Chỉ cần bạn tốt hơn 1% mỗi ngày
Đó là tựa cuốn sách đầu tay xinh xắn của tác giả Lily Trương (Trương Khánh Linh) với nội dung chia sẻ với bạn đọc trẻ, sinh viên, học sinh về hành trình phát triển bản thân từ tư duy lẫn tâm trí.
Chỉ cần bạn tốt hơn 1% mỗi ngày (NXB Dân Trí và Carobooks ấn hành) thuộc dòng sách tản văn self-help - nghĩa là sách chứa những kinh nghiệm, đúc kết của tác giả giúp người đọc tham khảo và “tự lực” rèn luyện kỹ năng phát triển, hoàn thiện bản thân. Sách đưa ra thông điệp thú vị: mỗi ngày bạn chỉ cần nỗ lực và cố gắng chỉ 1% thôi. Tuy đó là con số bé nhỏ song “nếu 365 ngày, mỗi ngày bạn tiến lên một bước, điều gì sẽ xảy ra?” - tác giả Lily Trương đặt dấu hỏi.
* Tiến bộ mỗi ngày
Lily Trương chia sẻ về trường hợp của chính mình: “Tôi đã luôn tâm niệm như thế trong mỗi bước mình đi, mỗi việc mình làm. Ngay cả trong thời điểm viết cuốn sách, tôi vẫn đang cố gắng tốt hơn chính mình dù chỉ 1%”.
“Có những chuyện không cần bạn phải giải thích với người khác. Thành công của bạn chính là câu trả lời” - tác giả LILY TRƯƠNG.
Tác giả cho rằng mỗi bạn trẻ “cần tự hào về những tiến bộ nhỏ bé mỗi ngày bởi khi được tích lũy qua quá trình con số ấy sẽ trở thành kỳ tích”. Từ đó, chúng ta “sẽ sớm gặp gỡ được một phiên bản tốt hơn của chính mình”.
Những câu chuyện truyền cảm hứng về học tập, rèn luyện, hình thành những thói quen tốt, lành mạnh trong đời sống thường ngày được tác giả chia sẻ chân thật và gần gũi. Như khi viết về “5 hiểu lầm về kỷ luật bản thân”, Lily Trương cho rằng: “Kỷ luật bản thân không phải là dậy lúc 5 giờ sáng, học một ngày 12-14 tiếng, mà là bất kể ai nói gì, cám dỗ đầy rẫy xung quanh, bạn vẫn kiên trì bước đi theo quỹ đạo của riêng mình”.
Vào thời điểm chuyển giao năm cũ và mới - như năm 2023 sắp hết và năm mới 2024 sắp đến, mọi người hay tự vấn hoặc hỏi nhau rằng năm qua đã làm được gì, sắp tới có dự định, ước mơ gì… Lily Trương bày tỏ: “Nếu bạn chưa làm được điều gì to lớn, thì cũng không sao đâu. Miễn là chúng ta tiếp tục hành trình phát triển bản thân “1% mỗi ngày” của mình. Cô cho rằng “trong một thời đại mà mọi thứ luôn phải nhanh hơn, nhiều hơn, nếu chúng ta chỉ mải mê chạy theo những thành quả cao xa thì chớ quên niềm vui của việc tận hưởng quá trình”.
* Thước đo thành công của bạn
Trong sách Chỉ cần bạn tốt hơn 1% mỗi ngày, Lily Trương chia sẻ mỗi người có một thước đo khác nhau về thành công, nên chúng ta “xác định rõ mình đo lường thành công bằng gì và kiên trì theo đuổi tiêu chuẩn ấy”.
Không có gì sai khi ai đó đo thành công bằng sự sung túc giàu sang, danh tiếng hay thậm chí thời thượng chính là… lượng followers trên mạng xã hội. Tuy vậy, với một người sáng tạo nội dung và viết lách như Lily Trương, cô cho biết đo thành công bằng “mức độ mình tận hưởng trong từng ngày”.
