Chỉ đạo hợp lòng dân về đặt tên xã, tên phường sau sáp nhập

Việc đặt tên xã, phường mới gắn với địa danh, lịch sử, văn hóa là phù hợp với yêu cầu thực tiễn, bởi tên đất, tên làng sẽ theo người dân như một phần máu thịt...

Tên xã, phường mới sẽ gắn với địa danh, lịch sử, văn hóa (ảnh minh họa)

Tên xã, phường mới sẽ gắn với địa danh, lịch sử, văn hóa (ảnh minh họa)

Tối muộn 22/4, nhiều cơ quan huyện vẫn họp về việc đặt tên cho xã, phường mới sau sáp nhập gắn với địa danh, lịch sử, văn hóa theo chỉ đạo cùng ngày của Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương.

Đây là hành động kịp thời, hợp lòng dân trong bối cảnh cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đang diễn ra hết sức khẩn trương.

Trước đó, đề án sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Hải Dương đưa ra lấy ý kiến đã được đông đảo cử tri đồng thuận. Tuy nhiên cũng còn những ý kiến băn khoăn về tên xã, tên phường mới sau sáp nhập được đặt theo tên huyện, thị xã, thành phố gắn với số thứ tự.

Trên các diễn đàn mạng xã hội, nhiều cử tri phân tích việc gắn số thứ tự làm cho các địa danh trở nên khô cứng, không phản ánh được lịch sử, văn hóa lâu đời của các địa phương, nét khác biệt của từng vùng. Chưa kể, các con số còn dễ gây nhầm lẫn.

Nghị quyết số 76 ngày 14/4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính các cấp năm 2025 nêu: tên của đơn vị hành chính cấp xã cần dễ đọc, dễ nhớ, ngắn gọn, bảo đảm tính hệ thống, khoa học, phù hợp với các yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương và được nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ.

Nghị quyết này, cũng như gợi ý trước đó của Bộ Nội vụ cũng đề cập đến việc khuyến khích đặt tên của đơn vị hành chính cấp xã theo số thứ tự hoặc theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin.

Vì sao lại khuyến khích đặt tên gắn với tên đơn vị hành chính cấp huyện cũ? Đó là bởi khi tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, các tên huyện sẽ không còn nữa. Giữ lại tên huyện để dễ khoanh vùng các xã thuộc cùng địa bàn cũ, dễ cập nhật dữ liệu thông tin. Đây cũng là cách để hoài niệm tên gọi về một vùng đất rộng hơn từng tồn tại trong tâm khảm nhiều thế hệ.

Thế nhưng khi gắn với các con số, các tên xã, phường mới theo cách này lại chưa bảo đảm được yêu cầu thứ nhất, đó là “dễ nhớ”, “phù hợp với các yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương” và “được nhân dân đồng tình ủng hộ”.

Vì vậy, việc thay đổi, đặt tên xã mới, phường mới gắn với địa danh, lịch sử, văn hóa là cách làm phù hợp hơn.

Ảnh: INTERNET

Ảnh: INTERNET

Trước Hải Dương, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác cũng đặt tên gắn với địa danh, lịch sử, văn hóa. Tôi rất ấn tượng với cách đặt tên 3 phường mới sau sáp nhập của TP Uông Bí (Quảng Ninh) là Uông Bí, Yên Tử và Vàng Danh. Cả ba cái tên đều gắn với những tên gọi nổi tiếng, được nhiều người biết đến của địa phương. Tại TP Hồ Chí Minh, những cái tên như Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn đã được đặt cho tên phường. Một số tỉnh như Quảng Nam, Quảng Ngãi… xây dựng đề án, đặt tên xã, phường mới kiểu tên đơn vị hành chính cấp huyện kèm số thứ tự cũng đã kịp thời chỉ đạo điều chỉnh, đặt lại tên gắn với địa danh lịch sử, văn hóa. Ngay sau khi Hải Dương thay đổi chủ trương, Hải Phòng cũng đã chỉ đạo đặt tên xã, phường theo địa danh, lịch sử, văn hóa.

Chỉ đạo mới của Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương về việc đặt tên xã, phường sau sắp xếp, sáp nhập cho thấy các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã lắng nghe ý kiến của cử tri, cân nhắc, nắm bắt, áp dụng những cách làm hợp lý từ các địa phương bạn. Không chỉ thể hiện tinh thần cầu thị, những điều chỉnh kịp thời này còn thể hiện sự dũng cảm, quyết đoán trong chỉ đạo, điều hành.

Trong bối cảnh “vừa chạy, vừa xếp hàng”, việc điều chỉnh tên gọi xã, phường mới cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn là việc nên làm bởi tên đất, tên làng sẽ theo người dân như một phần máu thịt của họ.

Xin được dẫn mấy vần thơ trong trường ca Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm để thay cho lời kết:

“Những địa danh trôi từ thuở xa xôi

Trôi bằng máu và trôi bằng nước mắt

Đã đọng lại thành tên người, tên đất

Bao năm rồi suốt mặt pha, triền sông”.

HOÀI ANH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/quyet-dinh-hop-long-dan-ve-dat-ten-xa-ten-phuong-sau-sap-nhap-410028.html