'Chết ở Venice': Cái đẹp trong cảnh điêu tàn

Cuốn tiểu thuyết ngắn này như một minh chứng sống động của cái đẹp, niềm si mê, có tình yêu, sự sống ngồn ngộn lẫn dịch bệnh, đã từng và vẫn đang ẩn hiện trên khuôn mặt của TP Venice

Hình ảnh những danh thắng của thế giới hoang lạnh vì đại dịch Covid-19, TP Venice xinh đẹp của nước Ý vắng bóng người do lệnh giới nghiêm... gợi nhắc ta nhớ đến cuốn tiểu thuyết "Chết ở Venice" (Nguyễn Hồng Vân dịch, NXB Trẻ ấn hành) của Thomas Mann viết hơn 100 năm trước, xuất bản lần đầu vào năm 1913.

Lời người xưa vọng về

Cuốn tiểu thuyết ngắn này của Mann cho thấy thành Venice ở đầu thế kỷ XX và thành Venice ở đầu thế kỷ XXI cùng chung số phận khi phải đương đầu với những đại dịch chết người. Chỉ khác là một bên dịch tả, còn một bên dịch cúm Covid-19.

"Chết ở Venice" khởi sự bằng hành trình của Gustav Aschenbach hay "ngài von Aschenbach như danh xưng chính thức của ông từ khi sang tuổi ngũ tuần", đến TP Venice để xa lánh cuộc đời, sau tất cả những vinh quang, thành công trong sự nghiệp văn chương. Một chuyến đi bình thường của một du khách như hàng triệu du khách khác đến Venice mỗi năm mà không ngờ rằng đó là nơi ông nằm lại vì dịch tả.

Ở Venice, ông tình cờ gặp một gia đình người Ba Lan cũng đến đây du lịch như bao gia đình khác. Nhưng cậu con trai Tadzio của gia đình này đã làm trái tim già nua của Aschenbach xao động. Bi kịch của một kẻ tưởng chừng có tất cả bỗng chợt nhận ra đời mình sẽ vô nghĩa nếu thiếu vắng bóng hình một người đã bắt đầu.

Bìa cuốn tiểu thuyết “Chết ở Venice” xuất bản tại Việt Nam

Bìa cuốn tiểu thuyết “Chết ở Venice” xuất bản tại Việt Nam

Tuy vậy, miêu tả trận đại dịch không phải trọng tâm của cuốn sách này. Nó chỉ xuất hiện ở phần cuối tác phẩm, trở thành vị thần báo tử chấm dứt tất cả những ảo vọng tình yêu của Aschenbach. Cái chết gần như là lối thoát duy nhất cho chính nội tâm bị giằng xé của ông đang vùng vẫy để thoát ra khỏi cám dỗ cuối cùng của cuộc đời.

Aschenbach đắm đuối trong vẻ đẹp như thánh tượng của Tadzio, dù đó chỉ là một bé trai. Như kẻ bị ám, ông đánh mất tất cả tư chất quý tộc của mình chỉ để dõi theo đứa bé. "Ông hoảng hốt sợ ai đó có thể bắt gặp hành vi của mình, sợ cả người gác ngoài bãi tắm, sợ bị trở thành trò cười cho thiên hạ".

Nhưng tài năng của Thomas Mann ở chỗ ông không biến tình cảm này trượt đi khỏi những giới hạn đạo đức, cho đến lúc lìa trần, Aschenbach vĩnh viễn ôm theo mối tình câm mà không dám thổ lộ với Tadzio. Tình yêu của Aschenbach vừa khiến người đọc ghê sợ vừa cảm thương cho văn sĩ già nua.

Vẻ đẹp của Tadzio trở thành biểu tượng, cái ma mị trong sự thuần khiết, non trẻ chưa bị uế tạp. Chính ở đây, Thomas Mann khiến cho những cảm giác tội lỗi của Aschenbach trở nên hữu lý. Bởi vẻ đẹp của Tadzio là một vẻ đẹp phi giới tính như những pho tượng thánh trong giáo đường, vô tội và vô nhiễm, bất chấp cái thế giới đang dần đi đến thảm họa.

