Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 14/4/2025

Văn phòng Chính phủ có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 14/4/2025

Quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Nghị quyết số 193/2025/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2025/NĐ-CP ngày 13/4/2025 quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Nghị quyết số 193/2025/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Nghị định số 88/2025/NĐ-CP quy định rõ các điều kiện, căn cứ hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp viễn thông triển khai nhanh hạ tầng mạng 5G.

Điều kiện hỗ trợ

Theo Nghị định số 88/2025/NĐ-CP, doanh nghiệp viễn thông được hỗ trợ theo quy định tại Điều 11 Nghị quyết số 193/2025/QH15 khi đáp ứng các điều kiện sau:

- Doanh nghiệp viễn thông đã hoàn thành triển khai tối thiểu 20.000 trạm phát sóng 5G trên toàn quốc (tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) được nghiệm thu đưa vào sử dụng trong khoảng thời gian từ ngày 19/2/2025 đến hết ngày 31/12/2025;

- Trạm 5G lắp đặt tại các vị trí hạ tầng sẵn có hoặc được triển khai mới. Mỗi trạm 5G chỉ được tính cho một nhà mạng duy nhất;

- Trạm 5G được lắp đặt ngoài trời (outdoor), sử dụng các thiết bị 64T64R, 32T32R, 16T16R, 8T8R, 4T4R. Mỗi trạm có từ 1 khối thu phát vô tuyến trở lên;

- Doanh nghiệp viễn thông đã đề xuất kế hoạch và dự toán kinh phí hỗ trợ triển khai nhanh hạ tầng mạng 5G với Bộ Khoa học và Công nghệ theo quy định.

Căn cứ hỗ trợ doanh nghiệp

Căn cứ hỗ trợ doanh nghiệp triển khai nhanh hạ tầng mạng 5G gồm:

- Quyết định của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận kết quả triển khai nhanh hạ tầng mạng 5G cho doanh nghiệp đủ điều kiện được hỗ trợ tài chính;

- Quyết định của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về chi phí thiết bị bình quân cho một trạm phát sóng 5G được mua trong năm 2025 của các doanh nghiệp viễn thông được hỗ trợ, được xác định theo từng chủng loại và xuất xứ hàng hóa của nhà sản xuất (nước phát triển hoặc nước đang phát triển);

- Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp đủ điều kiện được hỗ trợ tài chính triển khai nhanh hạ tầng mạng 5G;

- Đã bố trí dự toán chi ngân sách nhà nước hỗ trợ triển khai nhanh hạ tầng mạng 5G theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Nghị định nêu rõ, ngân sách nhà nước hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp triển khai nhanh hạ tầng mạng 5G từ nguồn chi đầu tư phát triển khác của ngân sách trung ương.

Kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp triển khai nhanh hạ tầng mạng 5G đáp ứng điều kiện hỗ trợ tài chính theo quy định tại Nghị quyết số 193/2025/QH15 và Nghị định này là khoản hỗ trợ tài chính không hình thành tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

Doanh nghiệp thực hiện hạch toán khoản hỗ trợ tài chính theo quy định của pháp luật về kế toán doanh nghiệp. Trường hợp hạch toán có vướng mắc, Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện.

Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm lập đoàn kiểm tra thực tế nếu có dấu hiệu doanh nghiệp báo cáo chưa chính xác về số lượng trạm phát sóng 5G đã triển khai trong hồ sơ đề nghị hỗ trợ tài chính.

Các trường hợp doanh nghiệp phải bồi hoàn chi phí hỗ trợ

Đồng thời, Nghị định cũng quy định các trường hợp doanh nghiệp sau phải thực hiện bồi hoàn chi phí hỗ trợ tài chính để triển khai nhanh hạ tầng mạng 5G:

- Không đáp ứng điều kiện quy định ở trên khi được cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra thực tế theo quy định;

- Giả mạo hồ sơ, sử dụng chứng từ bất hợp pháp; báo cáo, kê khai không chính xác thông tin, số liệu dẫn đến việc xác định số tiền hỗ trợ tài chính được hưởng cao hơn mức thực tế đáp ứng.

Ngoài việc xử lý theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp vi phạm các trường hợp quy định trên còn phải thực hiện bồi hoàn chi phí hỗ trợ tài chính triển khai nhanh hạ tầng mạng 5G như sau:

Trường hợp doanh nghiệp không hoàn thành mục tiêu 20.000 trạm phát sóng 5G đáp ứng điều kiện quy định, doanh nghiệp phải nộp trả lại ngân sách nhà nước toàn bộ số tiền đã được hỗ trợ, đồng thời nộp vào ngân sách nhà nước số tiền phạt bằng số kinh phí tính theo lãi suất tiền vay bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước cùng thời điểm, số tiền phạt vi phạm tính từ thời điểm doanh nghiệp nhận kinh phí hỗ trợ đến thời điểm nộp phạt.

