Chỉ là...lùi xa quá khứ

Tôi đã từng nghe một câu nói đại loại là: Những người đã từng tham gia chiến tranh ác liệt thì họ chỉ có thể có một cuộc sống lùi xa quá khứ, chứ không phải hướng tới tương lai mà vốn dĩ nó phải thế. Lúc ấy, tôi có suy nghĩ rằng câu nói này có vẻ hơi chủ quan và tiêu cực. Cho đến một ngày, khi gặp hàng trăm thương binh nặng tại Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng người có công Thanh Hóa; được chứng kiến cuộc sống của họ, trò chuyện cùng họ, ngậm cười cùng họ thì tôi mới thấm thía câu nói trên.

Trong số 223 đối tượng đang được Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng người có công, thuộc Sở Nội vụThanh Hóa (đặt tại phường phường Sầm Sơn, Thanh Hóa), quản lý thì có tới gần 70 thương binh, bệnh binh tâm thần; lúc họ khóc, lúc cười, lúc ngỡ mình đã chết, khi tưởng mình còn chiến đấu trong quân ngũ, vẫn vác súng bắn và vội vàng ngã vật ra như đã bị trúng đạn, trúng bom mìn...Những cảnh tượng ấy khiến tôi, trong phút chốc bàng hoàng nghĩ như mình cũng đang chứng kiến trận chiến ác liệt. Mọi thứ trong tâm trí nửa tỉnh, nửa mơ của những người thiếu may mắn ấy giường như vẫn vẹn nguyên như chính những vết thương, những di chứng của chiến tranh còn hằn in trên những cơ thể gầy gò, mỏng manh ấy.

Còn những đối tượng bị nhiễm chất độc Dacam/Diôxin là những người bị bệnh từ bào thai, do đó, đa dạng các loại có diễn biến bệnh tật rất phức tạp, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn thần kinh, tâm sinh lý thường xuyên khó chịu, bức xúc, kích động...

 Đảng, Nhà nước, các cơ quan ban ngành, và toàn xã hội luôn quan tâm đến những người có công.

Đảng, Nhà nước, các cơ quan ban ngành, và toàn xã hội luôn quan tâm đến những người có công.

Ông Trịnh Văn Cường, Trưởng phòng Thương binh bệnh binh tâm thần của Trung tâm cho biết, hiện tại Trung tâm quản lý 223 đối tượng (bao gồm: đối tượng chính sách người có công, thương binh, bệnh binh tâm thần, thương tật nặng, thân nhân liệt sỹ già cả, cô đơn, con liệt sỹ bị tàn tật…). Các đối tượng ở đây đa số nhớ về quá khứ, nhớ về thời chiến tranh; nhiều lúc đang ngồi yên lại đứng phắt dậy hô “xung phong, bắn” rồi xếp hàng... Kể cả những thương, bệnh binh tâm thần nhưng vẫn có lúc nhớ nhớ, quên quên.

Anh Cường thật thà bảo: “Ở đây cán bộ bị chửi bới, đánh đập là chuyện bình thường. Với những thương binh tâm thần hay có biểu hiện chửi bới, la hét, đi lại tung tăng còn đỡ. Những người lầm lì, không nói năng gì nhưng bỗng nhiên đánh người, khiến chúng tôi không kịp trở tay. Cách đây mấy năm, anh Lê Đức Tuấn (cán bộ của Trung tâm) bị một thương binh tâm thần đánh gãy cả sống mũi phải đưa đi Hà Nội cấp cứu. Hiện anh đang hưởng phụ cấp tai nạn nghề nghiệp.”

Những thương, bệnh binh ở đây, mỗi người có một hoàn cảnh gia đình khác nhau nhưng chủ yếu là thương tật, gia đình không có điều kiện chăm sóc, phục vụ nên phải nhờ vào nhà nước. Ngoài việc chăm sóc tại Trung tâm thì nhân viên Y tế ở đây vẫn phải thường xuyên đưa các đối tượng đi bệnh viện để điều trị khi bệnh tiến triển nặng, từ bệnh viện tuyến huyện, tỉnh đến trung ương. Nhiều hoàn cảnh rất vất vả, éo le khi cả vợ chồng hoặc bố con đều nằm trong này. Đơn cử như thương binh Vũ Quốc Nghĩa (sinh năm 1950) có hai người con bị chất độc màu da cam; 3 người họ đều đang điều trị ở Trung tâm. Trong khi vợ ông Nghĩa thì bị ung thư đang nằm ở nhà.

 Nhân viên Y tế chăm sóc cho các đối tượng tại Trung tâm.

Nhân viên Y tế chăm sóc cho các đối tượng tại Trung tâm.

Trong tổng số hơn 90 cán bộ tại Trung tâm thì có tới 2/3 là nữ, họ đang ngày đêm cần mẫn chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ cho hàng trăm người thương tật do chiến tranh. Trong số những thương binh ấy, cũng không ít trường hợp bị thương nặng, thậm chí nằm liệt tại chỗ, từ ăn uống, ngủ nghỉ cho đến...vệ sinh cá nhân; các nữ y tế đều một tay lo liệu. Bình thường chẳng sao, có nhiều lúc bệnh nhân khoa Tâm thần lên cơn khiến bao phen khiếp vía; đến bảo vệ lái xe cũng phải xắn tay hỗ trợ.

