Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hòa Bình: Gần 300 khách hàng đã được tiếp cận gói 'tín dụng ưu đãi'

Tính đến nay, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hòa Bình (NHCSXH tỉnh Hòa Bình) đã thực hiện cho vay theo chương trình 'tín dụng ưu đãi' với tổng dư nợ các chương trình cho vay đạt 14,5 tỷ đồng với 265 khách hàng vay vốn. Trong đó, cho vay hỗ trợ chuyển đổi nghề đạt trên 7 tỷ đồng; cho vay hỗ trợ đất ở, nhà nhà ở đạt 7,5 tỷ đồng. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2023 cho vay được 9,3 tỷ đồng với 175 khách hàng vay vốn.

Chính sách “ưu đãi tín dụng” đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Chính sách “ưu đãi tín dụng” đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo đó, chính sách “tín dụng ưu đãi” được căn cứ theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025.

Thông tin về vấn đề này, Đại diện lãnh đạo Chi nhánh NHCSXH tỉnh Hòa Bình cho biết: Căn cứ theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ, Văn bản số 4912/HD-NHCS ngày 30/6/2022 của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam hướng dẫn nghiệp vụ cho vay hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Chi nhánh NHCSXH tỉnh Hòa Bình đã chủ động báo cáo, tham mưu kịp thời Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Hòa Bình, Trưởng ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) tỉnh chỉ đạo Ban Dân tộc, UBND các huyện/thành phố, các đơn vị có liên quan phối hợp triển khai, thực hiện rà soát nhu cầu vay vốn, lập danh sách đối tượng thụ hưởng theo quy định, trình cấp thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở để NHCSXH thực hiện giải ngân.

Bên cạnh đó, NHCSXH tỉnh còn tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho vay đến toàn thể cán bộ NHCSXH, tích cực tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, phổ biến đến chính quyền cấp xã, các tổ chức chính trị - xã hội, Tổ tiết kiệm & vay vốn, niêm yết công khai tại Trụ sở làm việc, các Điểm giao dịch xã về đối tượng thụ hưởng, mục đích sử dụng vốn vay, mức vay, lãi suất, thời hạn cho vay,… để các cấp, các ngành, người dân biết, phối hợp thực hiện; tham mưu Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh phân, giao chỉ tiêu kế hoạch tín dụng được cấp trên giao đến các huyện, thành phố.

Với đặc thù của Chính phủ quy định với đối tượng được vay theo Nghị định này là đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các thành phần tổ chức sản xuất, kinh doanh có sử dụng lao động là đồng bào dân tộc thiểu số nên Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Ban dân tộc tỉnh, Phòng Dân tộc các huyện/thành phố, UBND cấp xã kịp thời nắm bắt danh sách, nhu cầu vay vốn của hộ gia đình được hưởng chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề đến từng thôn của xã.

Ngay sau khi có danh sách của Ủy ban nhân dân cấp xã lập sẽ chỉ đạo cán bộ tín dụng theo dõi địa bàn tham mưu Ủy ban nhân dân cấp xã, chỉ đạo tổ chức CT - XH nhận ủy thác, trưởng thôn, Tổ TK&VV chủ động họp bình xét và hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ cho vay. Tiếp đó, sẽ chuẩn bị sẵn sàng điều kiện, tập trung cán bộ, thời gian để triển khai cho vay tại Điểm giao dịch xã ngay sau khi có danh sách được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Theo nghị định này, chương trình cho vay bao gồm: Cho vay hỗ trợ đất ở; cho vay hỗ trợ nhà ở; cho vay hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề; cho vay đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý; cho vay hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.

PVTT

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/chi-nhanh-ngan-hang-chinh-sach-xa-hoi-tinh-hoa-binh-gan-300-khach-hang-da-duoc-tiep-can-goi-tin-dung-uu-dai-5721560.html