Chè shan tuyết - báu vật của 'người ở rừng'

Ở bản làng sinh sống của đồng bào Dao - xóm Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc), chẳng ai biết chính xác tuổi thọ của rừng chè shan tuyết cổ thụ nằm trên núi Biều. Chỉ biết rằng, từ khi họ sinh ra đến lúc già đi, rừng chè vẫn nằm đó, vươn những búp non xanh hấp thụ tinh khí của đất trời để tạo ra thứ trà hảo hạng.

Người dân xóm Sưng thường pha trà shan tuyết để mời khách khi đến nhà.

Người dân xóm Sưng thường pha trà shan tuyết để mời khách khi đến nhà.

Rừng chè cổ ẩn mình giữa đại ngàn

Từ xa xưa, người Dao đã lựa chọn những cánh rừng trù phú để sinh sống. Thế nên, nhiều người ví von gọi họ là "người ở rừng”. Xóm Sưng, xã Cao Sơn là nơi sinh sống của hơn 70 hộ người Dao với vị trí nằm biệt lập, yên bình trong sự bao bọc của núi Biều trù phú. Nơi đây, bà con còn lưu giữ được gần như 100% ngôi nhà truyền thống và những nét văn hóa đặc sắc. Đó là lý do mà xóm Sưng từ lâu đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.

Đã nhiều lần được đến thăm xóm Sưng, mỗi lần trở lại chúng tôi đều cảm nhận được sự đổi thay ở bản Dao này. Những ngôi nhà trệt bằng gỗ truyền thống được những tán rừng che chở tạo nên cảnh quan yên bình với khí hậu trong lành. Người Dao hiếu khách nên lần nào đến nhà, họ cũng pha ấm trà với hương vị đặc biệt đãi khách. Trở lại xóm Sưng ngày cận Tết, chúng tôi dành thời gian tìm hiểu, khám phá về những cây chè shan tuyết cổ thụ nằm sâu trong núi Biều. Mất gần một giờ đồng hồ đi trong rừng mới đến được khu vực có những cây chè shan tuyết cổ thụ. Quả thật, đây là lần đầu tiên chúng tôi được tận mắt ngắm nhìn cây chè có kích thước "khủng” như vậy.

"Từ khi chuyển lên công tác ở Cao Sơn, mặc dù đã được nghe mọi người kể về rừng chè cổ thụ nhưng không ngờ cây chè lại có kích thước lớn như vậy” - chị Vì Thị Hồng Thắm, cán bộ Văn hóa xã Cao Sơn không khỏi trầm trồ. Những cây chè shan tuyết cổ thụ thân mình loang lổ vết thời gian. Theo người dân ước tính, nhiều cây đã trên một trăm năm tuổi, bao năm vươn mình sừng sững giữa đại ngàn. Chị Lý Sao Mai, điều phối viên Công ty Du lịch cộng đồng Đà Bắc tại xóm Sưng chia sẻ: Cây chè shan tuyết đã gắn bó hàng trăm năm với bà con. So với những loại chè khác thì chè shan tuyết có màu sắc, hương vị đặc biệt hơn hẳn. Nước trà có màu vàng óng, sau khi thưởng thức thì đọng lại vị ngọt trong miệng. Đặc biệt, uống lý trà shan tuyết mỗi ngày có rất nhiều tác dụng có lợi cho sức khỏe.

Chị Mai cho biết, chè shan tuyết mọc rải rác trong núi Biều. Ngày xưa có rừng chè cổ thụ đến cả nghìn cây. Nhưng theo thời gian, một số cây già cỗi rồi chết, còn phần nhiều bị đốn hạ khi bà con phát nương làm rẫy. Hiện nay số lượng cây chè cổ thụ quý đã giảm đi nhiều. Đặc tính tự nhiên của loài cây quý này cũng khá đặc biệt. Chúng sinh trưởng phát triển trong sự nâng niu của cánh rừng già, nếu người dân phát quang các cây xung quanh thì sẽ làm giảm sự phát triển cùa chè shan tuyết, thậm chí có những cây bị chết.

