Chi phí kinh doanh xăng dầu đang 'đè nặng' doanh nghiệp sẽ được sửa ra sao?
Chi phí giá cơ sở cho xăng dầu được áp dụng từ 2014 đã lỗi thời cộng với chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam liên tục tăng cao đang 'đè nặng' DN.
Doanh nghiệp lỗ nặng do không được tính đúng, tính đủ chi phí
Doanh nghiệp xăng dầu đầu mối là mắt xích rất quan trọng trong việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu, song các doanh nghiệp này đang lỗ rất lớn do chi phí kinh doanh xăng dầu chưa được tính đúng, tính đủ.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối sử dụng nguồn xăng dầu nhập khẩu xăng dầu về việt Nam chia sẻ, doanh nghiệp đã chịu lỗ rất nặng từ đầu năm đến nay do chi phí kinh doanh xăng dầu.
Doanh nghiệp này phân tích, trong quý I, đối với mặt hàng dầu, mức premium là 0,92 USD/thùng (tương đương 133 đồng/lít); cước vận chuyển từ Hàn Quốc về Việt Nam là 1,68 USD/thùng (tương đương 243 đồng/lít); phí bảo hiểm là 2,85 đồng/lít; chi phí khác (giám định cảng xếp + giám định về đến cảng) là 1,9 đồng/lít). Tính chung, chi phí cho mặt hàng dầu là 381 đồng/lít. Trong khi đó, chi phí premium và chi phí đưa xăng dầu về cảng doanh nghiệp được tính là là 570 đồng/lít, doanh nghiệp lãi khoảng 189 đồng/lít dầu.
Đối với mặt hàng xăng, premium là 14,08 USD/thùng (tương đương 2.035 đồng/lít); cước vận chuyển từ Hàn Quốc về Việt Nam là 1,68 USD/thùng, tương đương 243 đồng/lít; phí bảo hiểm 3,05 đồng/lít; chi phí khác (giám định cảng xếp + giám định về đến cảng) là 0,68 đồng/lít). Tính chung, chi phí cho mặt hàng xăng là 2.282 đồng/lít. Trong khi đó, chi phí premium và chi phí đưa xăng dầu về cảng doanh nghiệp được tính là là 720 đồng/lít, doanh nghiệp lỗ 1.562 đồng/lít xăng.
Đối với dầu FO, premium và cước vận chuyển từ Hàn Quốc về Việt Nam là 54 USD/tấn, tương đương 1.297 đồng/kg; phí bảo hiểm 2,7 đồng/kg; chi phí khác (giám định cảng xếp + giám định về đến cảng) là 5,7 đồng/kg). Tính chung, chi phí cho mặt hàng dầu FO là 1.305 đồng/kg. Trong khi đó, chi phí premium và chi phí đưa xăng dầu về cảng doanh nghiệp được tính là là 1.290 đồng/kg, doanh nghiệp lỗ 85 đồng/kg dầu.
Sang Quý II, mức premium đối với mặt hàng dầu là 0,88 USD/thùng (tương đương 129 đồng/lít); cước vận chuyển từ Hàn Quốc về Việt Nam là 2,58 USD/thùng (tương đương 380 đồng/lít); phí bảo hiểm là 2,85 đồng/lít; chi phí khác (giám định cảng xếp + giám định về đến cảng) là 1,12 đồng/lít). Tính chung, chi phí cho mặt hàng dầu là 513 đồng/lít. Trong khi đó, chi phí premium và chi phí đưa xăng dầu về cảng doanh nghiệp được tính là là 570 đồng/lít, doanh nghiệp lãi khoảng 57 đồng/lít dầu.
Đối với mặt hàng xăng A95, chi phí như trên, doanh nghiệp tiếp tục lỗ 1.562 đồng/lít xăng.
Đối với dầu FO, premium và cước vận chuyển từ Hàn Quốc về Việt Nam là 129,5 USD/tấn, tương đương 3.110,6 đồng/kg; phí bảo hiểm 3,2 đồng/kg; chi phí khác (giám định cảng xếp + giám định về đến cảng) là 7,7 đồng/kg). Tính chung, chi phí cho mặt hàng dầu FO là 3.121 đồng/kg. Trong khi đó, chi phí premium và chi phí đưa xăng dầu về cảng doanh nghiệp được tính là là 1.290 đồng/kg, doanh nghiệp lỗ 1.831 đồng/kg dầu.
