Chị Ba Định - vị Nữ tướng huyền thoại

Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt NamChị Nguyễn Thị Định - sinh ngày 15.3.1920 trong một gia đình nông dân tại xã Lượng Hòa, huyện Giồng Trôm, Bến Tre - là nữ tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam; đại biểu Quốc hội 3 khóa liên tục: VI, VII và VIII.

Nữ tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam

Là con út trong gia đình gồm 10 anh em, năm 1936, được người anh ruột là Nguyễn Văn Chân dìu dắt, chị Nguyễn Thị Định tham gia phong trào cách mạng bằng những việc làm cụ thể, như liên lạc viên, rải truyền đơn, vận động bà con chống lại sự áp bức, bóc lột của bọn cường hào địa phương... Trong quá trình hoạt động cách mạng, chị mang nhiều mật danh, như Bích Vân, Ba Nhát, Ba Hân...

Tháng 10.1938, chị được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Cùng năm đó, chị kết hôn với đồng chí Nguyễn Văn Bích - Tỉnh ủy viên Bến Tre. Hạnh phúc chưa đầy gang thì chồng chị bị bắt, bị kết án 5 năm tù và 5 năm biệt xứ vì tội “làm cộng sản”. Chúng đầy anh Bích ra Côn Đảo và anh đã hy sinh tại đó.

Nửa năm sau, ngày 19.7.1940, chị và cậu con trai 7 tháng tuổi bị mật thám vây bắt. Chúng đưa hai mẹ con về khám Lá Bến Tre và buộc chị gửi con về nhà cho mẹ nuôi trước khi chúng áp giải đi đầy ở Bà Rá thuộc tỉnh Bình Phước ngay nay. Nhớ lời chồng dặn: “Dấn thân vào con đường cách mạng là phải chấp nhận tù đầy, thậm chí phải hy sinh cả tính mệnh”, để trả thù cho chồng, chị kiên cường cùng tổ chức Đảng trong tù đấu tranh chống chế độ nhà tù hà khắc của địch, giúp nhau giữ vững khí tiết của người cộng sản, học tập nâng cao trình độ văn hóa và lý luận chính trị.

Năm 1943, do bị đau tim nặng, chị được đưa về quê chịu sự quản thúc của chính quyền địa phương. Năm 1944, bắt được liên lạc với tổ chức, chị tham gia vận động quần chúng theo chương trình hành động của Mặt trận Việt Minh và được tổ chức phân công khôi phục, phát triển cơ sở cách mạng ở địa phương mà trước đây chị từng phụ trách. Năm 1945, ở tuổi 25, chị Ba Định đã giương cao cờ đỏ sao vàng, dẫn đầu hàng ngàn quần chúng khởi nghĩa cướp chính quyền thị xã Bến Tre và được bầu vào Ban Chấp hành phụ nữ cứu quốc tỉnh.

Ngày 20.3.1946, chị được cử tham gia Đoàn đại biểu Trung Nam bộ ra Trung ương báo cáo tình hình miền Nam và xin chi viện vũ khí cho Nam Bộ. Đoàn gồm giáo sư Ca Văn Thỉnh, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, chị Lê Thị Tài, giáo viên tiếng Pháp - Hội trưởng Hội Phụ nữ cứu quốc tỉnh và chị Ba Định là người trẻ nhất đoàn. Cuối tháng 3, Đoàn xuất phát từ vùng biển Bến Tre bằng tàu đánh cá thẳng tiến ra vùng biển quốc tế để tránh sự kiểm soát của địch. Sau đó, tàu đánh cá của Đoàn đổ bộ vào vùng tự do của tỉnh Phú Yên, được lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn tiếp đón và bố trí cho Đoàn đi xe lửa ra thủ đô Hà Nội.

Tại thủ đô, Đoàn được Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Bác Hồ trực tiếp đón, nghe báo cáo và giải quyết nhanh chóng các kiến nghị.

Do yêu cầu cách mạng, Trung ương điều động giáo sư Ca Văn Thỉnh, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp về công tác tại các cơ quan Trung ương. Còn đồng chí Ba Định được phân công làm Trưởng đoàn mang vũ khí trở về Nam.

Năm 1947, chị được bầu vào Tỉnh ủy Bến Tre. Năm 1948 là Hội trưởng Hội Phụ nữ cứu quốc tỉnh, Ủy viên Mặt trận Liên Việt tỉnh. Năm 1951, chị được bầu vào Tỉnh ủy và là Phó Bí thư huyện ủy Mỏ Cày, Chủ tịch Mặt trận Việt Minh huyện, sau đó được cử làm Quyền Bí thư huyện ủy. Năm 1952, chị là Hội trưởng Hội Phụ nữ tỉnh Bến Tre, năm 1953 là Trưởng ban Phụ vận và Ủy viên Ủy ban Mặt trận tỉnh Bến Tre.

Ngày 20.7.1954, Hiệp định Geneve được ký kết. Hòa bình lập lại ở Việt Nam. Các nước dự Hội nghị công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; quy định sẽ Tổng tuyển cử tự do trong cả nước vào tháng 7.1956.

Thế nhưng, khi Hiệp định Geneve vừa được ký kết, máu đã chảy trên đường phố Sài Gòn, và chảy khắp miền Nam...

Ngày 30.12.1959, chị Ba Định với tư cách Phó Bí thư Tỉnh ủy sau khi dự Hội nghị khu ủy khu 8 ở Hồng Ngự, theo đường giao liên công khai về đến cơ quan Tỉnh ủy khi đó đóng tại xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày.

