Chi phí logistics ở Việt Nam vẫn cao so với thế giới
Tốc độ phát triển của ngành logistics tại Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14-16% với quy mô 40-42 tỷ USD/năm, song còn tồn tại nhiều hạn chế như chi phí dịch vụ vẫn cao.
Tại hội thảo "Chuyển đổi số để xây dựng ngành logistics hiện đại, bền vững" chiều 27/4, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, ngành logistics còn nhiều hạn chế, yếu kém.
"Chẳng hạn, chi phí dịch vụ logistics ở nước ta còn cao; việc đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp logistics với nhau, giữa doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu còn yếu; chưa hình thành được mạng lưới các doanh nghiệp logistics có quy mô lớn...", ông dẫn chứng.
Theo lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu, một trong những nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là ứng dụng công nghệ số chưa thực sự đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển trong tình hình mới.
Tương tự, ông Đinh Hoài Nam - Giám đốc phát triển Kinh doanh - Công ty SLP Việt Nam cũng chỉ ra chi phí logistics của Việt Nam còn cao so với thế giới. Năm 2022 còn số này tại Việt Nam khoảng 16,8% trong khi đó trung bình thế giới khoảng 10%.
"Đây là cơ hội cho các nhà cung cấp, phát triển dịch vụ logistics lớn của Việt Nam và thế giới. Thị trường nhà kho và xưởng phát triển lên cùng với dòng vốn FDI, song phần lớn nguồn cung là nhà kho và xưởng truyền thống ở nước ta không đảm bảo yêu cầu của các nhà đầu tư", ông nhìn nhận.
Theo ông Nam, trong 5 năm trở lại đây, với sự tham gia của các nhà phát triển hạ tầng logistics hàng đầu thế giới tại Việt Nam, tỷ lệ kho truyền thống vẫn chiếm trên 50% tổng nguồn cung. Trong khi đó, trong năm 2021 tại thị trường Mỹ, kho hiện đại chiếm đến 65% nguồn cung của thị trường.
Nói về triển vọng của ngành logistics từ “sức nóng” của thương mại điện tử, ông Nguyễn Triều Quang - Giám đốc Khối vận hành miền Bắc - Lazada logistics Việt Nam nhấn mạnh thị trường logistics ở Việt Nam giàu tiềm năng.
"Năm 2023, Việt Nam lọt top 10 thị trường logistics mới nổi trên thế giới; đứng thứ 4 Đông Nam Á và thứ 10, theo bảng xếp hạng thường niên của Agility năm 2023. Logistics là một trong những ngành tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam với tốc độ bình quân 14-16%/năm quy mô 40-42 tỷ USD/năm", ông dẫn chứng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam đang hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng, cùng tốc độ tăng trưởng kinh tế lạc quan. Do đó, Việt Nam sẽ sớm trở thành 'ngôi sao logistics” của châu Á trong thời gian tới.
Để phát triển ngành logistics hiện đại, bền vững, ông Trương Tấn Lộc - Giám đốc Marketing, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho rằng doanh nghiệp cần thay đổi tư duy cũ sang lối tư duy mới, thay đổi cách làm cũ.
Đồng thời cần sự đồng hành, sự ủng hộ, hợp tác của doanh nghiệp, giảm thiểu các rủi ro và đơn giản hóa quy trình trong xây dựng và phát triển giải pháp mới cho hệ thống logistics tại địa phương cũng như kết nối liên vùng.
Với các doanh nghiệp cảng biển tại Việt Nam, ông cho rằng việc xây dựng hệ thống dữ liệu chung cho hệ thống cảng biển Việt Nam, kết nối với các cảng trong khu vực và trên thế giới sẽ góp phần tăng hiệu suất khai thác, tăng sức cạnh tranh của Việt Nam với các cụm cảng lân cận như Singapore hay Thái Lan, Hong Kong.