Chỉ chăm chăm xin cấp phép thì doanh nghiệp gần như 'chết ngay từ vạch xuất phát'
Theo ông Nguyễn Sỹ Dũng, trong đầu tư tư nhân nói chung và vào hàng không nói riêng cần sớm sửa đổi các quy định theo hướng chuyển từ 'quản lý cấp phép' sang 'quản lý hậu kiểm'. Bởi hiện nay, nếu chỉ chăm chăm xin được cấp phép thì doanh nghiệp gần như 'chết ngay từ vạch xuất phát'.
Ông Nguyễn Sỹ Dũng và các vị khách mời đã đưa ra ý kiến đa chiều tại tọa đàm “Nghị quyết 68: Cơ hội của các hãng bay tư nhân Việt Nam” do Tạp chí Hàng không tổ chức sáng 10/7.
Theo các khách mời, tiềm năng của thị trường hàng không Việt Nam còn khá lớn. Với sự đột phá của nghị quyết 68, ngành hàng không sẽ có những bước đột phá. Nghị quyết 68 là bước đột phá về tư duy chính sách tạo ra 1 khung pháp lý, khẳng định tầm nhìn cấp cao nhất về phát triển kinh tế tư nhân, đó là việc bảo đảm cho kinh tế tư nhân bình đẳng trong việc tiếp cận kinh doanh.
Cần bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết
Bà Trịnh Thị Hương - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể cho rằng, Nghị quyết 68 có ý nghĩa mạnh mẽ với nhiều ngành trong đó có ngành hàng không. Ngành hàng không có đòi hỏi vốn, công nghệ, kỹ thuật cao, tư duy chiến lược.Ngoài ra, Nghị quyết 68 cũng có những điểm nhấn việc xử lý độc quyền, cải cách hành chính. Đây là mong mỏi rất lớn của ngành hàng không trong việc tháo bỏ những rào cản.

Bà Trịnh Thu Hương
Thị trường hàng không VN có khoảng 7 hãng bay thương mại, trong đó có 1 hãng bay tư nhân sắp tham gia là Sun Phu Quoc Airways; còn nếu bay chuyên biệt có 4-5 hãng bay, nếu bay giá rẻ thì còn khá thấp nếu so với các nước khác. Tiềm năng của thị trường hàng không còn khá lớn. Với sự đột phá của nghị quyết 68 thì ngành hàng không sẽ có những bước đột phá sắp tới. Thực tế, vướng mắc nhiều hơn thuận lợi nhưng với tinh thần của Nghị quyết 68, các bộ ngành đang tích cực tháo gỡ các điểm nghẽn. Bộ Xây dựng đã gửi Bộ Tài chính đề án cải cách. Trong đề án có bãi bỏ 10 điều kiện kinh doanh trong ngành hàng không, cắt giảm ngành kinh doanh.
“Với tinh thần cầu thị như vậy, trong thời gian tới có thể tháo gỡ các khó khăn, giúp tư nhân có thể tham gia hiệu quả về ngành hàng không” – bà Hương nhấn mạnh.
Để việc tham gia đầu tư của tư nhân vào lĩnh vực hàng không hiệu quả hơn, ông Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng: Chúng ta cần thử nghiệm và thay đổi. Gần đây tôi có đọc và góp ý chỉnh sửa một số quy định kỹ thuật, nhưng điều quan trọng hơn là phải xây dựng một khung chính sách rộng mở và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
Cụ thể, trong lĩnh vực hàng không dân dụng, cần sớm sửa đổi các quy định theo hướng chuyển từ "quản lý cấp phép" sang "quản lý hậu kiểm". Bởi hiện nay, nếu chỉ chăm chăm xin được cấp phép thì doanh nghiệp gần như "chết ngay từ vạch xuất phát". Cơ chế hiện tại đang quá chặt, không khuyến khích sáng tạo hay chủ động.
Cần bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, mang tính cản trở cạnh tranh. Chẳng hạn như các quy định quá ngặt nghèo về vốn điều lệ, số lượng tàu bay tại thời điểm cấp phép, hay tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong hãng hàng không.
Những điều kiện này không còn phù hợp với thực tiễn, và nếu không điều chỉnh, sẽ tiếp tục kìm hãm sự tham gia của các nhà đầu tư mới, đặc biệt là khu vực tư nhân và các đối tác quốc tế.
“Chúng ta cần có một mô hình thể chế thử nghiệm phù hợp cho các hãng hàng không mới, để khuyến khích đổi mới sáng tạo một cách lành mạnh và thực chất” – ông Dũng nêu quan điểm.

Ông Nguyễn Sỹ Dũng
Cũng theo ông Nguyễn Sỹ Dũng, hiện nay, trên thế giới đã xuất hiện rất nhiều mô hình mới như taxi bay, máy bay điện, và các công nghệ vận tải hàng không hiện đại khác. Tuy nhiên, ở Việt Nam, chúng ta chưa có khung pháp lý thử nghiệm phù hợp, trong khi các quy định hiện hành lại đặt ra tiêu chuẩn quá cao, khiến doanh nghiệp không thể tiếp cận.Vì vậy, rất cần sửa đổi thể chế để tạo điều kiện cho đổi mới, thay vì vô tình “chặn cửa” ngay từ đầu.
Chúng ta không nên duy trì tất cả những điều kiện kinh doanh ngặt nghèo như hiện nay. Thay vào đó, cần giữ lại những điều kiện thực sự cần thiết, đặc biệt là các yêu cầu liên quan đến an toàn hàng không – đây là yếu tố không thể thỏa hiệp.
Còn những điều kiện như vốn đầu tư tối thiểu vào hạ tầng sân bay, nhà ga, dịch vụ mặt đất…, rõ ràng không cần thiết phải bắt buộc áp dụng cứng nhắc cho mọi doanh nghiệp. Việc này vô tình làm khó doanh nghiệp mới và cản trở dòng vốn tư nhân đầu tư vào lĩnh vực hàng không.
Ông Dũng cũng đặc biệt lưu ý là không nên tạo ra chính sách ưu đãi riêng cho một nhà đầu tư cụ thể, vì điều đó đi ngược với tinh thần của Luật Đầu tư và nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh.
Về cơ chế giá, cần xem xét chuyển dần từ quản lý giá trần sang giá tham chiếu hoặc khung giá linh hoạt. Bởi nếu vẫn giữ cách quản lý giá cứng nhắc như hiện nay, sẽ khó thúc đẩy thị trường vận hành theo quy luật cung – cầu và cạnh tranh thực sự. Cần có cơ chế linh hoạt điều chỉnh theo mùa vụ, đặc thù từng đường bay và chất lượng dịch vụ.
Đang có sự bất bình đẳng “không hề nhẹ”
Việc so sánh sức mạnh giữa các hãng hàng không hiện không quan trọng mà là phải bình đẳng trong vận hành. Đó là bình đẳng trong khai thác nhà ga, vận chuyển hành lý, phân bổ nguồn lực… Bình đẳng trong tiếp cận, các ưu đãi về thuế, phí, lệ phí; Bình đẳng trong tiếp cận đất đai, xây dựng cơ sở hạ tầng, Bình đẳng trong tiếp nhận thông tin và cơ hội khai thác đường bay và bình đẳng trong thanh tra, kiểm tra.

Ông Lương Hoài Nam
“Muốn bình đẳng thật sự, phải có đấu thầu công khai, minh bạch, để doanh nghiệp tư nhân có cơ hội tiếp cận và cạnh tranh công bằng trong đầu tư phát triển hạ tầng hàng không” – ông Dũng nói.
Chia sẻ vấn đề này, ông Lương Hoài Nam - Tổng giám đốc Bamboo Airways dẫn chứng: “Vietnam Airlines hiện đang có một quỹ đất rất lớn tại các sân bay. Họ có đủ đất để triển khai các dịch vụ phục vụ cho một hệ sinh thái hàng không khép kín, rất hiệu quả. Nhưng với doanh nghiệp hàng không tư nhân, cho đến bây giờ, chúng tôi không có một mét vuông đất sân bay nào là của mình cả.
Điều đó cũng có nghĩa là, chúng tôi không thể đầu tư phát triển hệ sinh thái hàng không riêng của mình, từ dịch vụ mặt đất, kỹ thuật, logistics cho đến thương mại sân bay... Thực tế là không có cơ chế nào hiện nay để hàng không tư nhân có thể tiếp cận quỹ đất trong sân bay để đầu tư, kinh doanh.”
Ông Nam cho rằng đây là điều rất cần xem xét – vì nếu không, sẽ gây lãng phí rất lớn nguồn lực đất đai sân bay. Trong khi đó, nếu được tiếp cận một cách bình đẳng, hàng không tư nhân hoàn toàn có thể khai thác, đầu tư hiệu quả, tạo ra giá trị cho ngành và cho nền kinh tế.