Chỉ mặt, gọi tên 'kẻ thù vô hình'

'Đối tượng là 'kẻ thù vô hình', nhưng chúng tôi phải chỉ mặt, gọi tên chúng ra; cân, đong, đo, đếm thành những số liệu cụ thể'. Lời khẳng định của Thượng tá, TS Hoàng Hữu Đức, Trạm trưởng Trạm Quan trắc-Cảnh báo môi trường độc-xạ miền Bắc (Viện Hóa học Môi trường quân sự, Binh chủng Hóa học) khiến ai cũng tò mò, muốn tìm hiểu sâu hơn về nhiệm vụ đặc biệt của đơn vị...

Chúng tôi đã theo chân tổ công tác của Trạm đến Sở chỉ huy Quân khu 3 thực hiện quan trắc và lấy mẫu phục vụ phân tích các thông số hóa chất độc hại, phóng xạ, hạt nhân-những “kẻ thù vô hình” trong môi trường. Chứng kiến các đồng chí nghiên cứu viên làm việc mới thấy, đây là những việc tưởng chừng như đơn giản nhưng thực tế đòi hỏi tính tỉ mỉ, cẩn trọng và rất nghiêm túc mới có được thông số chính xác trong đánh giá hiện trạng môi trường. Thực hiện nhiệm vụ, thành viên tổ công tác đều tập trung cao độ, người lấy mẫu môi trường không khí; người ghi chép thông số (nhiệt độ, độ ẩm, hướng gió, tốc độ gió); người đo đạc thông số gamma, radon...

“Công việc này sẽ đưa ra những đánh giá, cảnh báo, dự báo kịp thời nhằm phòng ngừa, giảm tác động đến nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, góp phần thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong Quân đội”, Thiếu tá, TS Nguyễn Quang Thắng, Phó trạm trưởng Trạm Quan trắc-Cảnh báo môi trường độc-xạ miền Bắc, chia sẻ.

Nghiên cứu viên của đơn vị thực hiện giám sát an toàn bức xạ hạt nhân từ tàu sân bay Hoa Kỳ thăm TP Đà Nẵng năm 2023. Ảnh: TUYÊN HUẤN

Nghiên cứu viên của đơn vị thực hiện giám sát an toàn bức xạ hạt nhân từ tàu sân bay Hoa Kỳ thăm TP Đà Nẵng năm 2023. Ảnh: TUYÊN HUẤN

Là đơn vị nghiên cứu khoa học-công nghệ, thực hiện các hoạt động quan trắc, cảnh báo và phân tích môi trường hóa học, phóng xạ, Trạm Quan trắc-Cảnh báo môi trường độc-xạ miền Bắc có nhiệm vụ phân tích, thử nghiệm mẫu môi trường; thực hiện các đề tài, dự án, nhiệm vụ quan trắc, cảnh báo, quản lý dữ liệu; quan trắc, phân tích các tác nhân hóa học, phóng xạ và ô nhiễm môi trường khu vực miền Bắc; duy trì hệ thống quản lý chất lượng phòng thí nghiệm; tham gia công tác đào tạo, tư vấn, hợp tác, chuyển giao công nghệ và tổ chức thực hiện các dịch vụ khoa học-công nghệ. Nhiệm vụ quan trọng, yêu cầu cao nhưng cán bộ, nhân viên đơn vị luôn khắc phục khó khăn, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Ngoài nhiệm vụ thường xuyên, đơn vị còn tham gia quan trắc, phân tích, đánh giá môi trường, tìm nguyên nhân và tham mưu cho cơ quan chức năng hướng khắc phục kịp thời, giảm thiệt hại khi xảy ra sự cố môi trường. Đơn vị từng tham gia quan trắc đo mức ô nhiễm phóng xạ trong môi trường trên nhiều địa bàn của cả nước sau sự cố hạt nhân tại Nhà máy điện Fukushima 1 (Nhật Bản); đo, kiểm tra an toàn bức xạ hạt nhân từ tàu sân bay Hoa Kỳ trong thời gian thăm Việt Nam tại cảng Đà Nẵng; đo, kiểm tra tại sự cố xảy ra ở Nhà máy Formosa (Hà Tĩnh); sự cố cháy gây phát tán thủy ngân tại Nhà máy Bóng đèn phích nước Rạng Đông (Hà Nội)... được chính quyền các cấp và nhân dân đánh giá cao.

Những năm gần đây, Trạm tập trung phát triển lĩnh vực phóng xạ, hạt nhân, công tác ứng phó và khắc phục các sự cố liên quan đến hóa chất độc, xạ và xử lý môi trường, khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin tồn lưu sau chiến tranh. Ngoài thực hiện cung cấp số liệu quan trắc, bảo đảm các nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng, số liệu quan trắc mà Trạm cung cấp hằng năm cho Trung tâm Quan trắc môi trường quốc gia có ý nghĩa quan trọng, giúp Trung tâm Quan trắc môi trường quốc gia tham mưu với Chính phủ trong chính sách, chiến lược bảo vệ môi trường nói riêng và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia nói chung.

Theo Thượng tá, TS Hoàng Hữu Đức, trong thời gian tới, đơn vị sẽ nghiên cứu, đề xuất, thực hiện các nhiệm vụ quan trắc thông số hóa chất độc hại, phóng xạ, hạt nhân trong môi trường phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ thuộc chương trình tăng cường năng lực phòng ngừa, ứng phó với môi trường cấp quốc gia đến năm 2030... “Chúng tôi sẽ đề xuất, triển khai nghiên cứu các đề tài, dự án, nhiệm vụ có ý nghĩa thiết thực, phù hợp với chức năng của đơn vị, góp phần vào công tác bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực phòng ngừa và ứng phó với các sự cố môi trường; tập trung vào thế mạnh quan trắc, cảnh báo sự cố hóa-độc-xạ và khắc phục ảnh hưởng của các sự cố môi trường”, Thượng tá, TS Hoàng Hữu Đức nhấn mạnh.

Thượng tá, TS Phùng Khắc Huy Chú, Viện trưởng Viện Hóa học Môi trường quân sự cho biết: “Trạm Quan trắc-Cảnh báo môi trường độc-xạ miền Bắc là đơn vị đầu tàu trong mạng lưới các trạm quan trắc cảnh báo hóa học-phóng xạ của Quân đội do Binh chủng Hóa học quản lý về chuyên môn. Với lực lượng cán bộ được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn sâu, đơn vị được giao trọng trách hướng dẫn nghiệp vụ cho các trạm thành viên, chịu trách nhiệm chính trong những nhiệm vụ liên quan đến chuyên môn của Binh chủng Hóa học trong lĩnh vực quan trắc, phân tích, cảnh báo tác nhân hóa học phóng xạ và ô nhiễm môi trường. Trước nguy cơ ngày càng lớn về ô nhiễm môi trường, đặc biệt là các vấn đề ô nhiễm có tính liên vùng, xuyên biên giới, trong thời gian tới, cùng với duy trì thực hiện tốt nhiệm vụ quan trắc thường xuyên, đơn vị sẽ phát huy hơn nữa trí tuệ tập thể, xây dựng các định hướng nghiên cứu, phương pháp quan trắc, phân tích, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”.

Với những thành tích tiêu biểu, Trạm Quan trắc-Cảnh báo môi trường độc-xạ miền Bắc được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tặng bằng khen và nhiều phần thưởng cao quý khác.

NGỌC HÂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/chi-mat-goi-ten-ke-thu-vo-hinh-804075