Vào tháng 2 và tháng 5 âm lịch là thời điểm thu hoạch búp chè có chất lượng cao nhất. Bởi lúc này chè được hấp thụ cái se lạnh của núi rừng đầy sương và cả tia nắng ấm áp của mùa xuân mới.

Trà hảo hạng ở bản làng nguyên sơ

Xóm Sưng vốn là điểm đến thú vị để khám phá những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Dao. Theo Trưởng xóm Lý Văn Nghĩa, thời gian qua, bà con đã mạnh dạn đầu tư xây dựng xóm ngày càng khang trang nhưng vẫn giữ nguyên được cảnh quan và môi trường trong lành. Những homestay được đầu tư bài bản ngày càng có nhiều dịch vụ đáp ứng tốt nhu cầu thăm quan, trải nghiệm và nghỉ dưỡng của du khách. Đặc biệt, chè shan tuyết núi Biều đã có thương hiệu, được đóng gói với bao bì bắt mắt sẽ là một trong những thứ quà để du khách mang về mỗi lần đến bản. "Những cây chè cổ thụ nằm sâu trong rừng nên việc thu hái, chế biến rất kỳ công. Nhưng đổi lại, chè cho hương vị đặc biệt nên được du khách trong và ngoài tỉnh đánh giá cao” - ông Nghĩa chia sẻ.

Thức dậy từ lúc tờ mờ sáng, vén màn sương dày đặc để hái chè. Những cây chè cổ thụ với thân cao lớn nên bà con xóm Sưng phải dùng thang trèo lên để hái từng búp chè vẫn đọng đầy sương mai. Cùng bà con đi hái chè và ngắm những cây chè cổ thụ giữa đại ngàn là một trải nghiệm thú vị khi đến thăm bản Dao. Được biết, ngoài những cây chè cổ thụ mọc tự nhiên trong núi Biều, hiện nay, xóm Sưng có khoảng vài ha chè từ 15 - 20 năm tuổi và một số diện tích trồng mới. Với độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, đây là điều kiện lý tưởng để bảo tồn và phát triển giống chè quý này.

Để đưa sản phẩm chè quý đến với khách hàng, chị Lý Sao Mai cùng mộ số hộ xóm Sưng đã thành lập tổ liên gia để phát triển sản phẩm chè shan tuyết, mở xưởng sản xuất, sao chế theo công nghệ mới. Xã Cao Sơn cũng thực hiện nhiều giải pháp để bảo tồn những cây chè cổ thụ ở núi Biều. Theo Chủ tịch UBND xã Đinh Văn Thụ, trong Nghị quyết về phát triển kinh tế, du lịch, việc bảo tồn các loại cây có giá trị kinh tế cao được xã chú trọng, trong đó có những cây chè shan tuyết cổ thụ ở xóm Sưng. Xã hướng tới xây dựng chè shan tuyết trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn để du khách được thưởng thức, mang về mỗi khi đến thăm xã Cao Sơn, đặc biệt là bản du lịch cộng đồng xóm Sưng.

Một mùa xuân nữa đã đến, đó cũng là thời điểm bà con xóm Sưng chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch chè shan tuyết cổ thụ trên núi Biều. Thứ trà hảo hạng, quý hiếm được những "người ở rừng” hiếu khách bảo tồn để thết đãi du khách gần xa mỗi khi đến thăm bản. Có thể nói, Sưng là bản Dao ẩn chứa nhiều điều thú vị để trải nghiệm, hòa mình với thiên nhiên và nhâm nhi tách trà shan tuyết vàng óng giữa mênh mông của núi rừng.

Những cây chè shan tuyết cổ thụ mọc rải rác trong núi Biều của xóm Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc).

Những cây chè shan tuyết cổ thụ mọc rải rác trong núi Biều của xóm Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc).

Xóm Sưng là bản du lịch cộng đồng còn giữ được những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Dao.

Xóm Sưng là bản du lịch cộng đồng còn giữ được những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Dao.

Viết Đào

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/162398/che-shan-tuyet-bau-vat-cua-nguoi-o-rung.htm