Thế giới kỳ vọng điều gì ở COP29 diễn ra tuần tới tại Azerbaijan?

Ngày 11/11 tới đây, tại Baku (Azerbaijan), Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) sẽ chính thức diễn ra.

Ngày 11/11 tới đây, tại Baku (Azerbaijan), Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) sẽ chính thức diễn ra. (Ảnh: Reuters)

Ngày 11/11 tới đây, tại Baku (Azerbaijan), Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) sẽ chính thức diễn ra. (Ảnh: Reuters)

Trong bối cảnh một loạt thảm họa thiên nhiên đang gia tăng khắp các châu lục, COP29 được kỳ vọng sẽ mở ra kỷ nguyên hành động mới, mạnh mẽ và đồng bộ hơn trên phạm vi toàn cầu.

Thảm họa thời tiết đang diễn ra thường xuyên hơn

Ngay trước thềm COP29, nhân loại đang phải đối diện với một trong những cuộc khủng hoảng khí hậu tồi tệ nhất.

Cuối tháng 10/2024, Tây Ban Nha trải qua đợt lũ lụt kinh hoàng chưa từng thấy trong lịch sử hiện đại, khiến hơn 220 người tử vong, hàng chục nạn nhân khác vẫn đang mất tích. Đáng chú ý, đây cũng là tháng 10 có lượng mưa lớn nhất từng được ghi nhận tại xứ sở đấu bò tót, cao gấp đôi mức thông thường trước đây. Cơ quan thời tiết Tây Ban Nha AEMET cũng cho hay, nhiệt độ trung bình tháng qua tại quốc gia này cũng vượt ngưỡng bình quân tới 0,9 độ C.

Trên bình diện toàn cầu, chỉ trong vòng 2 tháng 9 và 10, thế giới liên tiếp chứng kiến siêu bão hình thành và càn quét qua nhiều châu lục.

Ngay trước thềm COP29, nhân loại đang phải đối diện với một trong những cuộc khủng hoảng khí hậu tồi tệ nhất. (Ảnh: Reuters)

Ngay trước thềm COP29, nhân loại đang phải đối diện với một trong những cuộc khủng hoảng khí hậu tồi tệ nhất. (Ảnh: Reuters)

Tại châu Á, tháng 9/2024, bão Yagi đã đổ bộ vào Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Thái Lan… gây ra những hậu quả thảm khốc. Theo thống kê của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, cơn bão đã gây ra trận mưa lớn nhất trong vòng vài chục năm qua, đồng thời khiến 20/25 tỉnh thành phố ngập lụt. Gần 3,3 tỷ USD là ước tính thiệt hại sơ bộ sau bão. Ngoài ra, 334 người đã bị chết, mất tích; 1.976 người bị thương hoặc sang chấn tâm lý nặng nề sau thiên tai (Số liệu công bố chính thức từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Không chỉ Việt Nam, các quốc gia lân cận như Phillipines, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar… cũng chịu tác động nặng nề của Yagi. Tại Myanmar, lũ lụt và lở đất đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 226 người. Tổng số người chết ở Đông Nam Á do cơn bão gây ra cũng lên tới hơn 500 trường hợp.

Bão Yagi để lại hậu quả nặng nề cho Việt Nam.

Bão Yagi để lại hậu quả nặng nề cho Việt Nam.

Cũng trong tháng 9, bão Boris đã hoành hành tại nhiều nước Trung Âu, gây ra đợt lũ lụt nghiêm trọng nhất trong suốt hơn 2 thập kỷ ở khu vực. Ít nhất 26 người đã tử vong trong các sự cố liên quan.

Các thảm họa thiên nhiên chưa dừng lại khi cuối tháng 9, đến lượt Mỹ đối mặt với siêu bão Helene. Mặc dù suy yếu khá nhanh khi vào đất liền, nhưng cơn bão cũng khiến hơn 200 người tử vong. Thiệt hại về kinh tế ước tính lên tới 110 tỷ USD biến Helene trở thành một trong những cơn bão “tốn kém” nhất lịch sử nước Mỹ hiện đại. Cùng thời điểm, mưa lớn tại Nepal cũng gây ra sạt lở và lũ lụt diện rộng, cướp đi sự sống của 192 người.

Nhiều nhà khoa học thậm chí còn nhận định: Nhân loại đang bước vào "kỷ nguyên siêu bão”. Một báo cáo từ Trung tâm Dự báo bão quốc gia Mỹ (NHC) cho biết, trong 2 thập kỷ qua, số lượng bão cấp 3 trên toàn cầu đã tăng hơn 30%.

