Chênh lệch vốn: Doanh nghiệp có thể được hạch toán giảm theo từng thành phần tương ứng

Theo dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2021/TT-BTC do Bộ Tài chính đưa ra, xin ý kiến, sau khi doanh nghiệp nộp khoản chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu với vốn điều lệ vào ngân sách nhà nước thì hạch toán giảm theo từng thành phần tương ứng thuộc nguồn vốn chủ sở hữu.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư số 36/2021/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp quy định tại Nghị định số 91/2015/NĐ-CP; Nghị định số 32/2018/NĐ-CP; Nghị định số 121/2020/NĐ-CP và Nghị định số 140/2020/NĐ-CP đã phát sinh một số nội dung vướng mắc. Cụ thể như, việc hạch toán đối với trường hợp doanh nghiệp phải nộp phần chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ, tại tiết b khoản 1 Điều 2 Thông tư số 36/2021/TT-BTC quy định, sau khi doanh nghiệp nộp khoản chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu với vốn điều lệ vào ngân sách nhà nước thì đồng thời hạch toán giảm vốn đầu tư của chủ sở hữu.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết, một số ý kiến đề nghị giảm tương ứng các thành phần thuộc vốn chủ sở hữu sau khi nộp khoản chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu với vốn điều lệ, một số ý kiến thì đề nghị giảm quỹ đầu tư phát triển hoặc vốn đầu tư của chủ sở hữu thay vì chỉ hạch toán giảm vốn đầu tư của chủ sở hữu như quy định tại Thông tư số 36/2021/TT-BTC nêu trên và quy định này chưa phù hợp với Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp. Vì vậy, Bộ Tài chính sửa đổi điểm b khoản 1 Điều 2 Thông tư số 36/2021/TT-BTC như sau: Sau khi doanh nghiệp nộp khoản chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu với vốn điều lệ vào ngân sách nhà nước thì hạch toán giảm theo từng thành phần tương ứng thuộc nguồn vốn chủ sở hữu.

Dự thảo Thông tư nêu rõ, đối với doanh nghiệp đang hoạt động, việc điều chỉnh vốn điều lệ thực hiện theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP, khoản 4 Điều 1 Nghị định số 32/2018/NĐ-CP và khoản 7 Điều 2 Nghị định số 140/2020/NĐ- CP của Chính phủ. Đối với các doanh nghiệp thuộc danh mục cổ phần hóa đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, khi xác định vốn điều lệ không xác định nguồn bổ sung vốn điều lệ từ Ngân sách nhà nước và Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp không có nhu cầu bổ sung vốn điều lệ hoặckhông lập phương án xác định vốn điều lệ và nguồn đầu tư bổ sung vốn điều lệquy định tại khoản 7 Điều 2 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP, cơ quan đại diệnchủ sở hữu có trách nhiệm rà soát, quyết định và chỉ đạo doanh nghiệp thực hiệnnộp phần chênh lệch giữa nguồn vốn chủ sở hữu với vốn điều lệ vào ngân sáchnhà nước và đảm bảo việc nộp phần chênh lệch này không làm ảnh hưởng đếnkhả năng thanh toán và nghĩa vụ trả nợ của doanh nghiệp.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày cơ quan đại diện chủ sở hữu ban hành quyết định, doanh nghiệpcó trách nhiệm nộp phần chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu với vốn điều lệ củadoanh nghiệp vào ngân sách nhà nước, đồng thời thực hiện hạch toán giảm vốntheo quy định của chế độ kế toán hiện hành. Khi doanh nghiệp nộp phần chênh lệch giữa nguồn vốn chủ sở hữu với vốn điều lệ vào ngân sách nhà nước thì đồng thời hạch toán giảm theo từng thành phần vốn tương ứng thuộc nguồn vốn chủ sở hữu.

Trường hợp công ty con do công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con đầu tư 100% vốn điều lệ thực hiện tăng vốn điều lệ từ Quỹ đầu tư phát triển tại công ty con sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định, công ty mẹ chỉ theo dõi số vốn tăng thêm và giá trị hợp lý khi lập và trình bày thuyết minh báo cáo tài chính, không ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính, không ghi nhận tăng giá trị khoản đầu tư vào công ty con”.

Xem chi tiết dự thảo Thông tư tại đây.

Nguyễn Diệp

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/chenh-lech-von-doanh-nghiep-co-the-duoc-hach-toan-giam-theo-tung-thanh-phan-tuong-ung-d32599.html