Trường hợp doanh nghiệp hoàn thành vượt mục tiêu 20.000 trạm phát sóng 5G và đáp ứng điều kiện quy định, nhưng trong đó có số lượng trạm phát sóng 5G không đáp ứng điều kiện khi kiểm tra thực tế, doanh nghiệp phải nộp trả lại ngân sách nhà nước số tiền đã được hỗ trợ tương ứng với số tiền nhận hỗ trợ đối với các trạm phát sóng 5G không đáp ứng điều kiện theo quy định; đồng thời doanh nghiệp phải nộp ngân sách nhà nước số tiền phạt vi phạm tính trên số tiền đã nhận hỗ trợ đối với các trạm phát sóng 5G không đủ điều kiện và lãi suất tiền vay bình quân của ngân hàng thương mại nhà nước cùng thời điểm, số phạt vi phạm tính từ thời điểm doanh nghiệp nhận kinh phí hỗ trợ đến thời điểm nộp phạt.

Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm xác định số tiền doanh nghiệp phải nộp bồi hoàn chi phí hỗ trợ tài chính triển khai nhanh hạ tầng mạng 5G sau khi có kết quả thanh tra, kiểm tra thực tế việc triển khai hạ tầng mạng 5G của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và quy định tại Nghị định này.

Thời hạn doanh nghiệp phải nộp trả tiền vi phạm vào ngân sách nhà nước trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có quyết định của Bộ Khoa học và Công nghệ xác định doanh nghiệp phải nộp bồi hoàn chi phí hỗ trợ tài chính triển khai nhanh hạ tầng mạng 5G.

Quy định trên có hiệu lực từ ngày 13/4/2025.

Khẩn trương hoàn thiện, trình Quốc hội dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi)

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 13/4/2025 về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).

Nghị quyết nêu rõ, Chính phủ đánh giá cao Thanh tra Chính phủ đã tích cực, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) bảo đảm về nội dung và tiến độ theo yêu cầu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ. Các Bộ, cơ quan liên quan đã tích cực tham gia ý kiến, hoàn thiện dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) với tinh thần trách nhiệm cao.

Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) đã thể chế đúng chủ trương, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại Kết luận số 127-KL/TW ngày 28 tháng 02 năm 2025 về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và Kết luận số 134-KL/TW ngày 28 tháng 3 năm 2025 về Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Chính phủ cơ bản thống nhất nội dung dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) do Thanh tra Chính phủ trình Chính phủ tại Tờ trình số 518/TTr-TTCP ngày 28 tháng 3 năm 2025.

Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến Thành viên Chính phủ, khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). Giao Tổng Thanh tra Chính phủ thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) trình Quốc hội chậm nhất là ngày 15 tháng 4 năm 2025.

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2016/NĐ-CP quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 89/2025/NĐ-CP ngày 13/4/2025 sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 12d Nghị định số 92/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 13 Điều 1 Nghị định số 89/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng và Nghị định số 30/2013/NĐ-CP ngày 8/4/2013 của Chính phủ về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung.

Nghị định số 89/2025/NĐ-CP quy định các chủng loại tàu bay nhập khẩu vào Việt Nam được một trong các tổ chức sau: Nhà chức trách Hàng không liên bang Hoa Kỳ (FAA), Cơ quan an toàn hàng không châu Âu (EASA), Nhà chức trách hàng không Brazil, Nhà chức trách hàng không Canada, Nhà chức trách hàng không Liên bang Nga, Nhà chức trách hàng không Vương quốc Anh, Nhà chức trách hàng không Trung Quốc (CAAC) cấp hoặc Bộ Xây dựng cấp hoặc công nhận Giấy chứng nhận loại.

* Trước đó, Nghị định số 92/2016/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 89/2019/NĐ-CP quy định: Các chủng loại tàu bay nhập khẩu vào Việt Nam được Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) hoặc Cơ quan an toàn hàng không châu Âu (EASA) hoặc Nhà chức trách hàng không Việt Nam cấp Chứng chỉ loại tàu bay.

Phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, tỉnh Quảng Trị

Phó Thủ tướng Mai Văn Chính ký Quyết định số 756/QĐ-TTg ngày 14/4/2025 phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, tỉnh Quảng Trị.

