Để hương trầm Vạn Thắng bay xa cùng du lịch cộng đồng
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, làng nghề trầm hương tại thôn Phú Hội 1, xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa như rộn ràng hơn bởi nghề làm trầm hương vào vụ Tết vừa mang đượm hương trầm ấm áp.
Làng nghề nằm ở phía Bắc của tỉnh Khánh Hòa, một bên là núi rừng, bên giáp biển, Vạn Thắng như một bức tranh làng quê thanh bình, nơi nét đẹp truyền thống còn lưu giữ. Bên cạnh những nét độc đáo của nghề xoi trầm, người dân nơi đây vẫn còn trăn trở làm thế nào để được nghề, kết nối được với du lịch cộng đồng để hương trầm mãi bay xa.
Khi chúng tôi vừa đặt chân đến làng, hương trầm dịu dàng dẫn lối du khách bước vào ngôi làng nhỏ, nơi mỗi con ngõ, mỗi mái nhà đều vang lên âm thanh rộn ràng, tiếng lách cách đục đẽo, chạm, xoi trầm. Trong những gian nhà giản dị, người dân đang miệt mài chế tác: từ việc đẽo gọt từng khúc dó bầu để tách lấy phần trầm quý giá; dưới bàn tay tài hoa của những tác phẩm hay món trang sức độc đáo dần hình thành.
Tại nhà trưng bày sản phẩm của làng nghề Vạn Thắng, nơi lưu giữ những giá trị lịch sử của làng xoi trầm hương, ông Lê Long, sinh năm 1956, đã gắn bó với nghề làm trầm hương từ những ngày còn trẻ đến nay đang chăm chú xoi trầm. Với hơn nửa thế kỷ tâm huyết, ông trở thành một nghệ nhân "đa năng" thành thạo các công đoạn từ chế tác, tạo hình trầm cảnh, đến làm trầm nụ. Dưới đôi mắt tinh tường và kinh nghiệm lâu năm, ông có thể nhận ra các kiểu dáng trầm độc đáo, biến những khối gỗ bình thường thành tác phẩm sống động đầy nghệ thuật. Theo ông Long, chế tác trầm là quá trình loại bỏ phần giác không chứa trầm, giữ lại những phần tinh túy nhất trên thân cây. Công việc này không chỉ cần kiến thức chuyên sâu về trầm hương, mà còn đòi hỏi sự khéo léo, cẩn trọng và đôi bàn tay tài hoa của người thợ xoi trầm.
Với những nghệ nhân như ông, mỗi sản phẩm trầm không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn là kết tinh của thời gian, công sức và đam mê. Những người thợ giỏi trong nghề, như ông Long, có thu nhập lên đến 400.000 đồng mỗi ngày. Đối với ông Long, giá trị thực sự nằm ở niềm tự hào khi giữ gìn và phát huy một nghề truyền thống đầy ý nghĩa.
Ngoài những nghệ nhân lâu năm ở làng nghề, còn có những người trẻ cũng tiếp nối nghề của cha ông để lại. Anh Phạm Hữu Nghĩa, 40 tuổi, thôn Phú Hội 1, là một trong số thanh niên trẻ tiếp nối nghề. Theo anh Nghĩa, làm trầm theo cha truyền con nối, dịp cuối năm nên nhu cầu thị trường sử dụng trầm hương sạch, truyền thống sản lượng tăng cao từ 2 - 3 lần, được thương lái đặt mua khắp cả nước… Trong khoảng 2 tháng nay, gia đình sản xuất hơn 2 tấn hương trầm.
Chị Nguyễn Kim Oanh, đại diện cơ sở sản xuất trầm Châu Giang, thôn Phú Hội 1, xã Vạn Thắng chia sẻ rằng, việc gắn bó và phát triển nghề truyền thống của cha ông là niềm tự hào và trách nhiệm của gia đình. Cơ sở chuyên sản xuất các sản phẩm từ trầm sạch, đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Hiện tại, cơ sở có 12 lao động thường xuyên, và vào dịp Tết, sản lượng tăng từ 50 - 60% để đáp ứng nhu cầu thị trường. Các sản phẩm của cơ sở, như trầm cảnh và hương trầm, rất được ưa chuộng với mức giá dao động từ vài trăm nghìn đến vài trăm triệu đồng, đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng.
