Chỉ 10 ngày túi nilon sử dụng tại Việt Nam đủ dài nối tới mặt trăng

Phát minh ra nhựa đã mang đến cho con người nhiều lợi ích, tuy nhiên bên cạnh đó là các hệ lụy về ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe. Ước tính chỉ hơn 1 tuần lượng rác thải nhựa dưới dạng túi nilon tại Việt Nam đủ dài để nối lên tới mặt trăng. Giảm phát thải nhựa là vấn đề cấp bách đòi hỏi mọi doanh nghiệp và người dân cần triển khai.

Ngày 24/10 tại Trường đại học Văn Lang TPHCM đã diễn ra hội thảo nâng cao nhận thức về thu gom và tái chế rác với chủ đề “Hành trình tái sinh vì một Việt Nam xanh”. Theo thông tin từ hội thảo, từ năm 1840 con người đã phát minh ra nhựa, vật liệu này ngày càng được sử dụng nhiều và tồn tại ngoài môi trường tạo thành một loại chất thải bền vững, khó phân hủy.

Nếu năm 1950 cả thế giới chỉ có khoảng 1,5 triệu tấn nhựa thì đến năm 2024 toàn cầu đã có tới hơn 400 triệu tấn nhựa. Ngày nay, con người bắt đầu nhận thức về việc sản xuất nhựa và tiêu dùng đồ nhựa gây ra nhiều hệ lụy. Thống kê cho thấy khoảng 75% nhựa sau khi sử dụng đã trở thành rác gây ô nhiễm môi trường. Chất vi nhựa đang đi vào chuỗi thức ăn của con người và xâm nhập vào chính cơ thể con người gây ra những hậu quả về mặt sức khỏe khi tác động lên hệ tiêu hóa, tim mạch, gây ung thư…

Rác thải tại Việt Nam được tái chế ở mức thấp do chưa được phân loại, công nghệ tái chế còn thấp là nội dung được các diễn giả nêu lên tại hội thảo

Rác thải tại Việt Nam được tái chế ở mức thấp do chưa được phân loại, công nghệ tái chế còn thấp là nội dung được các diễn giả nêu lên tại hội thảo

Tại hội thảo, ông Nguyễn Thi, Giảng viên Đại học Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài Nguyên Môi trường) cho biết: “Tại Việt Nam, năm 1991, một người sử dụng trung bình khoảng 3,8kg nhựa nhưng đến nay ước tính mỗi người đã sử dụng khoảng 54 kg nhựa trong một năm. Hiện nay, mỗi năm cả nước sử dụng khoảng 938 triệu túi nilon, với khối lượng này, ước tính chỉ trong vòng 10 ngày, số lượng túi nilon sau sử dụng tại Việt Nam đủ để nối khoảng cách từ trái đất lên tới mặt trăng”.

Mặt hàng nhựa được sử dụng nhiều nhất là các sản phẩm chai lọ, bao bì. Hiện nay, trên cả nước chất thải rắn nói chung và nhựa nói riêng đang được thu gom và chôn lấp là chính, rác tái chế chỉ chiếm khối lượng rất thấp với khoảng 2% trên tổng số nhựa phát thải. Nguyên nhân là do việc thu gom khó khăn, công nghệ tái chế còn thấp.

Giảm phát thải nhựa là vấn đề cấp bách đặt ra đối với toàn cầu để bảo vệ môi trường sống (ảnh minh họa)

Giảm phát thải nhựa là vấn đề cấp bách đặt ra đối với toàn cầu để bảo vệ môi trường sống (ảnh minh họa)

Nói về khó khăn trong việc thu gom, tái chế rác, ông Hoàng Đức Vượng, Chủ công ty Cổ phần VietCycle cho biết: “Việc phân loại rác tại Việt Nam hiện nay mới chỉ bắt đầu thí điểm, rác đang lẫn lộn nhiều tạp chất, khó thu gom, xử lý gây rất nhiều khó khăn cho việc tái chế. Các vật liệu tái chế tại Việt Nam vì vậy có chất lượng rất thấp”.

Để giảm tác động đến môi trường, các đơn vị sản xuất đang nỗ lực ứng dụng công nghệ vào việc tái chế bao bì bằng việc sử dụng chất liệu mới như bao bì giấy, vật liệu tự nhiên dễ phân hủy hoặc giảm trọng lượng nhựa trong từng sản phẩm. Ông Đỗ Thái Vương, Phó tổng giám đốc Suntory PepsiCo Việt Nam cho biết, mỗi năm công ty đưa tới thị trường Việt Nam hơn 1 tỷ chai nhựa. Bằng giải pháp sản xuất ra loại vỏ chai siêu mỏng, công ty đã giảm phát thải 1.000 tấn nhựa mỗi năm ra môi trường. Bên cạnh việc giảm thải, công ty đang tiến hành loại bỏ tất cả các nguyên liệu không thể tái chế trong sản xuất, thu gom vỏ chai đã qua sử dụng để thực hiện tái chế, tuần hoàn, giảm phát thải ra môi trường.

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chậm nhất đến ngày 31/12/2024, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải chính thức thực hiện việc phân loại rác tại nguồn. Đây là một bước quan trọng nhằm giảm lượng chất thải, bảo vệ môi trường.

Vân Sơn

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chi-10-ngay-tui-nilon-su-dung-tai-viet-nam-du-dai-noi-toi-mat-trang-post1685205.tpo