Venice - chứng tích thời gian

Và Venice lặng lẽ chứng kiến tất cả. Nó không chỉ làm phông nền mà đồng thời trở thành một nhân vật dự khán. Chính cái không khí của nó, cái tinh thần Ý không thể hòa lẫn của nó đã bao bọc tất cả nhân vật trong cái sinh quyển lãng mạn, náo động của một thành phố châu Âu cổ kính. Nơi Aschenbach đuổi theo Tadzio trong vô vọng. Hình ảnh cuối cùng của Tadzio lưu giữ trong mắt Aschenbach giống như vị thần đón linh hồn người chết, Psychgog "trắng toát và yêu kiều ngoài khơi đang mỉm cười với ông, vẫy gọi ông".

Sự già nua đạo mạo của Aschenbach và sự trẻ trung thơ ngây của Tadazio. Con người tinh thần trong Aschebach đối lập với con người bản năng trong chính ông. Như vị thần mặt trời Apollo, tượng trưng cho trật tự, thận trọng và Dionysus - vị thần của rượu, tượng trưng cho hoan lạc. Thành Venice phù hoa, giàu sức sống đối chọi với bệnh dịch tả đang ngấm ngầm lan vào thành phố.

Tất cả những điều to tát đã được gói gọn trong cuốn tiểu thuyết mỏng manh có thể đọc xong trong một buổi nhưng sức ám ảnh dài lâu. Được viết với kết cấu vững chắc, cuốn tiểu thuyết này từ chỗ nhẩn nha đến chỗ quyết liệt và kết thúc bằng cái chết đau đớn mà nhẹ bẫng của nhân vật chính. "Chết ở Venice" là một ví dụ điển hình cho tiểu thuyết ngắn.

Trên hết thảy, dù được viết bởi một nhà văn người Đức nhưng hễ nhắc đến thành Venice người ta lại nghĩ ngay đến cuốn tiểu thuyết này. Nó như một minh chứng sống động của cái đẹp, niềm si mê, có tình yêu, sự sống ngồn ngộn lẫn dịch bệnh, đã từng và vẫn đang ẩn hiện trên khuôn mặt của TP Venice.

Có nhiều ý kiến cho rằng Thomas Mann đã sáng tạo Aschenbach từ hình mẫu ngoài đời của nhà thơ đồng tính người Đức August von Platen-Hallermünde, đã qua đời trên một hòn đảo của Ý vì dịch tả. Tuy nhiên, dù lấy nguyên mẫu từ ai, Ashenbach mang nhiều phần của Thomas Mann nhất. Chính vợ của Mann - Katia Mann - nói rằng "Chết ở Venice" được hoài thai trong kỳ nghỉ của ông ở Venice năm 1911. Cuốn tiểu thuyết diễn tả chính cuộc đấu tranh nội tâm của nhà văn thông qua việc tạo dựng những đối lập xuyên suốt tác phẩm.

Nhà văn chưa có tiền lệ của giải Nobel Văn chương

Thomas Mann (1875-1955) được xem là một trong những nhà văn Đức vĩ đại nhất. Năm 1929, ông đoạt giải Nobel Văn chương và đến năm 1948 một lần nữa được đề cử nhận giải này, một trường hợp chưa có tiền lệ.

Đặt cạnh những tác phẩm đồ sộ khác của Mann, như "Gia đình Buddenbrook" hay "Núi thần", "Chết ở Venice" có dung lượng khá khiêm tốn nhưng không thể thiếu trong việc phác họa diện mạo văn chương của Thomas Mann.

Năm 1971, cuốn tiểu thuyết được chuyển thể thành phim điện ảnh, dưới bàn tay dàn dựng của đạo diễn Luchino Visconti. Đặc biệt, với màn hóa thân xuất sắc của diễn viên người Thụy Điển, Björn Andrésen, trong vai Tadzio, "Chết ở Venice" trở thành một trong những kiệt tác điện ảnh của thế giới.

Huỳnh Trọng Khang

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/van-nghe/chet-o-venice-cai-dep-trong-canh-dieu-tan-2020040322393115.htm