Chi phí phát triển hơn 10 tỷ USD, nhưng kính thiên văn James Webb chỉ được trang bị ổ SSD 68GB
Không chỉ có dung lượng nhỏ hơn mà ổ SSD của kính thiên văn James Webb còn chậm hơn hầu hết các ổ SSD mà người dùng đang dùng hàng ngày.
Kính thiên văn không gian James Webb (JWST) đã cho thấy sức mạnh của mình khi mang đến cho nhân loại những bức ảnh đầy cảm xúc về vũ trụ rộng lớn bên ngoài Trái Đất. Nhưng cũng giống như một chiếc máy ảnh hay máy tính thông thường, kính thiên văn này cũng cần một ổ cứng để lưu trữ những bức ảnh tuyệt vời đó trước khi gửi chúng về Trái Đất. Vậy kính thiên văn này lưu trữ như thế nào?
Theo tài liệu đăng tải trên trang IEEE Spectrum, ổ cứng SSD trong kính thiên văn nổi tiếng này chỉ có dung lượng 68GB – vừa đủ để chứa các hình ảnh JWST chụp được trong một ngày – nhưng nó dường như quá bé so với dung lượng các ổ cứng phổ thông hiện nay.
Giống như mọi thiết bị vũ trụ khác khi ra ngoài không gian cách xa Trái Đất hàng triệu kilomet, kính JWST sẽ bị bắn phá dữ dội bởi các loại tia bức xạ và hoạt động trong môi trường lạnh đến âm 50oC. Vì vậy, SSD cũng giống như các linh kiện điện tử khác, sẽ phải trải qua quá trình gia cường chống tia bức xạ vũ trụ và sống sót được trong các điều kiện khắc nghiệt ngoài vũ trụ.
Cho dù không có tốc độ nhanh như các SSD phổ thông, nó vẫn đủ cho việc ghi dữ liệu trong suốt 120 phút từ camera 48Mbps của kính thiên văn JWST. Cùng lúc đó, kính thiên văn này cũng có thể truyền dữ liệu đó về Trái Đất với tốc độ 28Mbps tới mạng lưới Deep Space Network qua băng tần Ka-band 25,9 GHz.
Dù có khả năng thu thập dữ liệu lớn hơn nhiều so với kính thiên văn Hubble (57GB mỗi ngày so với 1-2GB của Hubble), kính JWST có thể gửi toàn bộ số dữ liệu này về Trái Đất trong khoảng 4,5 giờ. Kính thiên văn JWST liên lạc về Trái Đất trong 2 khung giờ mỗi ngày, mỗi lần kéo dài khoảng 4 tiếng và truyền được khoảng 28,6GB dữ liệu khoa học.
Nói cách khác, ổ cứng SSD dung lượng 68GB này đủ để kính thiên văn JWST thu thập và gửi về Trái Đất trong 1 ngày – do vậy không cần phải lưu trữ lại trên kính thiên văn ngoài không gian đó. Ngoài ra khoảng 3% dung lượng ổ SSD này được sử dụng cho việc lưu trữ các dữ liệu kỹ thuật và hoạt động.
Mặc dù vậy, theo ước tính của NASA, ổ SSD hơn 60GB này sẽ chỉ có vòng đời trong 10 năm trước khi bị chai và ăn mòn do bức xạ. Giới hạn này có thể làm kính thiên văn JWST có thời gian hoạt động ngắn hơn so với Hubble khi kính thiên văn nổi tiếng này vẫn vận hành bình thường trong hơn 30 năm nay.
Vẫn chưa rõ lý do tại sao NASA lại chọn ổ cứng SSD có dung lượng thấp như vậy. Nhưng giống như mọi dự án vũ trụ khác, kính thiên văn JWST được thiết kế từ cách đây khá lâu – được lên ý tưởng từ năm 1996, thiết kế từ năm 1999 trước khi thiết kế lại vào năm 2005 – nghĩa là từ thời điểm các bước tiến về thiết bị công nghệ vẫn còn đang ở điểm đầu. Hơn nữa, các thiết bị này còn phải trải qua thời gian dài để cường hóa và thực hiện các thử nghiệm khắt khe, do vậy, nó sẽ không dễ dàng thay đổi theo các bước tiến như đối với người dùng phổ thông.
Tham khảo Engadget