Một số thực phẩm tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng

Kiểm nghiệm thực phẩm đưa ra kết quả chính xác sẽ đáp ứng kịp thời yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quản lý về an toàn thực phẩm.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã nhấn mạnh thông tin này tại hội nghị khoa học quốc tế kiểm nghiệm thực phẩm 2024 diễn ra tại Hà Nội trong 2 ngày (24-25/10) do Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh Thực phẩm Quốc gia (Bộ Y tế) tổ chức.

Hội nghị thu hút khoảng 500 chuyên gia về an toàn thực phẩm, kiểm nghiệm trong nước và nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Canada, Đức, Hà Lan, Đan Mạch, Anh, Úc, Singapore, Hàn Quốc... tham dự.

Ngoài phiên toàn thể, Hội nghị còn có 6 phiên khoa học về đánh giá nguy cơ an toàn thực phẩm; vi sinh vật trong thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm; dinh dưỡng và phụ gia thực phẩm; thực phẩm bảo vệ sức khỏe; độc tố và chất ô nhiễm trong thực phẩm; công nghệ thực phẩm và đảm bảo chất lượng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng: kiểm nghiệm thực phẩm đưa ra kết quả chính xác sẽ đáp ứng kịp thời yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quản lý về an toàn thực phẩm.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng: kiểm nghiệm thực phẩm đưa ra kết quả chính xác sẽ đáp ứng kịp thời yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quản lý về an toàn thực phẩm.

Còn những mối nguy hiện diện hằng ngày

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đánh giá đây là hội nghị có ý nghĩa quan trọng góp phần định hướng phát triển hệ thống kiểm nghiệm thực phẩm của Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Những năm gần đây, thực phẩm phong phú về chủng loại và đa dạng về mẫu mã lưu thông rộng rãi trên thị trường. Trong đó, một số sản phẩm thực phẩm tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, cơ quan quản lý nhà nước đã đưa ra nhiều biện pháp tích cực nhằm tuyên truyền, nâng cao ý thức của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm.

Đồng thời, chủ động phối hợp trong xây dựng quy định, chính sách pháp luật và đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý các cơ sở vi phạm quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.

Cho rằng hệ thống kiểm nghiệm thực phẩm tại Việt Nam được đầu tư, tuy nhiên Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng nêu rõ, trang thiết bị hiện đại vẫn chủ yếu tập trung tại tuyến trung ương.

"Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan đang tích cực nâng cao năng lực kiểm nghiệm đối với tuyến địa phương thông qua cải tạo cơ sở hạ tầng kỹ thuật, từng bước đầu tư trang thiết bị, chuyển giao công nghệ, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ..."- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

Vì thế, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đánh giá hội nghị lần này là cơ hội để các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà nghiên cứu trong nước được tiếp cận với phương thức quản lý thực phẩm hiệu quả và phổ biến hiện nay trên thế giới là quản lý dựa trên nguy cơ.

"Đồng thời hội nghị cũng giúp chúng ta triển khai các kỹ thuật kiểm nghiệm tiên tiến, xây dựng các phương pháp thử khó và mang tính chất phức tạp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Từ đó, dần giải quyết được tính phức tạp của mẫu thực phẩm ngày càng đa dạng hơn đang lưu thông trên thị trường"- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói và khẳng định thêm: Trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn hiện nay, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm đòi hỏi sự nỗ lực và vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương.

PGS.TS Lê Thị Hồng Hảo, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh Thực phẩm phát biểu.

PGS.TS Lê Thị Hồng Hảo, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh Thực phẩm phát biểu.

PGS.TS Lê Thị Hồng Hảo, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh Thực phẩm cho biết thêm, khoa học kiểm nghiệm thực phẩm là một chuyên ngành đòi hỏi sự đầu tư đồng bộ và hiệu quả từ phát triển nguồn nhân lực chuyên môn sâu đến xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, máy móc tiên tiến và hiện đại nhằm đáp ứng đầy đủ yêu cầu ngày càng cao của xã hội.

Trong những năm gần đây, hệ thống kiểm nghiệm thực phẩm tại Việt Nam được chú trọng đầu tư, nhờ đó đã làm thay đổi đáng kể diện mạo của ngành kiểm nghiệm thực phẩm. Tuy nhiên, từ tình hình thực tế các sự cố an toàn thực phẩm gần đây cho thấy vẫn còn những mối nguy hiện diện trong các sản phẩm thực phẩm tiêu thụ hằng ngày.

