Chị Đinh Tuyết Nhung vinh dự nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2021
Tối 24/12, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức “Liên hoan Thanh niên nông thôn toàn quốc và trao Giải thưởng Lương Định Của lần thứ XVI, năm 2021”. 57 nhà nông trẻ tiêu biểu vinh dự nhận giải. Tỉnh Bắc Kạn có chị Đinh Tuyết Nhung (SN 1991) – Giám đốc Hợp Tác xã Nhung Lũy, xã Yến Dương (Ba Bể).
Con đường khởi nghiệp của chị Đinh Tuyết Nhung bắt đầu từ năm 2014. Khi nhìn thấy ưu thế về đất đai cũng như điều kiện tự nhiên thuận lợi, chị đã cùng chồng mạnh dạn đầu tư vốn để xây dựng trang trại chăn nuôi lợn, với quy mô hơn 250 con lợn thịt và hàng chục con lợn nái sinh sản.
Nhận thấy vào dịp cuối năm, các gia đình thường chế biến lạp sườn, thịt gác bếp, một món ăn truyền thống của người địa phương để làm quà biếu, chị đã học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước và bắt tay vào làm những mẻ lạp sườn, thịt gác bếp đầu tiên, pha chế theo công thức, tỷ lệ nhất định, tạo ra sản phẩm thơm ngon, hợp khẩu vị với đa số người tiêu dùng. Từ đây, chị Nhung đã thành lập HTX Nhung Lũy do chị làm Giám đốc. Chỉ tính riêng dịp Tết Nguyên đán 2019, HTX của chị đã sản xuất được 1,5 tấn lạp sườn và thịt gác bếp thành phẩm, tiêu thụ chủ yếu tại các thị trường Hà Nội, Thái Nguyên, Ninh Bình, Thanh Hóa...
Không chỉ dừng lại trong phạm vi hoạt động của HTX, chị Nhung còn liên kết với nhiều HTX trong và ngoài tỉnh bằng những ý tưởng độc đáo. Hiện, chị đang kết nối với một HTX ở Thái Nguyên để thu mua nguyên liệu chè đạt chuẩn VietGAP, tiến hành sản xuất chè đinh dạng túi lọc; liên kết với HTX Dược liệu Bảo Châu (huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn) để sản xuất các loại trà thanh nhiệt như: Trà hạt muồng, giảo cổ lam. Mô hình sản xuất theo chuỗi của HTX đã cho thu về mỗi năm trên 1 tỷ đồng.
Hiện nay, HTX Nhung Lũy đang hoạt động sản xuất, kinh doanh: Chăn nuôi lợn quy mô 450 con/năm; trồng trọt diện tích 50ha (gồm: bí, đậu đỗ các loại, hoa quả, cây nông nghiệp, dược liệu (giảo cổ lam), cây lâm nghiệp 30ha) và chế biến sản phẩm nông nghiệp mang lại doanh thu bình quân trên 10 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 14 lao động chính thức và 16 lao động thời vụ với thu nhập bình quân là 4,5 triệu đồng/tháng/lao động. Hoạt động hiệu quả của HTX đã đóng góp thiết thực vào các vấn đề giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, đổi mới tư duy sản xuất của người dân, góp phần không nhỏ vào phát kiển kinh tế- xã hội địa phương.
Năm 2021, Ban Tổ chức Giải thưởng nhận được 93 hồ sơ từ 49 tỉnh, thành đoàn; từ đó lựa chọn 57 gương thanh niên nông thôn tiêu biểu để trao Giải thưởng Lương Định Của lần thứ XVI. Về kết quả sản xuất, kinh doanh của các thanh niên được nhận giải thưởng, có 1 mô hình đạt doanh thu 144 tỷ đồng/năm; 1 mô hình đạt doanh thu 120 tỷ đồng/năm; 7 mô hình đạt doanh thu từ 10-30 tỷ đồng/năm; 48 mô hình có doanh thu từ 1 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng/năm. Đây là những thanh niên có phẩm chất đạo đức tốt, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, đạt thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, kinh doanh, phát triển ngành nghề nông thôn và xây dựng nông thôn mới…/.