Ông Huỳnh Văn Hóa - Chủ tịch UBND xã Vạn Thắng cho biết, nghề xoi trầm hương ở thôn Phú Hội 1 là nghề truyền thống, được duy trì bao đời nay. Hiện, làng nghề có hơn 400 hộ dân tham gia sản xuất các sản phẩm từ trầm hương, từ hương trầm, tinh dầu đến đồ mỹ nghệ cao cấp. Những sản phẩm này không chỉ tiêu thụ mạnh trong nước mà còn được khách du lịch quốc tế yêu thích.
Làng nghề xoi trầm hương tại thôn Phú Hội 1, với bề dày truyền thống và nét độc đáo riêng có, đã chính thức được UBND tỉnh Khánh Hòa công nhận là làng nghề vào năm 2016. Đến năm 2023, địa phương được xác định là điểm có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, đánh dấu bước chuyển của làng nghề.
Để thúc đẩy sự phát triển bền vững, Hợp tác xã Trầm hương Vạn Thắng đã được thành lập, quy tụ những nghệ nhân và người lao động cùng chung tay bảo tồn và phát triển nghề chế tác trầm hương truyền thống. Đồng thời, sự ra đời của nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trầm hương không chỉ tạo động lực kinh tế cho địa phương mà còn khơi nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ. Nhiều người con của làng đã mạnh dạn khởi nghiệp, tiếp nối di sản quê hương bằng việc phát triển nghề trầm một cách sáng tạo và bài bản.
"Năm 2024, chúng tôi tiếp tục phát triển du lịch với hơn 70 thành viên tham gia, hướng đến việc gắn kết văn hóa làng nghề với trải nghiệm du lịch đặc sắc. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đối mặt nhiều khó khăn như thiếu bãi đỗ xe, khu lưu trú và cơ sở vật chất cho khách du lịch", ông Huỳnh Văn Hóa trăn trở.
Ông Trần Công Đức - Giám đốc Hợp tác xã Trầm hương Vạn Thắng đã gắn bó với nghề tìm trầm, xoi trầm từ lúc trai trẻ đến nay đã hơn 30 năm. Trải qua nhiều thăng trầm, khó khăn nhưng ông Đức vẫn tâm huyết với nghề trầm, mong muốn nghề xoi trầm được nhiều người biết đến. Ông Trần Công Đức chia sẻ: "Trầm hương từ lâu đã được biết đến tài sản vật quý giá của Việt Nam về giá trị cao với nhiều ứng dụng trong y dược và hương liệu. Làng nghề của chúng tôi đã trải qua nhiều thăng trầm trong suốt hơn 100 năm hình thành và phát triển. Ngày xưa, ông bà chúng tôi chủ yếu khai thác trầm hương từ thiên nhiên, công việc rất vất vả, phải đi rừng hàng tháng trời. Nhưng trầm thiên nhiên dần cạn kiệt, và từ những năm 1990, phong trào trồng cây dó bầu đã được khởi xướng để bảo tồn nguồn nguyên liệu".
Việc Hợp tác xã Trầm hương Vạn Thắng chính thức được thành lập vào năm 2020 đánh dấu bước phát triển mới của làng nghề với sự quan tâm đặc biệt từ Nhà nước và chính quyền địa phương. Hợp tác xã đã tham gia Chương trình OCOP của tỉnh Khánh Hòa với bốn sản phẩm tiêu biểu: trầm cảnh mỹ nghệ, vòng trang sức, nhang trầm hương không tăm và có tăm. Năm 2021, sản phẩm "Bộ trầm cảnh mỹ nghệ" được công nhận OCOP 3 sao, khẳng định chất lượng và giá trị của sản phẩm làng nghề. Ngoài ra, hợp tác xã còn chú trọng vào sản xuất, tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội và bảo tồn nghề truyền thống, tạo việc làm cho 50 - 70 lao động địa phương.
Trầm hương Vạn Thắng đã gắn liền với vùng đất Khánh Hòa 370 năm hình thành và phát triển, biểu tưởng của tinh hoa làng nghề và niềm tự hào văn hóa. Mong rằng, trầm hương Vạn Thắng sẽ ngày càng phát triển bền vững với mục tiêu là xây dựng các tiện ích cần thiết, đào tạo nguồn nhân lực trẻ và đẩy mạnh quảng bá thương hiệu làng nghề qua các kênh truyền thông hiện đại. Điều này không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm trầm hương mà còn mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, đồng thời bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống.