Người dân vùng biên thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ 'bén duyên' với giống dừa lạ

Giữa vùng đất đỏ bazan khô cằn của xã biên giới Ia Dom, anh Dương Văn Thiết – một cựu binh quê Thanh Hóa đã biến mảnh đất hoang sơ thành trang trại xanh mát với đàn dê và vườn dừa xiêm trĩu quả.

Khát vọng đổi đời của "chàng lính"

Giữa cái nắng gió khắc nghiệt của vùng đất đỏ bazan xã biên giới Ia Dom (tỉnh Gia Lai), anh Dương Văn Thiết (SN 1976, quê tỉnh Thanh Hóa) lặng lẽ cắt cỏ, bón phân cho từng gốc dừa trên mảnh đất do chính mình gây dựng.

Ít ai biết, người nông dân ấy từng trải qua hành trình mưu sinh gian truân trước khi gặt hái “trái ngọt” nơi vùng biên cương.

Từng là lính nghĩa vụ, sau khi rời quân ngũ, anh Thiết mang theo khát vọng đổi đời vào lập nghiệp ở Bình Phước (nay là tỉnh Đồng Nai) với mô hình nuôi dê.

Sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm, năm 2019, trong một lần đến xã Ia Dom, nhận thấy tiềm năng đất đai và khí hậu thuận lợi, anh quyết định bán hết tài sản, mua 10ha đất tại đây để bắt đầu lại từ đầu, với đàn dê gần 100 con cùng ước mơ lập nghiệp trên vùng đất mới.

Anh Thiết là nông dân đưa giống dừa xiêm "bén duyên" trên vùng đất Tây Nguyên.

Anh Thiết là nông dân đưa giống dừa xiêm "bén duyên" trên vùng đất Tây Nguyên.

Anh Thiết chia sẻ: “Dê được chăn thả tự nhiên nên ít tốn công chăm sóc, nhờ đó tôi có thời gian tìm hướng đi mới. Sau thời gian nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm, tôi nhận thấy khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây rất phù hợp với cây dừa xiêm.

Tin vào tiềm năng của vùng đất biên giới, năm 2021, tôi quyết định đầu tư trồng hơn 300 cây dừa xiêm đỏ Mã Lai và dừa xiêm xanh lùn trên diện tích 1ha".

Chi phí đầu tư thấp, hiệu quả kinh tế cao

Anh Thiết vui mừng: "Tôi chưa từng trồng dừa, cũng không học qua trường lớp gì. Chỉ xem anh em chia sẻ trên mạng, rồi tự mày mò, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Lúc mới trồng, cũng lo lắm. Nhưng dần dà, thấy cây lên xanh tốt, rồi bắt đầu ra trái, tôi mới thở phào.

Tết vừa rồi, thương lái vào tận nơi thu, tôi bán được vài chục triệu đồng đầu tiên từ vườn dừa vui đến mất ngủ. Tôi vui, vì cảm giác bao nhiêu công sức bỏ ra cuối cùng cũng được đền đáp".

Anh Thiết tính toán kỹ lưỡng: "Sau thời gian trồng khoảng 22 tháng cây bắt đầu cho những buồng trái đầu tiên. Khi đã vào thời kỳ kinh doanh ổn định, mỗi cây dừa có thể cho khoảng 200 trái mỗi năm.

Với giá bán hiện tại từ 7.000 đến 10.000 đồng/trái, trừ hết chi phí đầu tư, vườn dừa của tôi có thể thu về gần 200 triệu đồng mỗi năm. Nếu so với trồng cao su, điều hay mì, thì cây dừa hiệu quả hơn hẳn".

Theo anh Thiết, nếu so với trồng cao su, điều hay mì, thì cây dừa hiệu quả hơn hẳn.

Theo anh Thiết, nếu so với trồng cao su, điều hay mì, thì cây dừa hiệu quả hơn hẳn.

Theo anh Thiết, trồng dừa không tốn nhiều chi phí ban đầu, lại dễ chăm sóc. Ngoài ra, anh còn tận dụng diện tích dưới tán dừa để trồng cỏ, vừa giữ ẩm cho đất, vừa làm thức ăn cho dê. Nhìn hàng dừa ngày càng xanh tốt, anh Thiết không giấu được dự định trong lòng.

"Đất nhà còn rộng, tôi đang chuẩn bị mở rộng diện tích trồng thêm. Giờ tôi tự ươm giống để giảm chi phí và có thể chia sẻ lại cho bà con xung quanh nếu ai muốn làm cùng. Giờ tôi chỉ mong vườn dừa ổn định, đàn dê khỏe mạnh. Làm được gì thêm cho vùng đất này, tôi làm. Vùng biên này còn nghèo, nhưng nếu ai chịu làm, đất không phụ người", anh nói.

Ngoài việc nhân rộng diện tích của gia đình, anh Thiết sẵn sàng hỗ trợ giống để bà con cùng phát triển kinh tế.

Ngoài việc nhân rộng diện tích của gia đình, anh Thiết sẵn sàng hỗ trợ giống để bà con cùng phát triển kinh tế.

Từ một người lính xuất ngũ, bắt đầu với hai bàn tay trắng nơi đất lạ, anh Thiết đã biến vùng biên khô cằn thành trang trại xanh mát với đàn dê khỏe mạnh và vườn dừa trĩu quả. Không chỉ dừng lại ở thành công cá nhân, anh còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ giống để người dân xung quanh cùng phát triển.

Trao đổi với phóng viên Người Đưa Tin, bà Đinh Thị Ngà, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Dom đánh giá cao tinh thần tiên phong của anh Thiết.

“Chúng tôi hoan nghênh những hộ mạnh dạn chuyển đổi, thử nghiệm giống cây trồng mới để nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích. Nếu mô hình của anh Thiết chứng minh được hiệu quả bền vững, Hội sẽ phối hợp vận động, hướng dẫn bà con nhân rộng trong thời gian tới”, bà Ngà cho biết.

Giữa vùng biên còn nhiều khó khăn, hành trình của anh Thiết không chỉ mang đến những chùm dừa ngọt lành, mà còn ươm mầm niềm tin vào một tương lai xanh, bền vững được vun trồng từ chính đôi tay người nông dân.

Hồ Hải Nam

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/giong-dua-la-ben-duyen-tren-dat-tay-nguyen-giup-nguoi-dan-thu-nhap-hang-tram-trieu-dong-moi-nam-204250710110015747.htm