Chỉ chờ 'gió Đông'?

Như PetroTimes đã nhận định, tuần giao dịch từ 3 đến 7/6 là tuần bất ngờ với các nhà đầu tư khi VNIndex tăng 25,86 điểm (2,05%), đứng chân tại mức 1287,58 điểm. Chuyên gia cho rằng tuần giao dịch tới nhiều khả năng sẽ có thêm bất ngờ…

Khối ngoại “hạ nhiệt" bán ròng

Kết thúc tuần giao dịch VNIndex có thể giữ được "nến xanh" có sự góp công đáng kể của nhóm cổ phiếu lớn. Sau một tuần giao dịch cổ phiếu VCB của Ngân hàng ngoại thương tăng 1,49% chặn đứng đà giảm liên tiếp 4 tuần trước đó. Cổ phiếu CTG của Ngân hàng công thương tăng 2,82%; BCM của Tổng Công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp tăng hơn 6%, FPT Tập đoàn FPT tăng 5,5%. Trong khi đó cổ phiếu TCB Ngân hàng Techcombank tăng 4,47% khi đón nhận tin UBCKNN chấp thuận cho nhà băng này được chia cổ tức tỷ lệ 1-1 (mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 1 cổ phiếu mới).

Điểm nhấn của tuần giao dịch vừa qua là khối ngoại đã xả “nhẹ tay" hơn đáng kể, mặc dù tổng kết lại vẫn là bán ròng. Nếu như tuần trước khối này bán ròng đến hơn 15 ngàn tỷ đồng, thì tuần này độ chênh lệch giữa mua và bán chỉ còn là âm 1,700 tỷ đồng.

Thị trường tiếp tục phân hóa mạnh khi các cổ phiếu riêng lẻ thuộc ngành Ngân hàng, Điện, Bia rượu giải khát như: STB (Ngân hàng Sacombank), POW (Điện lực dầu khí) và SAB (Bia Sài Gòn) có một tuần giao dịch khởi sắc khi tăng lần lượt 10%, 16,47% và 10,71%. Đây đã là tuần tăng liên tiếp thứ tư của cổ phiếu Điện lực Dầu khí, “đập tan" mọi chỉ trích về một Bluechips “yếu như con khướu". Còn cổ phiếu TV2 (Tư vấn Điện 2) “bốc đầu” với 6 tuần tăng liên tiếp, tăng hơn 40% từ đáy ngắn hạn.

Dòng dầu khí có PVT của PVTrans vẫn “ngự trên đỉnh cao" khi tăng 1,32%; PVB (Bọc ống Dầu khí) tăng hơn 3%, các mã PVS, PVD đi sideway, BSR tăng. Đặc biệt các cổ phiếu nhón phân bón giao dịch tích cực khi DCM (Đạm Cà Mau) tăng hơn 4%, DPM (Đạm Phú Mỹ) tăng 8,19%. Đây đã là tuần tăng thứ 7 liên tiếp của cổ phiếu này.

Dòng thép cũng có tuần giao dịch tích cực khi “anh cả" HPG tăng 2,45%, HSG tăng 7,8%, NKG tăng 5,33%. Dòng Bất động sản và chứng khoán tiếp tục có tuần giao dịch thất vọng khi chủ yếu đi ngang. Nổi bật chỉ có KDH (Nhà Khang Điền) tăng 3%, NVL (Novanland) tăng 2%. Dòng chứng khoán có FTS tăng hơn 3% và SSI tăng hơn 2%.

“Chỉ chờ gió Đông"?

Theo chuyên gia, tuần giao dịch tới nhà đầu tư cần lưu ý đến các biến số sau. Đầu tiên là Kỳ họp chính sách tháng 6 của FED diễn ra vào ngày 13 và 14/6 nhiều khả năng sẽ giữ nguyên lãi suất. Kỳ vọng hạ lãi suất sẽ dồn vào tháng 9 hoặc thậm chí đến tháng 12.

Tiếp đó, thời gian qua giá vàng thế giới và giá vàng Việt Nam cũng hạ nhiệt sẽ tác động đáng kể đến thị trường. Một số chuyên gia cho rằng tuần giao dịch tới nhiều khả năng sẽ có thêm bất ngờ, khi mà VNIndex đang tích lũy tốt và thường xuyên có cầu vào ở vùng 125x.

Đa phần các phiên giao dịch tuần trước đều chứng kiến sự hưng phấn từ đầu phiên nhưng sau đó đều suy yếu và đánh mất hầu hết thành quả tăng điểm về cuối phiên, bất chấp những nỗ lực đóng góp từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.

Dù vậy khối lượng giao dịch chưa tăng đột biến thì tín hiệu trên mới chỉ phản ánh lượng cung chốt lời giá cao chứ chưa cho thấy áp lực bán tháo giá thấp. Bên cạnh đó, lực cầu bắt đáy trong phiên vẫn chủ động xuất hiện và đẩy giá trở lại, giúp cho chỉ số tránh được nhịp giảm sâu. Vì vậy, rủi ro VN-Index đánh mất điểm số và đảo chiều lao dốc không quá lớn, nhiều khả năng thị trường sẽ nghiêng về kịch bản đi ngang giằng co tích lũy trong vài phiên tới, sau đó bật tăng vượt lên ngưỡng 1.300 điểm” - Ông Nghiêm Sỹ Tiến – Chuyên viên chiến lược đầu tư, Công ty Chứng khoán KBSV cho biết.

Còn theo ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội, giá vàng đang bước vào xu hướng giảm, và dòng tiền thông minh luôn tham gia vào kênh đem lại lợi nhuận tốt và đang trong xu hướng tăng. Do vậy VNIndex đang chờ “gió đông”: dòng tiền kéo vượt đỉnh kèm dòng dẫn dắt, khi đó dòng tiền sẽ tham gia vào kênh chứng khoán tăng mạnh.

Chung quan điểm, bà Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng nhận định: "Diễn biến trong tuần qua có phần khó chịu khi chỉ tăng mạnh phiên đầu tuần rồi sau đó thiên về giằng co, đặc biệt trong phiên luôn có diễn biến bị bán về cuối phiên chiều khiến đà tăng thu hẹp. Tuy vậy, nhìn tín hiệu cho cả phiên giao dịch, tôi thấy tín hiệu chưa có gì tiêu cực khi áp lực bán chỉ ở mức yếu và không hề có áp lực bán tháo theo ở phiên kế tiếp.

Do đó nhìn chung tôi vẫn cho rằng đây vẫn chỉ là tín hiệu giằng co tích lũy bình thường. Trong phiên cuối tuần, tôi thấy diễn biến đã có phần khác đi với việc có dấu hiệu phục hồi cuối phiên dù vẫn bị bán trước đó. Điều này đang ủng hộ khả năng tình trạng giằng co có thể sớm kết thúc và sẽ có phiên “break” đỉnh trong tuần này"

Minh Khang

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/chi-cho-gio-dong-712575.html