"Do đó, ngoài việc đầu tư phát triển về các kỹ thuật kiểm nghiệm hiện đại, chuyên sâu, các phòng kiểm nghiệm cần chú trọng đẩy mạnh hoạt động đánh giá nguy cơ nhằm cung cấp các bằng chứng khoa học hỗ trợ công tác quản lý an toàn thực phẩm" - PGS.TS Lê Thị Hồng Hảo nhấn mạnh.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã nhấn mạnh việc tăng cường sử dụng bằng chứng khoa học thông qua đánh giá nguy cơ để đưa ra các quyết định quản lý an toàn thực phẩm dựa trên nguy cơ và truyền thông nguy cơ để mỗi quốc gia đều đảm bảo an toàn thực phẩm, giảm thiểu bệnh truyền qua thực phẩm lên người.

Các đại biểu trong nước và quốc tế tại hội nghị.

Các đại biểu trong nước và quốc tế tại hội nghị.

Viện trưởng Lê Thị Hồng Hảo cho hay, với vai trò là đơn vị kiểm nghiệm thực phẩm tuyến cao nhất của ngành Y tế, trên cơ sở quyết định của Bộ Y tế về việc thành lập Trung tâm đánh giá nguy cơ về an toàn thực phẩm, Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh thực phẩm Quốc gia tổ chức hội nghị khoa học này với mong muốn kết nối các phòng thí nghiệm không chỉ về kỹ thuật kiểm nghiệm, mà còn về đánh giá nguy cơ, từ đó thiết lập những chuẩn mực, phương pháp đánh giá nguy cơ theo đúng hướng dẫn của Codex; tạo thành mạng lưới đánh giá nguy cơ an toàn thực phẩm tại Việt Nam gồm sự chung tay của các phòng thí nghiệm, trường đại học và các tổ chức quốc tế.

Xếp loại nguy cơ thực phẩm để phòng ngừa, giám sát phù hợp

TS Trần Cao Sơn, Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh thực phẩm, phân tích nguy cơ là một quá trình nhằm xác định các mối nguy, xác lập các ảnh hưởng đối với sức khỏe, tìm các biện pháp ngăn ngừa, kiểm soát và giảm thiểu nguy cơ, thông báo thông tin nhằm phòng tránh nguy cơ, phân loại các nguy cơ.

TS Nguyễn Thị Phúc, nhóm An ninh Y tế và các tình trạng Y tế Công cộng khẩn cấp, Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam phát biểu.

TS Nguyễn Thị Phúc, nhóm An ninh Y tế và các tình trạng Y tế Công cộng khẩn cấp, Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam phát biểu.

"Thực phẩm nào có nguy cơ cao nhất thì kiểm soát chặt nhất, việc xếp loại nguy cơ để từ đó chúng ta có biện pháp phòng ngừa, tần suất giám sát phù hợp. Tuy nhiên, thực tế, nghiên cứu đánh giá nguy cơ tại nước ta còn ít, mới chỉ tập trung vào mối nguy hóa học, mối nguy vi sinh đóng vai trò quan trọng thì ít nghiên cứu thực hiện"- TS Sơn nói.

Vì thế, ông cho rằng cần xây dựng và tạo điều kiện phát triển đơn vị đầu mối đánh giá nguy cơ an toàn thực phẩm, thiết lập hệ thống quản lý dữ liệu cho đánh giá nguy cơ an toàn thực phẩm, cũng như cơ chế chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, tổ chức…

Chia sẻ tại hội nghị, TS Nguyễn Thị Phúc, nhóm An ninh Y tế và các tình trạng Y tế Công cộng khẩn cấp, Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cũng đánh giá gánh nặng bệnh tật do thực phẩm là rất lớn. Ước tính trên thế giới cứ 10 người thì có 1 người bị bệnh liên quan đến thực phẩm.

Các bệnh lây truyền qua thực phẩm có thể gây tử vong, đặc biệt ở trẻ dưới 5 tuổi. Ước tính mỗi năm các bệnh này gây ra 420.000 ca tử vong trên toàn cầu, đáng buồn là 1/3 trong số này là trẻ em.

Chuyên gia quốc tế phát biểu tại hội nghị.

Chuyên gia quốc tế phát biểu tại hội nghị.

Thái Bình/Ảnh: Trần Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/mot-so-thuc-pham-tiem-an-nguy-co-gay-ngo-doc-anh-huong-suc-khoe-nguoi-tieu-dung-169241024132806772.htm