Sang đến Quý III, mức premium đối với mặt hàng dầu là 1,68 USD/thùng (tương đương 253 đồng/lít); cước vận chuyển từ Hàn Quốc về Việt Nam là 8,73 USD/thùng (tương đương 1.319 đồng/lít); phí bảo hiểm là 4 đồng/lít; chi phí khác (giám định cảng xếp + giám định về đến cảng) là 2 đồng/lít). Tính chung, chi phí cho mặt hàng dầu là 1.578 đồng/lít. Trong khi đó, chi phí premium và chi phí đưa xăng dầu về cảng doanh nghiệp được tính là là 570 đồng/lít, doanh nghiệp lỗ 1.008 đồng/lít dầu.
Mặt hàng xăng có chi phí như quý II, doanh nghiệp lỗ 1.562 đồng/lít. Mặt hàng dầu FO cũng tương tự, doanh nghiệp lỗ 1.828 đồng/kg.
Doanh nghiệp này cũng tạm tính các chi phí đối với mặt hàng trên trong quý IV. Theo đó, mức premium đối với mặt hàng dầu là 5 USD/thùng (tương đương 776 đồng/lít); cước vận chuyển từ Hàn Quốc về Việt Nam là 8,8 USD/thùng (tương đương 1.365 đồng/lít); phí bảo hiểm là 4 đồng/lít; chi phí khác (giám định cảng xếp + giám định về đến cảng) là 2 đồng/lít). Tính chung, chi phí cho mặt hàng dầu là 2.147 đồng/lít. Trong khi đó, chi phí premium và chi phí đưa xăng dầu về cảng doanh nghiệp được tính là là 570 đồng/lít, doanh nghiệp lỗ 1.577 đồng/lít dầu.
Đối với mặt hàng xăng, premium là 15,54 USD/thùng (tương đương 2.348 đồng/lít); cước vận chuyển từ Hàn Quốc về Việt Nam là 8,8 USD/thùng, tương đương 1.365 đồng/lít; phí bảo hiểm 4 đồng/lít; chi phí khác (giám định cảng xếp + giám định về đến cảng) là 2 đồng/lít). Tính chung, chi phí cho mặt hàng xăng là 3.719 đồng/lít. Trong khi đó, chi phí premium và chi phí đưa xăng dầu về cảng doanh nghiệp được tính là 720 đồng/lít, doanh nghiệp lỗ 2.999 đồng/lít xăng.
Đối với dầu FO, chi phí không phát sinh thêm, doanh nghiệp tiếp tục lỗ 1.828 đồng/kg.
Mới đây, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã có báo cáo gửi Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết do ảnh hưởng địa chính trị đã đẩy chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, khiến các chi phí khác tăng cao bất thường so với định mức hiện hành.
Cụ thể, với chi phí premium nhập khẩu (yếu tố điều chỉnh giá trong hợp đồng nhập khẩu xăng dầu), tập đoàn xăng dầu chiếm gần 50% thị phần cho hay đang có chênh lệch lớn giữa định mức được điều chỉnh ngày 11/7 so với thực tế. Đơn cử với mặt hàng xăng khoáng để pha chế xăng E5RON92, chênh lệch là 622 đồng/lít, xăng RON95-3 là 551 đồng/lít; các mặt hàng dầu chênh lệch từ gần 300 - 680 đồng/lít.
Tương tự với chi phí premium nguồn trong nước (khoản chênh lệch giá trong nước so với giá thế giới) hiện có mức thực tế cũng đang thấp hơn so với định mức là từ 70 - 120 đồng/lít các loại mặt hàng. Chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về các cảng hiện cũng chênh lệch từ mức gần 40 - 60 đồng/lít.
Với các khoản chi phí kinh doanh định mức trong giá cơ sở, mặc dù đã được rà soát và điều chỉnh từ ngày 11-7 nhưng vẫn đang thấp hơn so với chi phí kinh doanh thực tế bình quân đã được kiểm toán trong năm 2021 là từ 184 - 598 đồng/lít, tương ứng với 13 - 39% đối với giá bán lẻ các mặt hàng xăng, dầu và 33 đồng/lít tương ứng với 6% với giá bán buôn mặt hàng mazut.