Bức tranh biến đổi khí hậu thế giới càng trở nên ảm đạm hơn khi một loạt báo cáo mới được công bố trong tháng 10. Tại Thụy Sĩ, Mạng lưới giám sát sông băng (GLAMOS) cảnh báo, tốc độ tan băng tại các dòng sông trên dãy Alps huyền thoại đang ở mức rất cao. Tổ chức này thậm chí cảnh báo, nếu không sớm có biện pháp quyết liệt nhằm đảo ngược tình trạng nóng lên toàn cầu, tới năm 2100, 80% sông băng thuộc dãy núi dài nhất châu Âu sẽ biến mất hoàn toàn.

Trên đại dương, Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết, thảm họa tẩy trắng san hô lần thứ 4 đang diễn ra trên cả 3 đại dương lớn là Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương với 80% diện tích bị ảnh hưởng. Đây cũng là thảm họa lớn nhất từng được ghi nhận trong lịch sử, vượt mốc 66% giai đoạn 2014-2017 trước đó.

COP29 cũng sẽ diễn ra trong “năm nóng nhất lịch sử nhân loại” – theo khảo sát mới nhất của Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu. (Ảnh: Reuters)

COP29 cũng sẽ diễn ra trong “năm nóng nhất lịch sử nhân loại” – theo khảo sát mới nhất của Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu. (Ảnh: Reuters)

COP29 cũng sẽ diễn ra trong “năm nóng nhất lịch sử nhân loại” – theo khảo sát mới nhất của Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu. C3S cho biết, từ tháng 1 đến tháng 10, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã cao đến mức chắc chắn năm 2024 sẽ là năm nóng nhất thế giới - trừ khi nhiệt độ bất thường trong phần còn lại của năm giảm xuống gần bằng không.

Giám đốc C3S Carlo Buontempo nói với hãng tin Reuters, rằng: "Nguyên nhân cơ bản dẫn đến nóng kỷ lục của năm nay là do biến đổi khí hậu. Nói chung, khí hậu đang ấm lên ở tất cả các châu lục, ở tất cả các lưu vực đại dương. Vì vậy, chắc chắn chúng ta sẽ thấy những kỷ lục bị phá vỡ".

Các nhà khoa học cho biết, năm 2024 cũng sẽ là năm đầu tiên nhiệt độ trái đất nóng hơn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp 1850-1900, khi con người bắt đầu đốt nhiên liệu hóa thạch ở quy mô công nghiệp. Khí thải carbon dioxide từ việc đốt than, dầu và khí đốt là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, COP29 đang được kỳ vọng có thể giải quyết nhiều bài toán khó của nhân loại trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. (Ảnh: Reuters)

Diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, COP29 đang được kỳ vọng có thể giải quyết nhiều bài toán khó của nhân loại trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. (Ảnh: Reuters)

Trong thông điệp phát đi hồi tháng 5/2024, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh: “Các nhà khoa học đã cảnh báo chúng ta rằng nhiệt độ tăng cao hơn có thể có nghĩa là: Sự sụp đổ của Dải băng Greenland và Dải băng Tây Nam Cực cùng với mực nước biển dâng thảm khốc; phá hủy hệ thống rạn san hô nhiệt đới và sinh kế của 300 triệu người; sự sụp đổ của dòng hải lưu Labrador sẽ làm gián đoạn thêm các kiểu thời tiết ở châu Âu; và sự tan chảy của lớp băng vĩnh cửu trên diện rộng sẽ giải phóng lượng khí mêtan có sức tàn phá lớn, một trong những loại khí giữ nhiệt mạnh nhất”.

Kỳ vọng bước ngoặt về tài chính khí hậu ở COP29

COP29 được mệnh danh là "COP tài chính khí hậu". Theo phân tích của Reuters, mục tiêu chính của Hội nghị lần này là thống nhất về số tiền cần dành ra hằng năm để giúp các quốc gia đang phát triển ứng phó với các vấn đề liên quan đến khí hậu.

Cụ thể, các quốc gia được kỳ vọng sẽ thay thế cam kết dành 100 tỷ USD/năm cho các nước đang phát triển mà các bên đã nhất trí tại Hội nghị diễn ra tại Copenhagen (Đan Mạch) vào năm 2009. Mục tiêu mới mang tên Mục tiêu định lượng chung mới về tài chính khí hậu (NCQG) sẽ được thảo luận tại COP29 và dự kiến có hiệu lực từ năm 2025.

Đây cũng là lần đầu tiên sau 15 năm, các quốc gia sẽ cùng đánh giá lại số tiền cũng như loại hình tài chính mà các nước đang phát triển nhận được để chi trả cho hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thực tế, bất đồng về tài chính khí hậu đã gây ra nhiều khó khăn cho các cuộc đàm phán COP trước đây, khi các nước phát triển gây ra nhiều khí phát thải bị chỉ trích không có đóng góp tương xứng. Trước đó, tại COP27 diễn ra ở Ai Cập, các nước giàu đã cam kết đóng góp khoảng 661 triệu USD vào Quỹ ứng phó với mất mát và thiệt hại nhằm giúp các nước nghèo chi phí khắc phục thảm họa do biến đổi khí hậu như lũ lụt, bão hoặc hạn hán nghiêm trọng.

