Tháo 'điểm nghẽn' khởi nghiệp

Khát vọng khởi nghiệp trong sinh viên chưa bao giờ thiếu, nhưng hành trình hiện thực hóa ý tưởng còn nhiều điểm nghẽn...

Một dự án khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo được trưng bày tại Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VII. Ảnh: Lê Nam

Một dự án khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo được trưng bày tại Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VII. Ảnh: Lê Nam

Điểm nghẽn từ cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo đến kết nối thực tiễn. Mở khóa cho hệ sinh thái khởi nghiệp đại học cần bắt đầu bằng tư duy đổi mới và cơ chế đồng hành thiết thực.

Thiếu thực tiễn, yếu đầu tư

Ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả (TPHCM) cho rằng, bên cạnh những kết quả tích cực mà ngành Giáo dục đạt được thời gian qua, cần thẳng thắn nhìn nhận điểm hạn chế.

Với kinh nghiệm thực tế tham gia hội đồng trường, hội đồng khoa học của một số trường đại học, ông Hoàng cho rằng, cơ sở vật chất và môi trường học tập của nhiều trường đại học, cao đẳng chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Phần lớn các cơ sở đào tạo hiện nay thiếu phòng thí nghiệm, xưởng thực hành và không gian trải nghiệm thực tế cho sinh viên.

Quá trình chuyển đổi số trong giáo dục, dù đã đề cập nhiều năm nay, vẫn chưa được triển khai đồng bộ, bài bản. Sinh viên thiếu các công cụ hỗ trợ thực hành, đổi mới và sáng tạo. Từ thực trạng trên, nhiều bạn trẻ tuy có tiềm năng, ý tưởng khởi nghiệp nhưng chỉ tồn tại trên giấy. Bởi họ thiếu nền tảng thực tiễn để phát triển thành sản phẩm hoặc mô hình kinh doanh cụ thể, tạo ra giá trị thực sự.

Một trong những hạn chế hiện nay tại các trường đại học có tác động không nhỏ đến tiềm năng khởi nghiệp của sinh viên là chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Nhiều giảng viên hạn chế về kỹ năng thực tiễn nhưng được giao giảng dạy môn học có tính ứng dụng cao, đòi hỏi kinh nghiệm thực chiến.

Ông dẫn chứng cụ thể trường hợp môn Quản lý dự án. Người giảng dạy chưa từng trực tiếp quản lý dự án nào, nhưng lại đứng lớp giảng bài cho cán bộ, kỹ sư - người đã tham gia phụ trách hàng trăm công trình trải dài trên khắp cả nước.

Báo cáo kết quả thực hiện Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” theo Quyết định 1665/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2017 (Đề án 1665) do Bộ GD&ĐT công bố cho thấy, bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên còn tồn tại nhiều điểm nghẽn.

Cụ thể, nhiều ý tưởng khởi nghiệp của các bạn trẻ chỉ dừng lại ở mức sáng tạo trên giấy, chưa chuyển hóa thành sản phẩm, dịch vụ có khả năng triển khai trong thực tiễn. Thiếu kiến thức, trải nghiệm và kỹ năng mềm là ba “góc khuyết” lớn trong hành trang khởi nghiệp của thế hệ trẻ.

Số lượng ý tưởng được phát triển thành dự án cụ thể, nhận đầu tư và có khả năng thương mại hóa còn khiêm tốn. Ngoài ra, thiếu hụt các nguồn đầu tư mạo hiểm cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng rào cản đối với khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên.

 Ban giám khảo nghe sinh viên thuyết trình các dự án tại Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” (SV_STARTUP) lần thứ VII.

Ban giám khảo nghe sinh viên thuyết trình các dự án tại Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” (SV_STARTUP) lần thứ VII.

Giải pháp hỗ trợ

Tại Hội thảo với chủ đề “Giải pháp đột phá thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học” trong khuôn khổ sự kiện Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VII vừa diễn ra tại TPHCM, PGS.TS Nguyễn Anh Thi - cố vấn cấp cao Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư tại TPHCM, chia sẻ quan điểm về sự cần thiết của những giải pháp mới mẻ trong hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp.