Tổng diện tích lập quy hoạch là 104,96 ha

Về quy mô quy hoạch, Quyết định nêu rõ: Tổng diện tích lập quy hoạch là 104,96 ha, thuộc địa bàn xã Hiền Thành và xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Linh), xã Trung Hải (huyện Gio Linh), tỉnh Quảng Trị và khu vực cảnh quan, không gian mặt nước và cây xanh có liên quan; trong đó:

- Khu vực bảo vệ của di tích có diện tích là: 21,99 ha; bao gồm các điểm di tích thành phần của Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải.

- Khu vực cảnh quan thiên nhiên, làng xã dọc hai bên bờ sông Hiền Lương (có ảnh hưởng, tác động trực tiếp tới quần thể các điểm di tích thành phần), không gian mặt nước sông Sa Lung, sông Bến Hải chảy qua di tích và khu vực mở rộng nhằm hoàn chỉnh tổng thể không gian cảnh quan lịch sử về khu vực "giới tuyến quân sự tạm thời và vùng phi quân sự", phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch, có diện tích là 82,97 ha.

Xây dựng khu vực di tích trở thành công viên lịch sử - văn hóa đặc sắc

Mục tiêu lập quy hoạch nhằm bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử về cuộc đấu tranh cách mạng vĩ đại và hào hùng của dân tộc thông qua các di tích, điểm di tích hiện còn của Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải; góp phần hình thành địa điểm tham quan về nguồn, nghiên cứu, tìm hiểu, giáo dục truyền thống cách mạng, cũng như tinh thần yêu nước và khát vọng hòa bình của Nhân dân ta cho các thế hệ mai sau.

Xây dựng khu vực di tích trở thành công viên lịch sử - văn hóa đặc sắc, điểm du lịch về nguồn hấp dẫn, góp phần tôn tạo cảnh quan sinh thái hai bờ sông Bến Hải, đưa di tích trở thành một trong những trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh Quảng Trị; gắn kết đồng bộ với hệ thống di tích cách mạng của tỉnh Quảng Trị, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung và cả nước...

Tổ chức tổng thể không gian kiến trúc, cảnh quan di tích

Quy hoạch tổ chức không gian của các khu vực chức năng của di tích thành các điểm nhấn về kiến trúc cảnh quan; trong đó:

- Cụm di tích bờ Bắc, xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh: Tập trung các công trình kiến trúc lớn đáp ứng vai trò là Trung tâm đón tiếp với các công trình được xây dựng mới (Quảng trường Thống nhất, nhà trưng bày, khu quản lý và điều hành...) thực hiện chức năng đón tiếp, tổ chức sự kiện, dịch vụ hậu cần và hình thành một số không gian cây xanh.

- Cụm di tích bờ Nam, xã Trung Hải, huyện Gio Linh: Xây dựng các công trình kiến trúc thấp tầng đáp ứng vai trò là Trung tâm dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, dịch vụ du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương và vùng cảnh quan sinh thái.

- Khu vực phía Tây di tích: xây dựng Công viên văn hóa với một số công trình công cộng mới mang tính biểu tượng cho khát vọng Hòa Bình (Biểu tượng, khu cắm trại, Thể dục thể thao, bãi đỗ xe, sân tổ chức sự kiện...).

- Khu vực không gian chung: Thực hiện bảo vệ, giữ gìn cảnh quan và môi trường bao quanh di tích; xây dựng một số công trình bảo vệ bờ sông, bến thuyền du lịch và các công trình hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ cảnh quan.

Định hướng phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch

Về định hướng thị trường khách du lịch: Thị trường khách du lịch đến với di tích gồm khách du lịch quốc tế và khách du lịch nội địa; trong đó khách nội địa là thị trường trọng điểm.

Về phát triển sản phẩm du lịch: Tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế, giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng của dân tộc gắn với tìm hiểu giá trị lịch sử, văn hóa của Di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, trong đó lấy điểm di tích cột cờ Hiền Lương, nhà Liên hợp, đồn Công an giới tuyến, giàn loa phóng thanh là trung tâm; hoạt động du lịch về nguồn, thăm chiến trường xưa, tham quan cảnh quan sinh thái nông nghiệp vùng ven sông Hiền Lương và khu vực phụ cận; du lịch đêm Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn - Thành cổ Quảng Trị - Bến thả hoa sông Thạch Hãn...; du lịch sinh thái biển - đảo; du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp nông thôn...

Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng dựa trên các hoạt động văn hóa truyền thống gắn với di tích, như: Lễ hội Thống nhất non sông; lễ hội Vì Hòa bình; lễ hội Hoa đăng; đua thuyền trên sông; hội Bài Chòi; trải nghiệm di sản văn hóa phi vật thể, tìm hiểu phong tục tập quán, trò chơi dân gian và phát triển sản phẩm lưu niệm gắn với các đặc sản của địa phương.

