Chi phí vận tải biển cao có thể phá hỏng lộ trình giảm lãi suất

Nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo về nguy cơ chi phí vận tải biển tăng cao sẽ đẩy lạm phát tăng, làm chậm tốc độ giảm lãi suất theo dự kiến của các ngân hàng trung ương.

(KTSG Online) – Nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo về nguy cơ chi phí vận tải biển tăng cao sẽ đẩy lạm phát tăng, làm chậm tốc độ giảm lãi suất theo dự kiến của các ngân hàng trung ương.

Giá cước vận chuyển một container 40 foot (TEU) trên các tuyến giữa châu Á và Bắc Âu đã lên mức 8.461 đô la Mỹ. Ảnh: Getty Images.

Giá cước vận chuyển một container 40 foot (TEU) trên các tuyến giữa châu Á và Bắc Âu đã lên mức 8.461 đô la Mỹ. Ảnh: Getty Images.

Cước vận chuyển container từ châu Á tăng gấp đôi

Theo nhà cung cấp dữ liệu vận tải biển Xeneta, chi phí vận chuyển một container 40 foot (TEU) trên các tuyến giữa châu Á và Bắc Âu tăng hơn gấp đôi kể từ tháng 4, từ 3.223 lên 8.461 đô la Mỹ.

Chi vận chuyển một container đồ chơi, phụ tùng ô tô hoặc hàng hóa khác tiêu chuẩn 40 foot từ Thượng Hải đến New York tăng lên mức 9.387 đô la vào ngày 11-17. Mức giá cước này cao hơn gấp đôi so với hồi tháng 2.

Giá cước vận tải biển tăng mạnh sau khi phiến quân Houthi ở Yemen gia tăng tấn công các tàu thương mại đi qua qua Biển Đỏ, nằm ở phía nam kênh đào Suez, tuyến đường biển ngắn nhất kết nối châu Á và châu Âu

Khi giá cước bắt đầu tăng vào tháng 12 năm ngoái, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ lạc quan cho rằng, điều đó sẽ không đẩy giá cả hàng tiêu dùng tăng cao hơn nhiều so với thời kỳ ngay sau đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, trong tuần qua, bà Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cảnh báo, căng thẳng địa chính trị leo thang có nguy cơ đẩy lạm phát tăng cao. Dự báo, giá năng lượng và chi phí vận chuyển hàng hóa sẽ cao hơn trong thời gian tới.

Một số chuyên gia kinh tế cũng chia sẻ quan điểm này. Nhóm nhà nghiên cứu của ngân hàng đầu tư Nomura nhận thấy, có rất ít triển vọng giảm chi phí vận tải biển giảm trong ngắn hạn. Một loạt thách thức mà vận tải biển đang đối mặt gồm tình hình Biển Đỏ vẫn đang căng thẳng, các cuộc đình công có thể xảy ra tại các cảng của Mỹ và Đức, mực nước xuống thấp ở kênh đào Panama. Ngoài ra, các nhà bán lẻ phương Tây đang chạy đua mua hàng dự trữ sớm hơn thường lệ để chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm.

Andrzej Szczepaniak, nhà kinh tế của Nomura, nhận định có nhiều khả năng các công ty sẽ chuyển chi phí vận tải biển tăng thêm sang người tiêu dùng trong bối cảnh nhu cầu đang hồi phục ở khu vực đồng sử dụng đồng euro (eurozone) và Anh.

“Tiền lương thực tế đang được cải thiện, lạm phát chung đang giảm, tiêu dùng sẽ mạnh hơn trong tương lai và tốc độ tăng trưởng sẽ tăng tốc”, ông nói và ước tính, chi phí vận tải biển có thể làm tăng thêm 0,3-0,4 điểm phần trăm vào lạm phát ở Anh và eurozone vào cuối năm 2025.

Brian Coulton, nhà kinh tế trưởng của Fitch Ratings, cũng dự báo các tác động tương tự. Ông cho rằng, nhà đầu tư chưa chú ý đầy đủ đến nguy cơ các ngân hàng trung ương trì hoãn giảm lãi suất để ứng phó “dặm cuối” đầy khó khăn trong nỗ lực đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu.

Giá cước vận chuyển container từ châu Á đến Bắc Âu và Địa Trung Hải tăng vọt kể từ khi phiến quân Houthi phát động tấn công nhằm vào tàu thương mại đi qua Biển Đỏ vào cuối năm ngoái. Ảnh: Financial Times

Giá cước vận chuyển container từ châu Á đến Bắc Âu và Địa Trung Hải tăng vọt kể từ khi phiến quân Houthi phát động tấn công nhằm vào tàu thương mại đi qua Biển Đỏ vào cuối năm ngoái. Ảnh: Financial Times

Lộ trình giảm lãi suất có thể thay đổi?

Tuy nhiên, một số nhà kinh tế tỏ ra lạc quan hơn. Theo Holger Schmieding, nhà kinh tế của ngân hàng đầu tư Berenberg, chi phí vận tải biển không gây lo ngại lắm vì chỉ làm tăng lạm phát thêm 0,1-0,2 điểm phần trăm do các nhà sản xuất sẽ không mạo hiểm chuyển chi phí sang người tiêu dùng.

Theo quan điểm của Simon Macadam, nhà kinh tế của hãng tư vấn Capital Economics, bất kỳ tác động lạm phát nào từ chi phí vận tải biển sẽ ở mức nhỏ so với thách thức lớn hơn nhiều do giá cả dịch vụ tăng.

Macadam cho rằng, giá cước vận tải biển tăng đột biến trên các tuyến đi từ Trung Quốc không đại diện cho tổng chi phí vận tải biển toàn cầu. Hơn nữa, chi phí vận chuyển chỉ chiếm một phần nhỏ trong giá trị hàng hóa. Ngay cả khi các nhà sản xuất có nhiều quyền định giá giống như vào năm 2021 và 2022 cũng dự kiến chỉ chuyển một nửa mức tăng chi phí vận tải biển sang người tiêu dùng, làm lạm phát tăng thêm cao nhất là 0,2 điểm phần trăm.

Claus Vistesen của Công ty tư vấn Pantheon Macroeconomics lưu ý, nếu kéo dài thì chi phí vận biển cao hơn sẽ được phản ảnh qua giá cả hàng hóa tiêu dùng tại một thời điểm nào đó.

Simon French, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng đầu tư Panmure Liberum, cho rằng ngay cả đợt tăng giá tương đối nhỏ của hàng hóa cũng sẽ gây lo ngại cho các ngân hàng trung ương, có thể kìm hãm tốc độ nới lỏng tiền tệ.

“Các ngân hàng trung ương đã đặt ra một lộ trình nới lỏng tiền tệ dựa trên giả định lạm phát giá cả hàng hóa tiếp tục hạ nhiệt. Nhưng cước phí vận tải biển cao hiện nay có thể làm hỏng lộ trình đó. Thị trường vẫn chưa tính toán cho kịch bản này”, French nói.

Theo Financial Times

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/chi-phi-van-tai-bien-cao-co-the-pha-hong-lo-trinh-giam-lai-suat/