Ngoài các chi phí chưa được tính đúng tính đủ, tập đoàn này còn có các chi phí tăng cao bất thường từ đầu năm 2022. Đơn cử chi phí kinh doanh xăng dầu tăng 649 tỉ đồng, tương ứng 10% so với cùng kỳ.
Trong đó bao gồm các khoản chi phí biến đổi như tăng 375 tỉ đồng (tăng 26%) so với thực hiện năm 2021. Đặc biệt có những khoản tăng cao bất thường như chi phí vận chuyển bình quân là 180 đồng/lít, tăng 17 đồng/lít (tăng 31%) là do giá xăng dầu tăng cao nên đơn giá cước vận chuyển được điều chỉnh.
Chi phí dịch vụ thuê ngoài tăng 32 tỉ đồng, tương đương tăng 3 đồng/lít (tăng 65%) do giá xăng dầu tăng và sản lượng bán cao đột biến. Các khoản khác như chi phí thuê đất làm tăng chi phí bình quân là 3 đồng/lít. Chi phí chênh lệch tỉ giá làm tăng chi phí giá bình quân thêm 17 đồng/lít.
Petrolimex cho biết các chi phí sẽ tăng trong quý 4/2022 và dự kiến phát sinh trong các năm tới gồm khoản chênh lệch tỉ giá và lãi suất vay, việc thực hiện các chương trình chuyển đổi số, điều chỉnh tăng lương của công nhân ở mức bình quân là 20%…
Chưa kể, hiện quy định chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam; premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng đang áp dụng giá trị tuyệt đối (đồng/lít) để tính toán trong giá cơ sở, trong khi tập quán giao dịch của các thương nhân đầu mối với nhà cung cấp đều tính bằng USD/thùng.
Trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá linh hoạt theo chiều hướng tăng liên tục, do đó, Petrolimex đề nghị Cục Quản lý giá áp dụng theo đơn vị tính USD/thùng để phản ánh phù hợp biến động của tỷ giá và định kỳ hàng quý rà soát số liệu để điều chỉnh kịp thời nếu có biến động bất thường.
Chi phí không được tính đủ sẽ ảnh hưởng đến tổng nguồn nhập khẩu trong quý IV
Tại cuộc họp giữa Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải với các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu ngày 12/10, rất nhiều doanh nghiệp đầu mối đã kiến nghị về vấn đề chi phí kinh doanh xăng dầu. Bà Trần Thị Tuyết Mai - Công ty TNHH Vận tải Thủy bộ Hải Hà - chia sẻ: “Thực sự do doanh nghiệp đang lỗ lớn do chi phí thực tăng cao nên không thể nhập khẩu về được. Đề nghị liên Bộ, Chính phủ, Thủ tướng xem xét, cân đối lại, chấp nhận các chi phí thực tế mà doanh nghiệp bỏ ra. Bởi công thức tính giá đã được quy định từ năm 2014 và hiện nay đang biến động rất lớn”.
Ông Phạm Văn Thoại – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc nhà máy lọc dầu Cát Lái - Saigon Petro - chia sẻ thêm: “Thời điểm đầu năm đến quý 2, nhờ giá tăng nên doanh nghiệp có lãi nhưng từ quý 3 vừa rồi, đặc biệt là giai đoạn tháng 7, tháng 8, doanh nghiệp nào cũng lỗ mà không dám nói, vẫn phải thực hiện theo đúng chỉ đạo dù thế nào cũng phải đảm bảo được nguồn hàng. Lãi của chúng tôi trong 6 tháng đầu năm không đủ bù lỗ trong 2 tháng vừa rồi, song vì trách nhiệm nên vẫn phải thực hiện nhiệm vụ của đầu mối kinh doanh xăng dầu. Nhưng đến tháng 10, doanh nghiệp không thể nhập khẩu được nữa, mà chỉ dám “cắn răng” nhập khẩu 1 chuyến từ nước ngoài về để đáp ứng nhu cầu trong nước, thêm lượng hàng nhập từ Bình Sơn và Nghi Sơn để bán”.