Theo ông Thi, sau hơn 7 năm triển khai Đề án 1665, đến lúc phải đưa ra những giải pháp mang tính đột phá. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Nghị quyết 57-NQ/TW về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia của Bộ Chính trị đã tạo ra hành lang chính sách thuận lợi cho các hoạt động khởi nghiệp.

PGS.TS Nguyễn Anh Thi nhấn mạnh, giáo dục đại học, cũng như giáo dục nói chung, đóng vai trò quyết định trong sự hưng thịnh một quốc gia. Ông khẳng định, để đạt được đổi mới sáng tạo thực chất và bền vững, cần bắt đầu từ đổi mới trong giáo dục.

Tuy nhiên, ông Thi dẫn chia sẻ từ nhiều giảng viên đang dẫn dắt phong trào khởi nghiệp trong các trường đại học cho thấy, hiện còn nhiều lúng túng trong việc thống nhất khái niệm “giáo dục khởi nghiệp” tại các cơ sở đại học.

Với vai trò đào tạo nguồn tài năng, bao gồm doanh nhân, nhà quản lý, nhà công nghệ - nơi sở hữu các nguồn lực quan trọng như công nghệ, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm…, trường đại học cần trở thành hạt nhân trong hệ sinh thái khởi nghiệp. “Câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để cộng đồng khởi nghiệp có thể bước vào nhà trường, khai thác và sử dụng hiệu quả những nguồn lực quý giá này?”, ông Thi nói.

TS Nguyễn Văn Tân - Trưởng khoa Quản trị - Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Lạc Hồng (Đồng Nai) đồng quan điểm khi cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, giáo dục đại học đứng trước nhiều yêu cầu cấp thiết cần được nhìn nhận và hành động toàn diện.

Đại học phải trở thành “lò ấp tư duy đổi mới”, nơi khơi dậy và nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo trong sinh viên, mở ra không gian để những ý tưởng đột phá được hình thành và phát triển. Đồng thời, trường học cần đóng vai trò như “vườn ươm khát vọng khởi nghiệp”, không nên chỉ dừng lại ở việc đào tạo những người làm thuê chất lượng cao, cần hướng đến nuôi dưỡng các nhà khởi nghiệp.

Trong bối cảnh thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong các trường đại học, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi nhấn mạnh trường đại học không chỉ là nơi truyền thụ kiến thức, mà còn phải khơi dậy tinh thần sáng tạo và đam mê học tập của sinh viên. Giảng đường đại học cần hiện thực hóa ước mơ của người học - những ước mơ không viển vông, mà được xây dựng trên nền tảng vững chắc của tri thức và khoa học.

Sinh viên không nên bị quản lý bằng những phương pháp hành chính khô cứng. Giá trị đầu ra sinh viên cần được đánh giá thông qua sản phẩm, năng lực mà họ hình thành trong quá trình học tập và nghiên cứu. Trong hành trình đó, giảng viên không chỉ đóng vai trò truyền đạt kiến thức, mà còn là người đồng hành, cộng sự, truyền cảm hứng và dẫn dắt sinh viên.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong nhà trường. Hệ sinh thái đó phải là một tập thể gắn kết của trí tuệ, hợp tác, quyết tâm và sự đồng hành từ nhiều phía (nhà trường, giảng viên, sinh viên đến doanh nghiệp và xã hội).

Một số chuyên gia đề xuất, tăng cường ứng dụng công nghệ AI, blockchain và các nền tảng mở nhằm quản lý, theo dõi, đánh giá và kết nối các dự án khởi nghiệp trên phạm vi toàn quốc. Nâng cao nhận thức về khởi nghiệp cho đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên và sinh viên cũng là nhiệm vụ cấp thiết.

Đặc biệt, sự thay đổi từ đội ngũ giảng viên - những người thầy trong nhà trường, được xem như yếu tố cốt lõi trong việc đổi mới tư duy khởi nghiệp. Cùng đó, phát triển đội ngũ mentor (người tư vấn, hướng dẫn) có kiến thức và kỹ năng về khởi nghiệp và công nghệ rất quan trọng…

Mạnh Tùng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thao-diem-nghen-khoi-nghiep-post728305.html