Điều chỉnh cơ quan quản lý nút giao Túy Loan thuộc Dự án đường bộ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

Văn phòng Chính phủ có văn bản 3100/VPCP-CN truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc giao cơ quan quản lý nút giao Túy Loan thuộc Dự án đường bộ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Cụ thể, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Xây dựng phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện điều chỉnh Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi theo đúng quy định của pháp luật, trong đó điều chỉnh nút giao Túy Loan ra khỏi phạm vi đầu tư của dự án như ý kiến của Bộ Xây dựng; hoàn thành trước ngày 16/4/2025.

Đồng thời, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Đà Nẵng báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 16/4/2025 về nguồn vốn đầu tư nút giao Túy Loan.

Sau khi Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính hoàn thành các nhiệm vụ nêu trên, Bộ Xây dựng hoàn thiện dự thảo Quyết định về việc giao UBND thành phố Đà Nẵng quản lý nút giao Túy Loan, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 18/4/2025.

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 17/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật kiểm toán độc lập

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 90/2025/NĐ-CP ngày 14/4/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 17/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật kiểm toán độc lập.

Nghị định số 90/2025/NĐ-CP bổ sung hướng dẫn tiêu chí để xác định đơn vị được kiểm toán là các doanh nghiệp có quy mô lớn quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 37 Luật Kiểm toán độc lập.

Cụ thể, Nghị định số 90/2025/NĐ-CP bổ sung điểm đ vào sau điểm d khoản 1 Điều 15 Nghị định số 17/2012/NĐ-CP quy định đơn vị được kiểm toán gồm: Doanh nghiệp khác có quy mô lớn theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 37 Luật Kiểm toán độc lập thỏa mãn ít nhất 2 trong 3 tiêu chí sau: Có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm trên 200 người trở lên, có tổng doanh thu của năm trên 300 tỷ đồng trở lên, có tổng tài sản trên 100 tỷ đồng trở lên.

Nghị định số 90/2025/NĐ-CP hướng dẫn cụ thể nguyên tắc xác định số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm, tổng doanh thu của năm, tổng tài sản của các đơn vị:

a) Số lao động tham gia bảo hiểm xã hội là toàn bộ số lao động do đơn vị quản lý, sử dụng và trả lương, trả công tham gia bảo hiểm xã hội theo pháp luật về bảo hiểm xã hội;

b) Số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm được tính bằng tổng số lao động tham gia bảo hiểm xã hội của tất cả các tháng trong năm trước liền kề chia cho 12 tháng;

c) Số lao động tham gia bảo hiểm xã hội của tháng được xác định tại thời điểm cuối tháng và căn cứ trên chứng từ nộp bảo hiểm xã hội của tháng đó mà doanh nghiệp nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội;

d) Tổng doanh thu của năm được xác định trên báo cáo tài chính năm của năm trước liền kề được đơn vị lập theo quy định của pháp luật về kế toán;

đ) Tổng tài sản được xác định tại thời điểm cuối năm tài chính trên báo cáo tài chính năm của năm trước liền kề được đơn vị lập theo quy định của pháp luật về kế toán.

Nghị định cũng nêu rõ: Các doanh nghiệp có quy mô lớn thuộc đối tượng được kiểm toán nói trên nếu có 2 năm liên tiếp không thỏa mãn các tiêu chí xác định doanh nghiệp có quy mô lớn sẽ không phải thực hiện kiểm toán bắt buộc cho đến khi tiếp tục thỏa mãn các tiêu chí theo quy định.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 14/4/2025.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc

Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc tại buổi làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 177/TB-VPCP ngày 14/4/2025 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc tại buổi làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội.

Thông báo kết luận nêu rõ, sau 23 năm xây dựng và phát triển, đồng hành cùng với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; tín dụng chính sách xã hội do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện đã thực sự đi vào cuộc sống, là một trong những trụ cột trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, với quyết tâm chính trị cao của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền địa phương; sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị, Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo được nhiều điểm sáng trong hoạt động; mô hình và phương thức hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội ngày càng được khẳng định, hoàn thiện và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới.

Ngân hàng Chính sách xã hội đã triển khai tích cực các nhiệm vụ được giao và đạt được nhiều kết quả quan trọng: đã huy động được nguồn vốn đa dạng và quy mô ngày càng lớn, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt hơn 416 nghìn tỷ đồng, phục vụ hơn 6,8 triệu người nghèo và các đối tượng chính sách. Chất lượng tín dụng chính sách được nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh được duy trì ở mức thấp (0,55% tổng dư nợ)...