Ông Thoại đồng thời đề xuất, cần phải tính đúng, tính đủ chi phí cho doanh nghiệp. Bởi mặc dù vừa rồi, Liên bộ Tài chính – Công Thương đã đồng ý tăng chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước, nhưng doanh nghiệp đã lỗ quá nặng, rất khó khăn cho việc vay vốn ngân hàng. Hiện nay, Sài Gòn Petro đã phải rút tiền vốn của mình ra để đáp ứng được việc mua hàng.
“Hiện nay ở các cây xăng có tình trạng có cây xăng đổ được, có cây xăng không thể đổ được. Tình trạng sớm muộn cũng phải xảy ra, không phải do doanh nghiệp mà là do thị trường. Do đó, Liên Bộ cần hỗ trợ doanh nghiệp để làm sao tính đúng tính đủ mặt bằng chi phí để doanh nghiệp “sống được” – ông Phạm Văn Thoại đề xuất.
Ông Nguyễn Văn Tuấn Quỳnh – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Long Hưng cũng chỉ rõ: “Định mức chi phí xăng dầu đã có từ năm 2014 đến bây giờ, nhưng các chi phí khác như thuê đất, lương đều tăng, gây ra bất cập. Do vậy, mỗi năm cần phải xem xét chi phí định mức cho các cửa hàng xăng dầu, ít nhất phải tính theo CPI. Tôi đề nghị Cục Quản lý giá và Bộ Tài chính hết sức lưu ý, việc này là nền tảng cho việc tạo nguồn xăng dầu".
Liên tục có các kiến nghị về vấn đề chi phí với liên Bộ Công Thương – Tài chính, ông Bùi Ngọc Bảo – Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam nhấn mạnh: “Doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đang gặp rất nhiều khó khăn về vấn đề chi phí. Đầu tiên là chi phí hoạt động lưu thông của xăng dầu, giúp hàng hóa được bán ra thị trường từ thương nhân phân phối, đến cửa hàng bán lẻ. Chi phí này đã được áp dụng suốt từ năm 2014 đến nay và chưa được sửa đổi dù chúng tôi đã kiến nghị đề xuất nhiều lần và theo quy định phải rà soát hàng năm”.
Kế đến là chi phí tạo nguồn, là các chi phí đã được quy định tại các Nghị định 83, 95. Chi phí này bao gồm: giá cả thế giới, premium, phụ phí, chi phí đưa hàng từ nước ngoài về, kể cả chi phí nhập từ các nhà máy lọc dầu trong nước. Đây là vấn đề rất mới, bắt đầu thực hiện trong năm 2022.
Đơn cử, đối với chi phí đưa xăng dầu từ Nhà máy về cảng và premium trong nước, đáng lẽ phải được áp dụng từ 11/7, nhưng đến 11/10 mới được áp dụng, chậm đến 3 tháng, dẫn đến trong quý III, các doanh nghiệp lấy hàng trong nước thiếu tới 600 đồng/lít xăng.
Trong khi đó, chi phí nhập khẩu dù đã được điều chỉnh nhưng thời gian vừa qua chi phí này lại biến động tăng rất cao, việc điều chỉnh nhưng không sát thực tế nên các doanh nghiệp lỗ trong Quý III tại khâu tạo nguồn khoảng hơn 2000 tỷ đồng. Đây chính là lý do các doanh nghiệp ngần ngại vì lỗ rất lớn.
"Đặc biệt, trong quý III, chi phí tạo nguồn ở nước ngoài về, theo tính toán, doanh nghiệp chịu lỗ tới 650 đồng/lít xăng. Các chi phí đó doanh nghiệp phải chịu để thực hiện theo đúng nhiệm vụ chính trị phân phối xăng dầu được giao. Chưa tính tới những yếu tố do thời tiết, ảnh hưởng của bão gió khiến tàu bè không thể tiếp cận được vào các nhà máy thì đâu đó đứt nguồn là điều dễ hiểu" - ông Bảo phân tích.
