đội Trinh sát kỹ thuật, Đội Trinh sát ngoại biên (Đội K) của Cục Trinh sát, BĐBP tỉnh.

- Biên chế ở các đơn vị đóng quân tại địa bàn được coi là đặc biệt khó khăn gian khổ (nơi có phụ cấp đặc biệt mức 30%, 50%, 100% theo quy định tại Thông tư số 09/2005/TT-BNV của Bộ Nội vụ).

- Biên chế ở các đơn vị chuyên trách làm nhiệm vụ rà phá bom mìn, xây dựng công trình quốc phòng ở biên giới, hải đảo.

- Nhân viên báo vụ, vô tuyến điện ở các đơn vị.

2. Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng trong Bộ đội Biên phòng có thời gian làm việc trực tiếp các nghề, công việc NNĐHNH xếp loại IV trong Quyết định số 1085, Quyết định số 03, Thông tư số 20 nói trên khi nghỉ hưu, phục viên, xuất ngũ, chuyển ngành, hy sinh, từ trần… được quy đổi 1 năm bằng 1 năm 2 tháng để tính hưởng trợ cấp 1 lần, gồm:

- Thủ kho, thống kê, cảnh vệ kho vũ khí, đạn, kho Kỹ thuật tổng hợp (Kho 102).

- Thủ kho quân khí của các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh.

- Nhân viên doanh trại (xây dựng và sửa chữa kho vũ khí, đạn) kho Kỹ thuật tổng hợp (Kho 102).

- Thủ kho vật tư xe máy tại kho Kỹ thuật tổng hợp (Kho 102).

- Thủ kho, cảnh vệ kho xăng dầu thuộc kho Hậu cần tổng hợp (Kho 101).

- Thủ kho xăng dầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh.

- Thủ kho công binh, thông tin, hóa học kho Hậu cần tổng hợp (Kho 101).

- Nhân viên xây lắp, sửa chữa, bảo dưỡng cáp ngầm thông tin quân sự.

- Nhân viên sửa chữa thiết bị đầu cuối điện thoại quân sự.

- Nhân viên khai thác điện thoại, điện toán, truyền số liệu, quản lý danh bạ điện thoại, xử lý phần mềm, lập trình và khai thác điện thoại quân sự.

- Nhân viên vận hành công văn quân sự mật, tối khẩn, hẹn giờ.

- Thợ sửa chữa, kiểm tra chất lượng máy thông tin quân sự.

- Nhân viên nấu ăn ở các cơ quan, đơn vị trong quân đội.

- Nhân viên làm vệ sinh nấu ăn tại các cơ quan, đơn vị trong quân đội.

- Nhân viên sửa chữa điện nước tại các cơ quan, đơn vị trong quân đội.

- Thợ sửa chữa ô tô, tàu thuyền, vũ khí tại các cơ quan, đơn vị trong quân đội.

- Nhân viên mã dịch, cơ yếu tại các cơ quan, đơn vị trong quân đội.

- Nhân viên bảo mật làm việc trong phòng máy vi tính, máy phô tô.

Thời gian tính quy đổi, cách tính quy đổi, tiền lương để tính trợ cấp thực hiện theo quy định tại Mục VIII, Hướng dẫn số 387/HD-CCT ngày 11/5/2010 của Cục Chính trị.

BBP

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/che-do-chinh-sach-doi-voi-nguoi-lam-nghe-cong-viec-nang-nhoc-doc-hai-nguy-hiem-va-dac-biet-nang-nhoc-doc-hai-nguy-hiem-trong-quan-doi-post465833.html