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Nguồn vốn chưa thực sự đa dạng, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế; vốn ủy thác tại một số địa phương, nguồn vốn có nguồn gốc từ thiện và các nguồn vốn hợp pháp khác chiếm tỉ trọng nhỏ trong tổng nguồn vốn; chưa có cơ chế, chính sách để thu hút nhân sự có trình độ cao, đặc biệt là nhân sự làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội còn hạn chế.

Nghiên cứu huy động các nguồn vốn nhận ủy thác

Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trong thời gian tiếp theo, Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Chính sách xã hội bám sát kết quả thực hiện sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đơn vị hành chính các cấp theo chủ trương của Đảng. Ngân hàng Chính sách xã hội rà soát, sắp xếp, kiện toàn bộ máy hoạt động, đảm bảo phù hợp với quá trình sắp xếp của các cơ quan, tổ chức chính trị và yêu cầu thực tiễn hoạt động đặc thù của Ngân hàng Chính sách xã hội. Lưu ý quá trình sắp xếp lại bộ máy phải đảm bảo được mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch, điểm giao dịch, tổ tiết kiệm và vay vốn để đảm bảo quản lý khoản vay, duy trì quan hệ với người vay.

Tập trung huy động, đa dạng hóa nguồn vốn nhằm tăng cường nguồn lực, cải thiện cơ cấu nguồn vốn theo hướng ổn định, bền vững. Chủ động phối hợp với các bộ, ngành trung ương báo cáo, tham mưu Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ưu tiên tập trung nguồn lực, đảm bảo nguồn vốn được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, tạo điều kiện để Ngân hàng Chính sách xã hội được tiếp cận các nguồn vốn giá rẻ và mở rộng các hình thức huy động vốn, nghiên cứu huy động các nguồn vốn nhận ủy thác từ các tập đoàn kinh tế nhà nước và tư nhân...

Ngân hàng Chính sách xã hội cần chú trọng xây dựng, đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, uy tín, phong cách làm việc chuyên nghiệp, hiện đại, tận tâm, tận tụy phục vụ nhân dân. Chú trọng tuyển dụng, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Chủ động nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện cơ chế tiền lương, các chế độ, chính sách đãi ngộ, đảm bảo thu nhập tốt hơn cho cán bộ, người lao động để thu hút, ổn định và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và nguồn nhân lực ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Tạo điều kiện phục vụ, cung cấp dịch vụ tốt nhất cho người nghèo

Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội cần tiếp tục nghiên cứu và đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI) dữ liệu lớn (Bigdata), … nhằm tiết giảm chi phí, nhân lực, tiết kiệm thời gian, tối ưu hóa quy trình quản lý, kiểm soát hoạt động, thực hiện nhiệm vụ được chính xác và an toàn, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống, tạo điều kiện phục vụ, cung cấp dịch vụ tốt nhất cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Chú trọng thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Hội đồng quản trị, Ban đại diện Hội đồng quản trị, hệ thống kiểm tra kiểm soát nội bộ; kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác, ủy nhiệm, sử dụng vốn vay. Tăng cường công tác quản trị và quản lý vốn chặt chẽ, hiệu quả.

Tập trung nghiên cứu và rà soát kỹ lưỡng các quy định, quy trình thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội, cắt giảm và đơn giản hóa tối đa các thủ tục để nâng cao hiệu quả công việc, tiết giảm chi phí hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội và khách hàng.

Triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách. Chủ động rà soát, tham mưu cho cơ quan thẩm quyền hoàn thiện cơ chế, chính sách về tín dụng chính sách xã hội theo hướng bao trùm, bền vững, đặt trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các chương trình mục tiêu quốc gia, Chiến lược tài chính toàn diện và Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội đến năm 2030. Từng bước mở rộng phạm vi, quy mô, đối tượng, nâng mức cho vay, thời hạn cho vay phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia và khả năng cân đối của ngân sách Nhà nước, khả năng thực hiện của Ngân hàng Chính sách xã hội...

Kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng tại buổi làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 176/TB-VPCP ngày 13/4/2025 kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng tại buổi làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN).

Theo Thông báo kết luận, Phó Thủ tướng cơ bản thống nhất với các định hướng, giải pháp cụ thể đã được Bộ KH&CN đề xuất và thảo luận tại buổi làm việc đối với các lĩnh vực: phát triển AI, trung tâm dữ liệu, hạ tầng số, Chính phủ số, kinh tế số, công nghiệp công nghệ số (tập trung vào các lĩnh vực chiến lược như robot, UAV, xe điện, vắc xin...), đổi mới sáng tạo, hạ tầng KH&CN dùng chung (trung tâm đo lường, thử nghiệm...), sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, năng lượng nguyên tử.