Trong thời gian tới, đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, đối với khối lượng xăng dầu Bộ Công Thương giao cho các doanh nghiệp thì chắc chắn phải nhập khẩu thêm. Trong khi với giá cả hiện tại trong Quý IV, nhất là tháng 11, 12 thì premium đang ở mức trên dưới 10 USD, như vậy chi phí doanh nghiệp sẽ phải chịu lỗ hàng nghìn đồng/lít, khiến doanh nghiệp không thể thực hiện được.
Chi phí sẽ được điều chỉnh vào ngày 11/11 theo hướng nào?
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chỉ tính riêng trong tháng 10, Bộ Công Thương đã liên tục có 2 cuộc họp với doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng có 2 chuyến đi thị sát tại Tổng kho Đức Giang và Tổng kho Nhà Bè để lắng nghe doanh nghiệp. Đến 2/11, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tiếp tục có cuộc họp với họp với các doanh nghiệp Nhà nước là đầu mối, sản xuất và kinh doanh xăng dầu.
Từ đầu năm đến nay, Bộ Công Thương đã nhiều lần có văn bản gửi sang Bộ Tài chính, đồng thời kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát lại các chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp xăng dầu.
Được biết, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vào ngày 29/10/2022 đã có cuộc họp với Công Thương, Tài Chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về các vấn đề liên quan đến điều hành xăng dầu. Phó Thủ tướng sau đó đã có chỉ đạo, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương điều chỉnh ngay các chi phí liên quan trong công thức giá cơ sở cho phù hợp và sát với tình hình thực tế.
Ngày 3/11, Bộ Công Thương tiếp tục có công văn trả lời Bộ Tài chính về việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, tập trung vào vấn đề chi phí kinh doanh xăng dầu.
Chiều 4/11, Bộ Tài chính đã chính thức có dự kiến phương án điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam để lấy ý kiến của Bộ Công Thương. Chỉ sau 2 giờ đồng hồ nhận được công văn, Bộ Công Thương đã có ý kiến đồng thuận với Bộ Tài chính. Như vậy, nếu không có gì thay đổi lớn thì trong kỳ điều hành 11/11 thì những chi phí phát sinh sẽ được cập nhật. Khi được tính đúng, tính đủ chi phí sẽ là một trong những giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp, giúp ổn định nguồn cung xăng dầu.
PGS, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Kinh doanh có điều kiện thì phải có những điều kiện ràng buộc. Nhưng trong điều hành, kèm theo các điều kiện về tài chính, với cửa hàng kinh doanh xăng dầu phải bảo đảm cân đối thu - chi, thiệt quá thì các doanh nghiệp không chịu được. Điều các doanh nghiệp cần lúc này là cam kết giá xăng tăng bao nhiêu, phải có điều kiện hỗ trợ để bảo đảm không bị lỗ kéo dài. Theo tôi, nguyên nhân khiến khan nguồn cung xăng dầu nghiêng nhiều về tài chính hơn là tổ chức hệ thống.
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương: Việc thiếu xăng dầu chưa bao giờ gặp tình trạng kéo dài như thế này. Đó là giá xăng dầu bị kiểm soát quá mức, quá bất hợp lý đến mức người kinh doanh xăng dầu bị thua lỗ, dẫn đến những bất thường như hiện nay. Vậy nên bây giờ cần thay đổi cách thức định giá cho hợp lý. Như vậy, trách nhiệm trước hết thuộc về Bộ Tài chính.
Theo Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức do Bộ Tài chính xác định và thông báo hàng năm để Bộ Công Thương áp dụng trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu.
Trên cơ sở báo cáo của các thương nhân đầu mối, Bộ Tài chính tổng hợp, rà soát, đánh giá và tiến hành khảo sát thực tế (nếu cần thiết) để xem xét, quyết định chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, Premium (định mức chi hoa hồng tính trên đơn vị lít cho doanh nghiệp đầu mối, trên cơ sở đó doanh nghiệp ầu mối sẽ tính phần hoa hồng cho doanh nghiệp bán lẻ) đối với nguồn trong nước, chi phí đưa xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng (nếu có), chi phí kinh doanh định mức và thông báo để Bộ Công Thương áp dụng trong công thức giá cơ sở.
Bảo Ngọc