"Đội quân tóc dài"

Vào một ngày đầu năm 1960, Hội nghị bất thường của Tỉnh ủy Bến Tre họp nghe đồng chí Ba Định báo cáo Nghị quyết của khu ủy và quyết định phát động một tuần lễ nổi dậy bắt đầu từ ngày 17.1.1960. Ba xã Định Thủy, Phước Hiệp và Bình Khánh được chọn làm điểm chỉ đạo của Thường vụ Tỉnh ủy, nơi đột phá mở đầu phong trào. Đồng chí Nguyễn Thị Định - Phó Bí thư Tỉnh ủy phụ trách chung, đồng thời đặc trách “đội quân tóc dài” - lực lượng chủ lực của cuộc nổi dậy.

Đêm 16 rạng sáng 17.1.1960, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thường vụ Tỉnh ủy, cuộc khởi nghĩa đã nổ ra theo đúng kế hoạch và đã giành thắng lợi nhanh gọn ở Định Thủy. Tại đây, lực lượng quần chúng nổi dậy có lực lượng vũ trang hỗ trợ đã tiêu diệt Tổng đoàn dân vệ và chiếm đồn Vàm Nước Trong, giải tán tề xã, phá tan mọi hình thức kìm kẹp của địch.

Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở vùng điểm đã cổ vũ phong trào khởi nghĩa chung trong toàn tỉnh. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Ba Định, đợt I đồng khởi diễn ra ở các huyện Mỏ Cày, Giồng Trôm, Châu Thành, nhân dân đã đồng loạt nổi dậy, diệt ác ôn, bao vây đồn bốt, giải phóng được nhiều ấp.

Tháng 6.1960, Xứ ủy Nam Bộ quyết định phát động đồng khởi trong toàn Nam Bộ. Khu ủy khu 8 ra Chỉ thị lấy ngày 23.9 làm ngày đồng khởi toàn khu. Từ chiều 24.9, trong tiếng trống, mõ vang động, Bến Tre bước vào đồng khởi đợt II với hàng chục vạn quần chúng trong tỉnh đã bao vây đồn bốt, nổi trống, thanh la, mõ, đốt đuốc, xuống đường biểu tình, thị uy, phát loa kêu gọi lính địch đầu hàng về với nhân dân. Cuộc đồng khởi ở Bến Tre thắng lợi mở đầu cho phong trào đồng khởi toàn miền Nam. Tên tuổi của chị Ba Định gắn liền với cuộc đồng khởi đó. Và, Bác Hồ gọi đội quân của chị Ba Định là “đội quân tóc dài”.

Năm 1965, đồng chí Nguyễn Thị Định được bầu làm Hội trưởng Hội liên hiệp phụ nữ giải phóng miền Nam. Sinh thời, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thường nói: “Một người phụ nữ đã chỉ huy thắng lợi cuộc Đồng Khởi ở Bến Tre thì người đó rất xứng đáng được làm tướng và ở trong Bộ Tư lệnh đánh Mỹ”. Cũng năm 1965, chị Ba Định chính thức được bổ nhiệm làm Phó Tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, tham gia Quân ủy Miền, phụ trách phong trào chiến tranh du kích. Năm 1974, chị được phong quân hàm Thiếu tướng. Năm 1976, đồng chí Ba Định được bổ nhiệm là Thứ trưởng Bộ Thương binh và Xã hội, được bầu làm Phó Chủ tịch thứ nhất Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (tháng 12.1976), đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương. Đầu năm 1980, đồng chí được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Tháng 7.1981, chị được bầu làm Ủy viên Hội đồng Nhà nước. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (tháng 3.1982) và lần thứ VI (tháng 12.1986), đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, giữ chức Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Tháng 6.1987, đồng chí được bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Đồng chí Nguyễn Thị Định là đại biểu Quốc hội khóa VI, VII và VIII, là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa I (1977-1983), khóa II (1983-1988) và khóa III (1988-1994).

Đồng chí còn giữ chức Phó Chủ tịch Liên đoàn phụ nữ dân chủ quốc tế, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Cuba.

Do bệnh tật, đồng chí Nguyễn Thị Định từ trần lúc 22h50 ngày 26.3.1992 trong niềm tiếc thương của đồng bào, đồng chí.

Để ghi nhận công lao đóng góp của đồng chí Nguyễn Thị Định đối với cách mạng, ngày 30.8.1995, Chủ tịch Nước đã quyết định truy tặng đồng chí danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trước đó, năm 1968, Liên bang Xô viết đã trao tặng đồng chí Giải thưởng Lenin.

Để tưởng nhớ công lao của người nữ anh hùng huyền thoại, nhân dân xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội đã lập bàn thờ nữ tướng Nguyễn Thị Định trong đền thờ Hai Bà Trưng như một nhân thần mới. Tên của đồng chí cũng được đặt cho một làng ở đất nước Cuba. Giáo sư sử học, nhà cách mạng lớp tiền bối Trần Văn Giàu trong Lời tựa tập sách “Nhớ chị Ba Định” đã viết: “Chị Ba Định ạ! Ngày xưa người dân làng quê bảo nhau rằng: Những người như chị sống làm tướng, chết thành thần”.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/chi-ba-dinh-vi-nu-tuong-huyen-thoai-i303073/