Tuy nhiên vẫn còn những tồn tại, hạn chế ngành KH&CN cần tập trung khắc phục trong thời gian tới nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới như: Khoảng cách về trình độ phát triển KH&CN của Việt Nam so với các nước tiên tiến còn lớn; nhận thức về vai trò của KH&CN và đổi mới sáng tạo tại một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự đầy đủ, sâu sắc, dẫn đến việc chưa ưu tiên đúng mức cho lĩnh vực này; hành lang pháp lý cho hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số còn chưa đồng bộ, tồn tại nhiều điểm nghẽn, rào cản, kìm hãm sự phát triển....

Việc phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được Đảng và Nhà nước xác định là yếu tố then chốt, sống còn để Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tránh nguy cơ tụt hậu và hiện thực hóa khát vọng hùng cường, thịnh vượng.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ KH&CN cần nghiêm túc đánh giá, phân tích nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế nêu trên, từ đó đề xuất các giải pháp cụ thể, khả thi nhằm khắc phục hiệu quả trong thời gian tới, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã được Đảng và Nhà nước giao phó, đặc biệt là Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Nâng cao nhận thức toàn xã hội về vai trò của KH&CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&CN tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ. Khẩn trương hoàn thành việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy sau sáp nhập, đảm bảo hoạt động ổn định, hiệu lực, hiệu quả. Coi đây là cơ hội để tái cấu trúc ngành, lĩnh vực; sàng lọc, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, có năng lực, tư duy đổi mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nặng nề trong giai đoạn mới, đảm bảo tính kế thừa và liên tục.

Tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22 tháng 12 năm 2024 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 193/2024/QH15 ngày 19 tháng 2 năm 2025 của Quốc hội và Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2025 của Chính phủ. Nâng cao nhận thức toàn xã hội về vai trò của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đặt người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, nhà khoa học là nhân tố then chốt, nhà nước đóng vai trò kiến tạo.

Xây dựng chương trình hành động cụ thể, có lộ trình, phân công trách nhiệm rõ ràng; thiết lập cơ chế theo dõi, đôn đốc, đánh giá việc thực hiện khoảng 180 nhiệm vụ quan trọng đã được xác định (bao gồm cả các nhiệm vụ trong Nghị quyết 57 và các nhiệm vụ bổ sung), đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, đặc biệt là các nhiệm vụ có thời hạn trong năm 2025.

Bộ KH&CN cần đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật: Rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng đồng bộ, thống nhất, tháo gỡ các rào cản, điểm nghẽn. Loại bỏ tư duy "không quản được thì cấm", đề cao tính linh hoạt, tạo môi trường pháp lý thuận lợi, trở thành lợi thế cạnh tranh. Tập trung hoàn thiện hồ sơ các dự án Luật trình Quốc hội thông qua trong năm 2025. Hoàn thiện thể chế về phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia, sàn giao dịch dữ liệu; xây dựng cơ chế thử nghiệm chính sách mới (sandbox) cho công nghệ mới; hoàn thiện khung pháp lý về sở hữu trí tuệ (nghiên cứu phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục để xử lý nhanh chóng, hiệu quả).

Phát triển hạ tầng số và công nghệ chiến lược. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tuyến cáp quang biển mới, triển khai mạng 5G toàn quốc. Xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn, hiện đại. Đầu tư phát triển các công nghệ mũi nhọn, chiến lược (AI, bán dẫn, hydrogen, sản xuất thông minh...). Đảm bảo hạ tầng số được đầu tư đồng bộ, hiện đại, làm nền tảng cho phát triển kinh tế số, xã hội số, chính phủ số.

Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Tập trung nghiên cứu KH&CN và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Ưu tiên các ngành công nghệ chiến lược. Thúc đẩy liên kết ba nhà (Nhà nước - Nhà khoa học - Doanh nghiệp), lấy ứng dụng thực tiễn làm thước đo hiệu quả nghiên cứu. Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài KH&CN trong và ngoài nước (đặc biệt là trí thức Việt kiều).

Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan sớm xây dựng, ban hành tiêu chí xác định chuyên gia, nhà khoa học để thực hiện chính sách miễn thị thực nhập cảnh. Có cơ chế tài trợ đặc biệt cho các nhóm nghiên cứu xuất sắc; cơ chế ghi nhận, tôn vinh xứng đáng các nhà khoa học. Phấn đấu đạt các mục tiêu Nghị quyết 57 đề ra đến năm 2030 (chi cho R&D đạt 2% GDP, nhân lực R&D đạt 12 người/1 vạn dân).