Hồi tháng 6/2024, Hội nghị tham vấn của Liên hợp quốc về khí hậu diễn ra tại Bonn (Đức) vốn được xem như Hội nghị trù bị cho COP29 đã kết thúc trong bế tắc cũng bởi những bất đồng này khi các nước không tìm được tiếng nói chung về mức đóng góp, đối tượng được ưu tiên tài trợ cũng như hình thức sử dụng cũng như nhiều vấn đề có liên quan khác. Trong khi đó, không ít ý kiến còn cho rằng, các quốc gia có lượng khí thải và năng lực kinh tế cao cần phải đóng góp nhiều hơn.

Mặc dù được kỳ vọng sẽ đưa ra những thỏa thuận quan trọng về tài chính khí hậu, nhưng COP29 vẫn có khả năng chịu chia rẽ vì bất đồng giữa các quốc gia trong vấn đề này. (Ảnh: Reuters)

Mặc dù được kỳ vọng sẽ đưa ra những thỏa thuận quan trọng về tài chính khí hậu, nhưng COP29 vẫn có khả năng chịu chia rẽ vì bất đồng giữa các quốc gia trong vấn đề này. (Ảnh: Reuters)

Bên cạnh tài chính khí hậu, một vấn đề cũng nhận được sự quan tâm là cam kết chuyển đổi nhiên liệu hóa thạch – kết quả quan trọng đã đạt được tại COP28. Tại Baku, các quốc gia sẽ tiếp tục thảo luận về tiến độ thực hiện cam kết kể trên, trong bối cảnh Trái đất vẫn đang nóng lên từng ngày.

Điều này càng trở nên cấp bách hơn khi COP29 diễn ra trong bối cảnh chỉ còn vài tháng nữa là tới hạn chót cho các quốc gia cung cấp kế hoạch cập nhật để giảm phát thải khí nhà kính theo Thỏa thuận Paris.

Dẫn lời bà Sonia Seneviratne, nhà khoa học về khí hậu tại Trường đại học nghiên cứu công lập ETH Zurich (Thụy Sĩ), hãng tin Reuter cho biết, “những giới hạn được đặt ra trong Thỏa thuận Paris đang bắt đầu đổ vỡ do tiến trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trên toàn thế giới diễn ra quá chậm".

Các quốc gia đã nhất trí trong Thỏa thuận Paris năm 2015 về việc cố gắng ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu vượt quá 1,5 độ C để tránh xảy ra những hậu quả tồi tệ nhất. Tuy nhiên, hiện nay, thế giới vẫn chưa đạt được mục tiêu hạn chế tình trạng nóng lên ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Hội nghị COP29 sắp tới được dư luận gọi là “COP tài chính”, khi đặt mục tiêu đưa ra các quyết định quan trọng về tài chính khí hậu. Tuy nhiên, với các vấn đề còn tranh cãi hiện nay, các cuộc đàm phán về khí hậu sẽ gặp nhiều chông gai do mâu thuẫn lợi ích giữa các nước. (Ảnh: Reuters)

Hội nghị COP29 sắp tới được dư luận gọi là “COP tài chính”, khi đặt mục tiêu đưa ra các quyết định quan trọng về tài chính khí hậu. Tuy nhiên, với các vấn đề còn tranh cãi hiện nay, các cuộc đàm phán về khí hậu sẽ gặp nhiều chông gai do mâu thuẫn lợi ích giữa các nước. (Ảnh: Reuters)

Bà Sonia Seneviratne kêu gọi Các chính phủ tại COP29 nhất trí hành động mạnh mẽ hơn để giảm dần sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch thải CO2 vào nền kinh tế của họ.

Cũng tại COP29, các Chính phủ mong muốn làm rõ các quy định về giao dịch tín chỉ carbon thu được thông qua việc bảo vệ rừng cũng như các nguồn hấp thụ carbon tự nhiên khác. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp kỳ vọng COP29 sẽ đặt ra những nguyên tắc để bảo đảm tính minh bạch, toàn vẹn về môi trường trong các dự án được ghi nhận với Cơ chế tín dụng Thỏa thuận Parris (PACM).

Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) sẽ chính thức diễn ra tại Baku, Azerbaijan từ ngày 11 đến ngày 22/11/2024 tới đây. COP29 bắt đầu chỉ 6 ngày sau khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ (5/11). Giới quan sát cho rằng, kết quả bầu cử mới nhất, với sự chiến thắng của ông Donal Trump chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán của các bên tại Hội nghị lần này.

BÌNH AN (Tổng hợp từ Reuters)

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/the-gioi-ky-vong-dieu-gi-o-cop29-dien-ra-tuan-toi-tai-azerbaijan-post844008.html