Chi hội trưởng thành lập hợp tác xã, tạo việc làm cho hàng trăm phụ nữ nông thôn
'Là Chi hội trưởng, tôi thấy chị em hội viên ngoài việc cấy lúa trồng màu, canh tác vườn ao chuồng, cần có thêm công việc phụ để tận dụng thời gian nhàn rỗi, kiếm thêm thu nhập. Đó là lý do tôi quyết định khởi nghiệp ở vùng nông thôn quê mình'.
Chị Vũ Thị Thúy- Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Định Cư Đông, Giám đốc kiêm Chủ tịch hội đồng quản trị Hợp tác xã sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Đông Trà (xã Đông Trà, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) - chia sẻ khi vừa được Hội LHPN tỉnh Thái Bình vinh danh trong Hội nghị biểu dương phụ nữ khởi nghiệp tiêu biểu.
Muốn mang nhiều hơn lợi ích kinh tế cho hội viên, phụ nữ ở quê mình
Ý tưởng khởi nghiệp của chị Vũ Thị Thúy cũng đơn giản, chị kể: "Việc phát triển kinh tế gia đình của người dân địa phương chủ yếu từ nông nghiệp, hội viên, phụ nữ luôn chịu thương, chịu khó nhưng cuộc sống vẫn gặp nhiều khó khăn. Tôi thấy ngoài việc cấy lúa trồng màu, canh tác vườn ao chuồng, cần phải tìm thêm việc phụ để tận dụng thời gian nhàn rỗi của các chị em trong Chi hội. Tôi đã tìm được công việc phù hợp với chị em để khởi nghiệp, đó là móc sợi, đan các loại hộp mây tre đan. Với công việc này, chị em vừa có thể chăm con cái, gia đình, vừa có thêm thu nhập".
Được sự hỗ trợ của Ban chấp hành Hội LHPN xã Đông Trà, chị đã ký những hợp đồng đầu tiên với công ty Thanh Bình và doanh nghiệp Tây An để bao tiêu sản phẩm cho cơ sở sản xuất. Đồng thời, chị vận động hội viên Chi hội đi học nghề.
Chị Thúy cho biết: "Những ngày đầu học nghề, các chị em đều thấy khó nhưng với sự kiên trì, nỗ lực học hỏi, lớp học nghề mây tre đen, mỹ nghệ rồi cũng thành công. Lúc đầu chỉ có 10 hội viên học nghề và cùng tôi làm nghề. Dần dần, được sự hỗ trợ của Hội LHPN xã Đông Trà, cơ sở làm nghề của tôi có thêm nhiều chị em đến xin học nghề và cùng vào cở sở làm nghề".
Theo chị Thúy, sinh ra và lớn lên ở chính mảnh đất này, chị là cán bộ Hội, cũng là phụ nữ nông thôn, từ sự ổn định của cơ sở móc sợi, đan các loại hộp mỹ nghệ đã cho thu nhập, song chị vẫn luôn trăn trở muốn mang nhiều hơn lợi ích kinh tế cho hội viên phụ nữ ở quê mình. "Tôi nghĩ, phải phát triển cơ sở làm nghề của mình thành một tổ chức có tư cách pháp nhân mới có nhiều điều kiện để liên kết, huy động sức lực, trí tuệ của một số chị em có cùng ý tưởng như tôi", chị Thúy bộc bạch.
Năm 2021, dưới sự giúp đỡ của Hội LHPN các cấp tỉnh Thái Bình, sự kết nối cùng 2 cơ sở thêu ren và đan móc hộp khác, chị Thúy đã mạnh dạn thành lập "HTX sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Đông Trà", với30 thành viên cố định làm việc.
Học hỏi từ việc nhỏ nhất để quản lý Hợp tác xã
Ngày đầu thành lập, chị em đang quen với sự quản lý tự do, tự thu, tự chi theo từng hộ gia đình, chỉ kết nối với cơ sở sản xuất bằng sản phẩm, nên lúc này nảy sinh một số khó khăn cho Ban quản lý theo quy định mới của HTX.
Chị Thúy nhớ lại: "Khi ấy, chúng tôi xác định phải học hỏi, nghiên cứu để quản lý HTX và hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Các thành viên trong Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát đều phải học hỏi thêm, cùng với sự hướng dẫn của các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh, chúng tôi dần quen với cách quản lý mới của HTX. Đồng thời tìm thêm việc làm, nghề mới giúp chị em tăng thu nhập".
Vừa học hỏi cách quản lý mới, chị Thúy vừa tìm thêm các mối quan hệ để mở rộng việc ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn để HTX có đủ nguyên, vật liệu sản xuất các loại sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Đến nay, Hợp tác xã của chị Thúy đã tạo việc làm cho hơn 200 hội viên, phụ nữ lúc nông nhàn, cho thu nhập từ 2,5 đến 3 triệu đồng/tháng. Doanh thu của HTX ngày càng tăng, năm đầu mới thành lập doanh thu 7,78 tỷ đồng. Đến năm 2022, HTX sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Đông Trà có doanh thu gần 13 tỷ đồng, đảm bảo quyền lợi đầy đủ cho các thành viên HTX.
Bí quyết khởi nghiệp của chị Vũ Thị Thúy - Giám đốc kiêm Chủ tịch hội đồng quản trị Hợp tác xã sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Đông Trà:
- Phải biết vượt qua mọi khó khăn, thử thách từ lúc thành lập cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, đến khi thành lập HTX có hàng trăm nhân viên lao động.
- Với người quản lý cơ sở sản xuất hay HTX, đều cần có sự say nghề và luôn cố gắng học hỏi, tìm các nghề mới phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước; phù hợp với thời gian của các chị em nông nhàn tại quê hương mình.
- Để chị em yên tâm gắn bó với HTX, ngoài chăm sóc, quan tâm đến người lao động, đến tâm tư tình cảm của từng thành viên, của gia đình họ, chị còn phải nỗ lực đầu tư mở rộng thị trường, tạo việc làm đầy đủ và trả lương, thưởng đúng hạn cho chị em. Có thể trong một số khâu sản xuất đòi hỏi sự chịu khó, bền bỉ về thời gian của chị em nhưng nếu có tiền lương phù hợp với công sức lao động bỏ ra, chị em sẽ gắn bó lâu dài với HTX.
- Để HTX phát triển ổn định lâu dài và mở rộng thị trường hơn nữa, thành viên HTX cần thường xuyên được tập huấn, trang bị kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn hiện đại, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường và xã hội.