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Nâng cao vai trò của khu vực kinh tế tư nhân. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho R&D và đổi mới sáng tạo. Có chính sách khuyến khích thu hút FDI công nghệ cao, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và tạo sự liên kết thực chất giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách để hình thành và vận hành hiệu quả các quỹ (Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, xem xét các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo).

Sửa đổi, bổ sung Quyết định số 20/2020/QĐ-TTg về mã định danh điện tử của các cơ quan, tổ chức phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng vừa ký Quyết định số 09/2025/QĐ-TTg ngày 14/4/2025 sửa đổi, bổ sung Quyết định số 20/2020/QĐ-TTg ngày 22/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về mã định danh điện tử của các cơ quan, tổ chức phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương.

Cụ thể, Quyết định số 09/2025/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Mã cấp 1 của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan, đơn vị khác do Thủ tuớng Chính phủ quyết định thành như sau:

(Ghi chú: Các mã: G04, G05, G07, G13, G14, G23, G24, G25, G26, G34, G36, G37 được đóng.)

(Ghi chú: Các mã: G04, G05, G07, G13, G14, G23, G24, G25, G26, G34, G36, G37 được đóng.)

Quyết định số 09/2025/QĐ-TTg cũng sửa đổi mã cấp 1 của Ủy ban nhân dân Thành phố Huế là H57, mã cấp 1 của Hội đồng nhân dân Thành phố Huế là K57.

Quyết định số 09/2025/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành từ ngày 14/4/2025.

Quyết định cũng hướng dẫn cụ thể trường hợp sáp nhập các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành một tỉnh, thành phố.

Cụ thể, trường hợp tên tỉnh, thành phố mới trùng với tên của một trong các tỉnh, thành phố trước khi sáp nhập, thì tỉnh, thành phố mới sẽ sử dụng Mã cấp 1 của tỉnh, thành phố trước khi sáp nhập trùng tên, Mã cấp 1 của tỉnh, thành phố trước khi sáp nhập còn lại sẽ bị đóng.

Trường hợp tên tỉnh, thành phố mới không trùng với tên các tỉnh, thành phố trước khi sáp nhập, thì tỉnh, thành phố mới sử dụng Mã cấp 1 của một trong các tỉnh, thành phố trước khi sáp nhập, Mã cấp 1 của tỉnh, thành phố trước khi sáp nhập còn lại sẽ bị đóng.

Phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Phật Tích, tỉnh Bắc Ninh

Phó Thủ tướng Mai Văn Chính vừa ký Quyết định số 757/QĐ-TTg ngày 14/4/2025 phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Phật Tích, tỉnh Bắc Ninh (Quy hoạch).

Mục tiêu quy hoạch nhằm bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc - nghệ thuật của Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Phật Tích; bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái, các di vật, bảo vật quốc gia và các giá trị di sản văn hóa phi vật thể gắn với di tích.

Đồng thời, hình thành điểm du lịch văn hóa, tín ngưỡng và cảnh quan sinh thái của tỉnh Bắc Ninh và toàn vùng châu thổ sông Hồng; kết nối Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Phật Tích với các điểm tham quan, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh và vùng phụ cận để tạo chuỗi sản phẩm du lịch phong phú, đặc sắc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bên cạnh đó, xác định và điều chỉnh ranh giới khu vực bảo vệ di tích; làm cơ sở để khoanh vùng bảo vệ di tích, cắm mốc giới bảo vệ và quản lý di tích. Hình thành các phân khu chức năng, khu vực bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái và chỉ tiêu sử dụng đất cho khu vực di tích. Tổ chức không gian và bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật phù hợp với các giai đoạn bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.

Làm căn cứ pháp lý để lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích gốc và các hạng mục công trình xây dựng mới tại chùa Phật Tích; xây dựng các công trình phụ trợ, hạ tầng kỹ thuật và cảnh quan khuôn viên di tích, các công trình phục vụ du khách.

Tăng diện tích khu vực bảo vệ của Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Phật Tích

Một trong những nội dung quy hoạch là điều chỉnh quy mô khu di tích. Theo đó, điều chỉnh tăng diện tích khu vực bảo vệ của Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Phật Tích, nhằm khắc phục những hạn chế hiện có, bảo vệ toàn diện yếu tố gốc, mở rộng không gian cảnh quan, văn hóa truyền thống và nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ di tích.