Trước tới nay, tại Trung tâm đã gần chục cán bộ nữ vì đồng cảm, vì tình thương và cả vì tình yêu mà họ đã kết hôn với những thương binh đang được chăm sóc. Cũng phải thôi, ngày mới xuất ngũ, các anh lính hẵng còn trẻ, họ cũng cần mái ấm, cần sự sẻ chia và họ xứng đáng có được hạnh phúc. Nhưng hầu hết trong số họ lại là những người thiếu may mắn hơn, không thể lập gia đình vì những di chứng của chiến tranh còn hằn in trên cơ thể họ quá nặng nề. Và họ, cứ thế...chịu đựng một mình.

Gác lại những câu chuyện buồn, anh Cường tếu táo mà thật: “Từ những năm 1980 -1982, Trung tâm có tới 500 thương, bệnh binh, khiến nơi đây giống như một “làng thương binh” vậy. Những thương binh mới xuất ngũ còn trẻ trung, các cô nàng của trung tâm cũng vậy nên mới có câu chuyện như ngày xưa ở các thôn, làng có câu khẩu hiệu “trai làng quyết giữ gái làng”. Vì vậy, nhiều thanh niên vào đây tán tỉnh cán bộ nữ là bị ăn đòn của thương binh như chơi.”

Cũng ở Trung tâm này, tôi gặp ông Đào Trung Kỳ (68 tuổi), người lính từng chiến đấu tại chiến trường Campuchia, bị thương tật 96%. Ông lẩn thẩn kể cho tôi về những câu chuyện ông đã từng chiến đấu trên chiến trường như thế nào. Tôi nhận thấy trong ông đầy niềm tự hào và cả tiếc nuối. Tự hào bởi đã góp một phần bé nhỏ công sức, mồ hôi, nước mắt, xương máu để có hòa bình, độc lập cho thế hệ sau. Còn tiếc nuối vì bàn chân và cả 2 cánh tay của ông vĩnh viễn không còn nữa, lại bị bỏng khắp cơ thể.

Ông bảo: “Giờ thì còn nói gì đến tương lai nữa cháu, tay chân không còn, sức khỏe cũng “chập chờn” chỉ mong tự phục vụ được cho bản thân để nhân viên ở đây đỡ vất vả. Trước đây, khi mới xuất ngũ đêm nằm cứ giật mình thon thót, không sao ngủ ngon được; lúc nào trong đầu cũng ầm ầm tiếng súng vang, tiếng mìn nổ... Giờ chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ, những ám ảnh về nỗi đau trong chiến trường mới giảm dần.”

Ông Kỳ tâm sự thêm: “Ở Trung tâm toàn người bệnh tật, già cả, vừa ít ngủ, bệnh tật tái phát thất thường nên nhân viên y tế ở đây rất vất vả lại thường xuyên thức đêm theo, đi “tua”, nếu có dấu hiệu bất thường còn xử lý ngay. Nhiều khi các cụ đang ngủ lại thức dậy la hét, thậm chí đập phá là chuyện cơm bữa.”

 Những thương, bệnh binh, người có công ở Trung tâm luôn coi nơi đây là ngôi nhà thứ 2 ấm áp.

Những thương, bệnh binh, người có công ở Trung tâm luôn coi nơi đây là ngôi nhà thứ 2 ấm áp.

Rời khỏi Trung tâm, tôi cứ lẩn thẩn nghĩ những cán bộ ở đây cũng chẳng khác nào người lính cả, họ là những người lính thời bình. Họ cũng có đầy đủ phẩm chất của bộ đội cụ Hồ: bản lĩnh, hi sinh, cần mẫn, không ngại khó, ngại khổ...và cũng đang ngày đêm chiến đấu, không phải với kẻ thù mà những di chứng của kẻ thù đang còn hằn nguyên trên thân thể của những người từng tham gia chiến trường.

Bao năm qua, Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng người có công Thanh Hóa không chỉ là nơi chăm sóc, nghỉ dưỡng đơn thuần, còn là mái nhà ấm áp đối với các thương binh, bệnh binh, người có công – những người đã trải qua chiến tranh và nay phải đối mặt với nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần. Mỗi suất ăn được chuẩn bị kỹ lưỡng, mỗi lần thăm, khám sức khỏe đều được thực hiện bằng tất cả sự chăm chút, chu đáo. Sự tận tụy ấy không chỉ thể hiện lòng biết ơn mà còn là nghĩa cử cao đẹp, góp phần xoa dịu những mất mát, hy sinh của thế hệ cha anh đã đi qua khói lửa chiến tranh.

Đinh Huê

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/doi-song-xa-hoi/chi-la-lui-xa-qua-khu-181569.html