Chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế: Nguy cơ vượt dự toán

Báo cáo của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam cho thấy, trong 5 tháng đầu năm, toàn quốc có số chi phí khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) là 54.885 tỷ đồng (chiếm 45,1% dự toán chi của năm). Nhiều địa phương có chi phí thanh toán tuyệt đối gia tăng cao trong 5 tháng đầu năm, tỷ lệ gia tăng chi phí tăng từ 22- 52% so với cùng kỳ năm trước...

Nhiều địa phương có chi phí thanh toán bảo hiểm y tế tăng cao. Ảnh: L.H.

Nhiều địa phương có chi phí thanh toán bảo hiểm y tế tăng cao. Ảnh: L.H.

Những địa phương có chi phí KCB cao gồm: Hà Nội, TPHCM, Phú Thọ, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Đà Nẵng, Bình Định, Đắk Lắk, Cần Thơ). Theo BHXH Việt Nam, đây là những địa phương có số chi lớn, chiếm hơn 50% chi phí KCB của toàn quốc. Do đó, những biến động về chi phí KCB BHYT tại các địa phương này có ảnh hưởng rất lớn đến tổng chi KCB của toàn quốc. Thực tế, các địa phương này cũng đang có tốc độ gia tăng chi phí trong 5 tháng đầu năm cao so với các địa phương trên cả nước...

Ông Lê Văn Phúc - Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT(BHXH Việt Nam) cho biết, cả 12 địa phương đều có số chi KCB BHYT gia tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

“Theo thông lệ hàng năm, đến hết tháng 6 tháng đầu năm cả nước mới sử dụng hết 45% dự kiến chi của cả năm, tuy nhiên đến hết tháng 5 năm nay, tổng chi KCB BHYT trên toàn quốc đã đạt tỷ lệ chi đến 45,1%”- ông Phúc cho hay.

Theo ông Phúc, trong 12 địa phương, phần lớn đều có tỷ lệ chi phí cao hơn mức bình quân chung của toàn quốc, có địa phương lên tới trên 46%- 48,8%. Nếu tính toán trên cơ sở tốc độ gia tăng chi phí tương tự năm 2023, đây là những địa phương có nguy cơ vượt dự toán Chính phủ giao cả năm khá cao. Riêng Hà Nội và TPHCM, mặc dù tỷ lệ chi đang ở mức dưới 45% (Hà Nội 44,3%, TPHCM là 43,5%), nhưng với vị trí là 2 thành phố có số chi KCB BHYT cao nhất toàn quốc, số gia tăng tuyệt đối thực tế tại 2 địa phương đến nay cũng là con số rất cao, tác động lớn đến tốc độ gia tăng chung của toàn quốc.

Theo ông Phúc, các yếu tố gia tăng chi phí gồm gia tăng số lượt KCB gia tăng; gia tăng cả chi phí KCB ngoại trú và nội trú; chi phí bình quân chung 5 tháng tại nhiều địa phương gia tăng đến 2 con số so với cùng kỳ năm 2023 (tỷ lệ gia tăng chung trên toàn quốc là 8,9%)... “Từ cuối năm 2023, giá dịch vụ y tế đã có sự điều chỉnh cũng là một yếu tố làm gia tăng chi phí KCB BHYT. Tuy nhiên, tốc độ gia tăng việc điều chỉnh này không “kịp” với tốc độ gia tăng chi phí trong thực tế...” - ông Phúc nói.

Ông Dương Tuấn Đức - Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến nhấn mạnh: Việc gia tăng số lượt KCB không phải là nguyên nhân gia tăng chi phí bình quân. Trong khi đó, hiện nay, nhiều địa phương đang có sự gia tăng chi phí bình quân các bệnh viện chiếm tỷ trọng lớn; chi phí bình quân một đợt điều trị ngoại trú, nội trú tại nhiều cơ sở y tế gia tăng rất cao so với chính cơ sở y tế đó trong năm trước...

Dẫn chứng một số chi phí bất hợp lý được nhận diện qua Hệ thống Thông tin Giám định BHYT, ông Đức cho biết, có những trường hợp bệnh nhân được chuyển từ cơ sở 1 sang cơ sở 2 của cùng một bệnh viện, vẫn phát sinh thêm số lượt khám bệnh có chi phí; bệnh nhân ra viện hôm trước, hôm sau lại nhập viện trở lại và thực hiện lại một loạt các xét nghiệm, cận lâm sàng; tình trạng tách đợt nội trú, tăng số lượt khám làm tăng chi phí (mục đích là giảm chi bình quân) vẫn xuất hiện...

Mới đây, BHXH Việt Nam đã có buổi làm việc với BHXH 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về công tác kiểm soát chi phí KCB BHYT. Tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh, yêu cầu các đơn vị chuyên môn BHXH Việt Nam bám sát các quy định trong Nghị định 75/2023 của Chính phủ để xây dựng các cơ chế kiểm soát, đưa ra các tiêu chí để từng cấp lãnh đạo, cán bộ liên quan biết và soi chiếu khi thực hiện. Tăng cường hệ thống thống kê, tổng hợp, đánh giá trên toàn quốc và từng địa phương phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo ngành và thực hiện nhiệm vụ tại BHXH các tỉnh, thành phố.

“Trong kiểm soát chi phí KCB BHYT, BHXH các địa phương cần đi từ tổng hợp đến chi tiết. Theo đó, từ các hệ thống thống kê, cảnh báo của BHXH Việt Nam cung cấp, BHXH các địa phương cảnh báo, kết hợp thanh tra, kiểm tra, yêu cầu giải trình, để tìm, chứng minh được cái bất hợp lý, từ đó từ chối thanh quyết toán theo quy định. Tuy nhiên, cần tránh tư tưởng, cách làm cực đoan; mọi thông tin cần công khai, minh bạch vì mục đích chung là đảm bảo quyền lợi người bệnh” – ông Mạnh lưu ý.

Lan Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/chi-phi-kham-chua-benh-bao-hiem-y-te-nguy-co-vuot-du-toan-10283865.html