Chế phẩm sinh học từ thực vật bản địa

Chiều 20/6, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức hội nghị nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài KH&CN cấp tỉnh 'Nghiên cứu điều chế một số chế phẩm sinh học từ các loài thực vật bản địa có khả năng kháng sâu bệnh thay thế hóa chất bảo vệ thực vật phục vụ sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn Thừa Thiên Huế' do Trường đại học Khoa học, Đại học Huế chủ trì thực hiện.

 PGS.TS. Nguyễn Thị Ái Nhung, chủ nhiệm đề tài thuyết minh kết quả thực hiện trước Hội đồng nghiệm thu

PGS.TS. Nguyễn Thị Ái Nhung, chủ nhiệm đề tài thuyết minh kết quả thực hiện trước Hội đồng nghiệm thu

Đề tài được thực hiện nhằm tìm ra các loại dược liệu có thể sử dụng làm chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh hại trên cây hoa màu, góp phần tạo sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, không sử dụng các hóa chất bảo vệ thực vật. Từ đó, góp phần khai thác tiềm năng về dược liệu của tỉnh nói riêng và Việt Nam nói chung trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ.

Qua hơn 2 năm, nhóm thực hiện đề tài đã tiến hành 6 nội dung nghiên cứu: Điều tra hiện trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây hoa màu (rau má, ớt...) tại huyện Quảng Điền và một số loài thực vật bản địa làm chế phẩm sinh học ứng dụng trong nông nghiệp tại tỉnh Thừa Thiên Huế; Nghiên cứu điều chế một số dịch chiết từ các loài thực vật bản địa có khả năng kháng sâu bệnh trên cây hoa màu (rau má, ớt...); Phân lập và giám định các loài sâu bệnh hại chính trên cây hoa màu (rau má, ớt...); Đánh giá khả năng kháng sâu bệnh hại của các dịch chiết điều chế được trong điều kiện phòng thí nghiệm (in vitro); Nghiên cứu quy trình bào chế và bảo quản chế phẩm sinh học từ thực vật bản địa có khả năng kháng sâu bệnh và kích thích sinh trưởng trên cây hoa màu (rau má, ớt...); Đánh giá hiệu quả phòng trừ sâu bệnh và kích thích sinh trưởng của chế phẩm sinh học trên một số cây hoa màu ở quy mô đồng ruộng.

Các loài thực vật bản địa có tiềm năng trong điều chế chế phẩm sinh học phổ biến trên địa bàn tỉnh được nhóm nghiên cứu chọn gồm các loài cây dược liệu: Trầu không, Cỏ lào, Vối, Kinh giới, Xoan. Kết quả đánh giá khả năng trừ sâu bệnh hại trên cây rau má và cây ớt của các dịch chiết từ 5 loài thực vật bản địa trên cho thấy dịch chiết Xoan có hiệu quả diệt trừ sâu hại cao. Dịch chiết Vối và Trầu có hiệu quả ức chế tốt bệnh hại trên rau má và cây ớt. Nhóm nghiên cứu đã đưa ra quy trình chiết xuất để tách chiết các hoạt chất có trong các cây dược liệu, đồng thời đưa ra các bộ chỉ tiêu sử dụng đánh giá chất lượng cao chiết cho các cây dược liệu.

Báo cáo kết quả, PGS.TS. Nguyễn Thị Ái Nhung, chủ nhiệm đề tài kiến nghị cần nhân rộng nghiên cứu mô hình sử dụng chế phẩm sinh học trong phòng trừ sâu bệnh và kích thích sinh trưởng trên cây ớt và cây rau má ở các hộ dân lân cận trên địa bàn xã Quảng Thọ (Quảng Điền), các địa phương khác trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Đồng thời nghiên cứu sử dụng chế phẩm sinh học trong phòng trừ sâu bệnh hại và kích thích tăng trưởng trên các đối tượng cây trồng chủ lực khác của địa phương; thúc đẩy chuyển giao công nghệ và thương mại hóa nhằm đưa ra các sản phẩm có giá trị thiết thực ra thị trường.

Tin, ảnh: HOÀI THƯƠNG

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/khoa-hoc-cong-nghe/che-pham-sinh-hoc-tu-thuc-vat-ban-dia-142193.html