Chi phí logistics cao khiến hàng hóa Việt Nam khó cạnh tranh tại Lào
Theo ông Hồ Đức Dũng, dù nằm trong Top 3 đối tác thương mại với Lào, nhưng hàng hóa Việt Nam vẫn đang bị lép vé trước hai đối thủ Thái Lan và Trung Quốc do chi phí logisitcs cao.
Chia sẻ tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với chủ đề “Xúc tiến thương mại thúc đẩy thương mại biên giới” do Bộ Công Thương tổ chức chiều 12/4 tại Lào Cai, theo ông Hồ Đức Dũng – Bí thư thứ nhất, Thương vụ Việt Nam tại Lào, hai nước có chung đường biên giới đất liền với 2.337 km, trải dài trên 10 đơn vị hành chính cấp tỉnh của Việt Nam với 9 cặp cửa khẩu quốc tế, 6 cặp cửa khẩu chính và 18 cặp cửa khẩu phụ.
Mặc dù quy mô dân số của Lào chỉ ở mức 7 triệu người nhưng đây lại là nước có vị trí địa lý đặc biệt quan trọng trong quan hệ chính trị, kinh tế của Việt Nam, trong đó hoạt động thương mại biên giới chiếm tới 90% hợp tác thương mại hai nước.
“Thời gian qua, thương mại hai nước đạt kết quả khả quan, chủ yếu do hai Đảng luôn thúc đẩy các hoạt động thương mại biên giới, đồng thời hai bên sử dụng cơ chế ưu đãi đặc thù của Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam – Lào ký kết vào năm 2015,” ông Dũng nhận định.
Để tăng cường hợp tác, Chính phủ hai bên đã đàm phán sửa đổi, bổ sung, xây dựng hiệp định thương mại mới sau 3 năm đàm phán. Ngày 8/4 vừa qua, Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên đã cùng Bộ trưởng Công Thương Lào Malaithong Kommasith ký Hiệp định Thương mại Việt Nam – Lào mới.
“Hiệp định giúp hành lang thuế quan hai nước về cơ bản bãi bỏ đến 90%. Do đó, tôi đề nghị doanh nghiệp xuất nhập khẩu hai bên quan tâm để được hưởng tối đa những ưu đãi của hiệp định thương mại mới này,” ông Dũng lưu ý doanh nghiệp.
Bên cạnh các hiệp định, công tác xúc tiến thương mại thời gian qua cũng đã góp phần thúc đẩy kết quả kim ngạch xuất nhập khẩu của hai bên.
Theo đó, ngành công thương Việt Nam – Lào đã phối hợp tổ chức Lào Expo vào quý 3 hàng năm. Đây là chương trình xúc tiến thương mại quan trọng, thúc đẩy hợp tác kinh tế hai bên.
Với những nỗ lực trên, thương mại Việt Nam – Lào đã có sự phát triển đáng kể trong giai đoạn 2010 – 2023, trong đó Việt Nam luôn nằm trong top 3 đối tác thương mại của Lào với kim ngạch duy trì 1,1 tỷ USD/năm, tăng trưởng 12%/năm. Năm 2023, thương mại Việt Nam – Lào đạt 1,7 tỷ USD. Ông Dũng cho biết, hai nước đặt mục tiêu thương mại cán mốc 2 tỷ USD vào năm 2025.
Logistics trở thành rào cản lớn cho hàng hóa Việt tại Lào
Theo ông Dũng, thương mại Việt Nam - Lào vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với mối quan hệ chính trị hai bên. Hiện Việt Nam chỉ chiếm 10% kim ngạch xuất nhập của Lào với thế giới, ngược lại Lào chỉ chiếm 0,2% kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới. Nguyên nhân là do quy mô kinh tế của Lào nhỏ với sức mua hạn chế, trong đó thương mại hàng hóa của Lào với thế giới đạt 14 tỷ USD, nhập khẩu hàng hóa từ thế giới 7 tỷ USD.
Bên cạnh đó, nền sản xuất hàng hóa tiêu dùng của nước bạn còn yếu, chưa đóng góp nhiều cho xuất khẩu. Hiện nay các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Lào là nguyên liệu thô, khoáng sản, gỗ và điện (chiếm khoảng 60% kim ngạch).
Đi sâu hơn vào khó khăn cốt lõi, ông Dũng cho biết, cơ sở hạ tầng và logistics đang trở thành rào cản cho doanh nghiệp hai bên. Trong đó, chi phí vận chuyển lớn làm cho hàng hóa của Việt Nam có giá thành cao, giảm tính cạnh tranh với các đối thủ tại Lào là Thái Lan và Trung Quốc.
Doanh nghiệp Việt thời gian qua cũng chưa thực sự quan tâm và còn yếu so với các đối thủ trong vấn đề xây dựng hệ thống phân phối tiêu thụ tại Lào.
Trước những khó khăn trên, Thương vụ Việt Nam tại Lào kiến nghị, Chính phủ hai nước xem xét để sớm tạo điều kiện tối đa, thuận lợi cho vận tải hàng hóa thông qua việc hiện thực hóa tuyến đường cao tốc Hà Nội – Vientiane, đường sắt Vũng Áng – Vientiane.
“Trên thực tế, đối thủ cạnh tranh lớn của Việt Nam tại Lào là Trung Quốc đã đầu tư tuyến đường sắt nối hai nước. Trong 2 năm đi vào hoạt động, tuyến đường sắt cao tốc này đã góp phần đưa Trung Quốc từ đối tác thương mại lớn thứ 3 của Lào vươn lên vị trí thứ nhất,” ông Dũng cho biết,
Ngoài ra, kiến nghị Chính phủ hai nước có chính sách khuyến khích doanh nghiệp Việt đầu tư hơn vào việc xây dựng hệ thống phân phối tại các tỉnh, thành phố của Lào; thúc đẩy hoạt động biên giới cũng như đầu tư xây dựng trung tâm phân phối hàng hóa trong khu vực kinh tế cửa khẩu.
Bên cạnh chương trình xúc tiến quốc gia hàng năm, hai bên cũng cần xem xét tổ chức các sự kiện này tại các địa phương thuộc Bắc và Nam Lào. Tại các hội chợ, Việt Nam nên vận động các doanh nghiệp lớn, thương hiệu lớn tham gia để tạo ấn tượng mạnh cho doanh nghiệp Lào.
Cuối cùng, Thương vụ Việt Nam tại Lào kiến nghị Chính phủ hai bên thúc đẩy hợp tác bán điện và than đá do Lào có tài nguyên than đá dồi dào, sản xuất điện hàng năm lớn. “Đây là trụ cột chính trong việc thúc đẩy tăng trưởng thương mại hai nước thời gian tới,” ông Dũng nhận định.