Cụ thể, điều chỉnh tăng diện tích Khu vực bảo vệ I thành 1,28 ha (tăng 0,05 ha so với diện tích được xác định trong hồ sơ khoa học xếp hạng di tích); điều chỉnh tăng diện tích Khu vực bảo vệ II thành 15,24 ha (tăng khoảng 14,46 ha so với diện tích được xác định trong hồ sơ khoa học xếp hạng di tích).

Quy hoạch phân khu chức năng

Theo quy hoạch, vùng bảo vệ di tích có diện tích 16,52 ha, gồm:

Khu vực bảo vệ I, diện tích 1,28 ha: Là khu vực bảo vệ nghiêm ngặt các yếu tố gốc của di tích; gồm các công trình hiện hữu: Gác chuông, tam bảo (tiền đường, thiêu hương, chân tháp cổ, thượng điện), hậu đường, hai dãy hành lang, phủ chúa, nhà tổ, nhà mẫu, giảng đường và trai đường, ao rồng, vườn tháp, nhà soạn lễ, quan âm viện, nhà khách.

Khu vực bảo vệ II, diện tích 15,24 ha: Là khu vực bảo vệ cảnh quan và phát huy giá trị tích; gồm: núi Phật Tích (tính từ độ cao 33 m theo mực nước biển trở lên), tứ trụ, hồ nước (hồ Đông, hồ Tây), các công trình hiện hữu (gồm: giếng rồng, nhà trưng bày di tích, nhà tăng, nhà bếp, nhà vệ sinh, sân di tích); công trình đình làng Phật Tích (phục dựng).

Vùng phát huy giá trị di tích, diện tích 8,43 ha: Bố trí các cơ sở dịch vụ và không gian công cộng phục vụ khách du lịch và người dân địa phương.

Vùng đệm bảo vệ cảnh quan di tích, diện tích 8,71 ha: Là các khu vực còn lại thuộc núi Phật Tích (tính từ độ cao 33 m theo mực nước biển trở xuống đến ranh giới quy hoạch); có biện pháp bảo vệ, tôn tạo để hình thành vùng đệm cảnh quan sinh thái gắn với bảo vệ thiên nhiên và phát triển du lịch bền vững.

Bảo vệ nguyên trạng các di tích gốc, các di vật, cổ vật, bảo vật thuộc di tích

Về quy hoạch tổ chức không gian bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích, Quy hoạch nêu rõ: Bảo vệ nguyên trạng các di tích gốc, các di vật, cổ vật, bảo vật thuộc di tích. Giữ gìn cảnh quan tự nhiên, cảnh quan văn hóa, môi trường sinh thái của di tích gắn với bảo vệ núi Phật Tích.

Tu bổ, tôn tạo và phục hồi di tích trên cơ sở tài liệu, tư liệu lịch sử, hồ sơ khoa học của di tích, bảo đảm yêu cầu về kỹ thuật, mỹ thuật và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể gắn với di tích.

Các công trình xây dựng mới nhằm phát huy giá trị di tích phải bảo đảm quy mô phù hợp với tổng thể không gian của di tích, không ảnh hưởng đến kiến trúc cảnh quan chung, không tác động xấu đến di tích và các hoạt động, sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng tại di tích.

Định hướng phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch

Về định hướng phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch, tập trung thu hút thị trường khách gần như khách nội tỉnh, khách từ thủ đô Hà Nội và khách từ các tỉnh lân cận. Chú trọng khách du lịch lễ hội, sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng và khách du lịch cuối tuần.

Sản phẩm du lịch chủ yếu là du lịch tham quan, tìm hiểu giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương và thiên nhiên vùng núi Phật Tích; du lịch chuyên đề gắn với hoạt động trải nghiệm sinh hoạt tôn giáo, văn hóa dân gian.

Du lịch lễ hội, đa dạng hóa các hoạt động trong lễ hội truyền thống chùa Phật Tích. Phát triển các sự kiện văn hóa, du lịch gắn với các lễ hội dân gian, lễ hội truyền thống địa phương.

Hình thành tuyến du lịch chuyên đề chùa cổ Việt Nam kết nối chùa Phật Tích với chùa Dâu, chùa Bút Tháp (Thuận Thành); chùa Tiêu (Từ Sơn),...; tuyến du lịch lễ hội, du xuân; tuyến du lịch sông Đuống.

PV

Nguồn Bảo Vệ Công Lý: https://baove.congly.vn/chi-dao-dieu-hanh-cua-chinh-phu-thu-tuong-chinh-phu-ngay-14-4-2025-475237.html