“Thành công với mình có lẽ là cảm giác hoàn thành to-do-list (những việc cần làm trong ngày) trong ngày hôm đó, ngủ ngon sau một ngày dài, tập thể dục đẫm mồ hôi, ăn một bát cơm ấm, hay nhấp một ngụm trà thơm…” - tác giả bật mí.
Là một người trẻ hiện đại, thú vị thay, Lily Trương vẫn giữ gìn thói quen viết nhật ký vào sổ tay. Cô chọn lối viết phản chiếu (reflection) những suy nghĩ, cảm nhận, cảm xúc của mình trong ngày. Và luôn tự hỏi: “Ngày hôm nay tôi đã học được điều gì? Biết ơn những gì?”.
* Tỉnh thức và chú tâm
Chia sẻ với Đồng Nai cuối tuần, Lily Trương bày tỏ mong muốn cuốn sách nhỏ của cô “sẽ trở thành tri kỷ với giới trẻ, sinh viên học sinh… trên hành trình chữa lành và phát triển bản thân”.
Cô cho rằng những bạn trẻ cần có kế hoạch phát triển bản thân rõ ràng, có tâm thế đối diện với những thử thách và cả nỗi đau bởi đôi khi, “khi chạm xuống tận cùng nỗi đau, chúng ta mới có cơ hội khám phá hết tiềm năng của mình. Và chỉ khi ấy bạn mới biết nội lực thực sự của bản thân có thể bùng phát mạnh mẽ đến mức nào”.
Tác giả mong muốn giới trẻ “rèn luyện sự tỉnh thức và chú tâm” - từ những chuyện nhỏ trong đời sống thường ngày như đôi khi cần “bỏ bớt điện thoại xuống, để thực sự sống, để học hỏi từng chút một từ thực tế, để tương tác thực tế với con người và tích lũy cho mình kinh nghiệm”.
Lily Trương cũng cho rằng nếu chúng ta dự định gì đó - đọc một cuốn sách, tập một động tác yoga, hoàn thành một lời hứa hẹn… - thì đừng tự nhủ “để bữa nào đó rảnh sẽ làm”, mà phải làm ngay khi có thể.
Chịu dầm mưa, sẽ hưởng ngày nắng đẹp
Vì sao bạn không ngại nỗi đau và cho rằng chúng ta không nên sợ hãi những đau khổ?
- Tác giả Lily Trương: Tôi muốn nói với bạn trẻ rằng nếu bạn đã từng thi trượt, thất tình, mất việc, phá sản, ốm đau, mất đi một người thân yêu… hay gặp phải một chuyện mà bạn thấy tồi tệ nhất trên đời thì bạn không hề đơn độc. Ai trong chúng ta cũng từng trải qua muôn vàn nỗi đau như thế. Nhưng chúng ta cần những nỗi đau ấy để bước tiếp và lớn lên.
Bản thân nỗi đau không hề đáng sợ, đó chỉ là một phép thử, là một nấc thang tiếp theo để thử thách lòng can đảm của bạn. Khi phải đối mặt với những điều vượt quá sức chịu đựng, thay vì chối bỏ hay lảng tránh nó, bạn chỉ cần nhận diện khó khăn đó, chấp nhận nó, làm bạn với nó, và để xem bạn có thể học được gì từ nỗi đau này.
Tôi nghĩ rằng “Đau khổ” và “Hạnh phúc” không phải là hai thái cực được sinh ra để triệt tiêu lẫn nhau mà là để bổ sung và hoàn thiện cho nhau. Chúng ta thường chỉ yêu thích kết quả mà vô tình bỏ qua nỗi đau. Nếu không có khổ đau, làm sao chúng ta biết được thế nào là hạnh phúc? Cũng như nếu không có những ngày dầm mưa, làm sao có những ngày nắng đẹp?