Chỉ mong được biểu diễn...

Không có rạp, hoạt động biểu diễn chủ yếu theo mùa vụ và cũng ngày càng ít… Với các nghệ sĩ cải lương nói riêng, nghệ thuật truyền thống nói chung, họ đang cần có nhiều cơ hội biểu diễn hơn, trước hết là để giữ nghề.

Nhà hát không (có) rạp

“Trước 1990, Nhà hát chúng tôi diễn vở Đôi dòng sữa mẹ ngày 3 suất, nhưng cùng với thời gian, cơ hội biểu diễn ngày càng ít. 5 năm nữa không biết chúng tôi thế nào”. Nhớ lại thời huy hoàng của cải lương, NSƯT Trọng Bình, Trưởng phòng Nghệ thuật, Nhà hát Cải lương Việt Nam, chia sẻ nỗi lo lắng với Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục trong cuộc làm việc mới đây. Nỗi lo này đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc “nhà hát không nhà”.

Là “anh cả” của nghệ thuật cải lương, nhưng hiện Nhà hát Cải lương Việt Nam vẫn chưa có rạp tiêu chuẩn để biểu diễn. Trụ sở Nhà hát tại số 164 Hồng Mai, Hà Nội, được xây dựng chắp vá từ thập kỷ 60 của thế kỷ trước hiện đã xuống cấp, không đủ tiêu chuẩn đón tiếp khán giả, lại ở con phố nhỏ, giao thông hẹp, hay ùn tắc. NSƯT Trọng Bình than thở, dù đã kiến nghị khẩn thiết nhiều lần với các cấp lãnh đạo, nhưng “mấy chục năm nay trụ sở Nhà hát vẫn vậy”.

Theo NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, “việc không có rạp trước tiên ảnh hưởng đến tính chất chuyên nghiệp cao của đơn vị, gây khó khăn cho quá trình triển khai hoạt động biểu diễn. Phải đi thuê rạp làm tăng chi phí đêm diễn (30 - 50 triệu đồng/đêm diễn), khó cân đối thu chi, hạn chế tần suất biểu diễn phục vụ khán giả”, NSND Triệu Trung Kiên nói.

Hiện nay hoạt động biểu diễn nghệ thuật của Nhà hát Cải lương Việt Nam chủ yếu theo mùa vụ, tập trung vào 3 tháng sau Tết nguyên đán, mùa lễ hội, ngày kỷ niệm các sự kiện lớn, phục vụ nhiệm vụ chính trị, ngoại giao... Nhà hát cũng biểu diễn lưu động phục vụ người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới... theo đặt hàng của Nhà nước. Nhưng “không đáng là bao”!

Việc bán vé trực tiếp rất khó khăn với nghệ thuật truyền thống, trong đó có cải lương. NSND Triệu Trung Kiên cảm nhận, dường như khán giả trẻ hiện nay “không có tình cảm với cải lương”, thế hệ khán giả lớn tuổi thì quen đi xem miễn phí. Mỗi đêm diễn của Nhà hát nếu miễn phí thì có hàng nghìn khán giả nhưng bán vé thì bà con không mua. Các tỉnh xa người dân có thể yêu cải lương thì lại không có kinh phí để mời Nhà hát về biểu diễn, vì chi phí đi lại tốn kém.

Trong khi đó, vài năm gần đây, với đà tăng lương theo quy định, ngân sách cấp không tăng, thậm chí còn bị cắt giảm hàng năm, nguồn thu sự nghiệp eo hẹp, Nhà hát rơi vào tình trạng thiếu kinh phí hoạt động. Điều này khiến việc đầu tư dàn dựng tác phẩm hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng nghệ thuật cũng như định hướng phát triển của đơn vị; đời sống viên chức và người lao động không được nâng cao.

Cảnh trong vở diễn "Bất tử với Thăng Long" của Nhà hát Cải lương Việt Nam

Cảnh trong vở diễn "Bất tử với Thăng Long" của Nhà hát Cải lương Việt Nam

Chỉ khán giả mới nuôi dưỡng sân khấu

Có rạp đủ tiêu chuẩn để được làm nghề và tạo nguồn khán giả cho chính mình không phải mơ ước của riêng Nhà hát Cải lương Việt Nam mà của nhiều đơn vị nghệ thuật công lập trong Nam ngoài Bắc. Trong số các đơn vị nghệ thuật trung ương đóng trên địa bàn Thủ đô, nhà hát ở mặt tiền phố lớn, đi lại thuận tiện, chỉ có Nhà hát Chèo Việt Nam (Kim Mã), Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam (Huỳnh Thúc Kháng) và Liên đoàn Xiếc Việt Nam (Trần Nhân Tông), còn lại (nếu có) đều nằm... trong ngõ. Hai nhà hát đẹp nhất cả nước là Nhà hát Lớn Hà Nội và Nhà hát TP. Hồ Chí Minh đều được xây dựng từ thời Pháp và hiện không thuộc sự quản lý của các đơn vị nghệ thuật.

Nhu cầu về nơi tập luyện và biểu diễn nghệ thuật đạt chuẩn, xứng tầm là có thật và đáng được quan tâm đầu tư, vì đã được kêu từ hàng chục năm nay. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều thiết chế văn hóa thời gian qua không được khai thác hiệu quả, các thành viên Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục có lý do để băn khoăn, bởi vận hành một nhà hát không đơn giản và không phải đơn vị nghệ thuật nào cũng có khả năng quản trị tốt. Tuy nhiên, NSND Triệu Trung Kiên khẳng định: “Nếu có nhà hát sẽ tạo ra nhiều hoạt động cho đơn vị. Chúng tôi sẽ phải nỗ lực để sáng đèn, có vở diễn định kỳ vào cuối tuần, để nuôi nghề, nuôi khán giả”.

Năm 2024, Nhà hát Cải lương Việt Nam ước sẽ hụt 2 tỷ đồng so với ngân sách được cấp, nhưng may mắn đã được đặt hàng dựng tác phẩm mới về Bác Hồ, nhờ đó yên tâm khoản trang trải lương cho nhân viên hợp đồng. Tuy nhiên, về lâu dài, theo NSND Triệu Trung Kiên, cần có các thế hệ khán giả mới mà chỉ có được bằng cách biểu diễn định kỳ thường xuyên. “Chỉ khán giả mới nuôi dưỡng sân khấu. Nếu không có khán giả, sân khấu có nguy cơ biến mất. Vì thế, chúng tôi đổi mới bằng mọi cách, tạo chuyển biến tích cực trong khán giả. Quyết tâm và nỗ lực nhưng chúng tôi cũng chưa dám chắc”. “Chưa dám chắc” có lẽ một phần chưa biết dựng vở rồi thì biểu diễn ở đâu và cho ai!

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tích cực xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng và phát triển văn hóa Việt Nam, trong đó có các thiết chế văn hóa. Nếu được thông qua, đây sẽ là cơ hội để ước mơ của các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam nói riêng và nhiều đơn vị nghệ thuật khác trên cả nước thành hiện thức. Tuy nhiên, "trước mắt chúng tôi chỉ mong muốn thành phố Hà Nội tạo điều kiện cho một điểm diễn cố định phục vụ công chúng, bởi Nhà hát Cải lương Việt Nam có vở diễn Gươm thiêng trao trả hồ thần, rất phù hợp với thông điệp Hà Nội - TP. Hòa bình”, NSƯT Trọng Bình kiến nghị.

Nhật Linh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/chi-mong-duoc-bieu-dien-i347577/