CHỈ RÕ NGUYÊN NHÂN CHỦ YẾU DẪN ĐẾN BẤT CẬP TRONG THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ

Tại phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến về Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, để có giải pháp căn cơ, sát thực cần chỉ rõ nguyên nhân chủ yêu dẫn đến những bất cập, khó khăn trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021

Đa số ý kiến các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện nghiêm túc Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhằm huy động, quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực cho sự phát triển đất nước. Trong đó, thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ đã điều chỉnh tiết kiệm chi thường xuyên, tăng chi cho đầu tư phát triển. Tỷ lệ giữa chi thường xuyên và chi cho đầu tư phát triển có sự chuyển biến rất tích cực.

Dù còn nhiều khó khăn, nhưng Chính phủ đã nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành, xử lý linh hoạt, đồng bộ các giải pháp, nhờ đó, kinh tế vẫn đạt tăng trưởng dương 2,58%; kinh tế vĩ mô ổn định và có 7/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch. Các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là cân đối thu chi ngân sách nhà nước được bảo đảm. Bên cạnh đó, các ý kiến phát biểu cũng chỉ ra những hạn chế, tồn tại trong công tác thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí hiện nay.

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh

Góp ý tại phiên họp, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, Chính phủ cần tập trung làm rõ hơn các nguyên nhân dẫn đến những bất cập, hạn chế và khó khăn hiện nay. Chính phủ cần tổng kết, đánh giá rõ hơn các nguyên nhân chủ quan để có cơ sở đề xuất các giải pháp cụ thể, sớm khắc phục, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lmãng phí.

Theo Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, một trong những nguyên nhân dẫn đến thất thoát, lãng phí là các định mức, tiêu chuẩn, đơn giá còn thiếu, chưa phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là định mức, đơn giá, tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến xây dựng cơ bản. “Đây là một trong những nội dung vướng nhất, dù các bộ, ngành có liên quan đã được giao nhiệm vụ, nhưng triển khai chưa kịp thời, chưa bám sát yêu cầu thực tế, nhất là các dự án liên quan đến nạo vét sông, hồ, kè, đập…”, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh.

Liên quan đến nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, cần tiếp tục chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về định mức, tiêu chuẩn, đơn giá còn thiếu, chưa phù hợp với thực tiễn. “Bây giờ công tác thực hành tiết kiệm làm sao phải tính toán cụ thể để không thất thoát, lãng phí tiền nhà nước, chúng ta phải rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan để tạo điều kiện, tháo gỡ những nút thắt, điểm nghẽn hiện nay để hướng dẫn cụ thể các địa phương không lúng túng…”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ, trong việc ban hành các văn bản, hướng dẫn thi hành các văn bản về định mức, tiêu chuẩn, đơn giá, Chính phủ phải nêu ra đâu là vấn đề đang cản trở sự phát triển, làm trầm trọng thêm câu chuyện lãng phí của cải, tiền bạc của đất nước. Đồng thời, cần soi lại việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn trong lĩnh vực xây dựng và đầu tư.

Nhắc lại thời điểm trước đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã hứa trước Quốc hội, bao nhiêu thời gian thì hoàn thành xây dựng hệ thống đơn giá, định mức trong xây dựng cơ bản, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu bây giờ phải đánh giá những việc thực hiện, đã hoàn thành bao nhiêu phần trăm, còn lại bao nhiêu chưa được sửa đổi kịp thời, làm chậm giải ngân đầu tư công, gây ách tắc đầu tư công, hoặc làm tăng chi phí đầu tư công,….

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu thực tế, một số hệ thống đơn giá, định mức không được dự toán hợp lý, như trong lĩnh vực phát thanh, truyền thông, y tế, môi trường, … khiến nhiều nơi không thể giao nhiệm vụ, đặt hàng hay đấu thầu được. Do vậy, văn bản nào trái thẩm quyền, văn bản nào gây ách tắc cần chỉ ra, gom lại trong báo cáo này.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương

Từ góc độ chuẩn bị báo cáo trình Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho rằng, các báo cáo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đều có chung 1 mô típ nên khi nghiên cứu để đánh giá về sự tiến bộ cũng như những hạn chế, bất cập, tồn tại và những khuyết điểm mới phát sinh của từng năm rất khó. Toàn bộ những vấn đề ưu điểm, khuyết điểm nêu trong báo cáo không rõ... “Xung quanh chỉ đạo, điều hành chung báo cáo nêu những ưu điểm, khuyết điểm và đưa ra các nguyên nhân, trong đó một nguyên nhân khách quan là do COVID, còn lại 4 nguyên nhân chủ quan thì cũng rất chung chung, đó là chỉ đạo, điều hành có lúc, có nơi lơ là, mất cảnh giác, chủ quan và bị động… “,Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương dẫn chứng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Quang Phương nhấn mạnh, quan trọng nhất vẫn tìm nguyên nhân, trong một loạt các nguyên nhân nểu ra cần tìm và chỉ rõ nguyên nhân cốt lõi và quy rõ trách nhiệm để có kiến nghị phù hợp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải

Mặc dù báo cáo của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 cho thấy ý thức tiết kiệm, chống lãng phí từng bước được nâng lên, bảo đảm sử dụng các nguồn lực của Nhà nước, của nhân dân ngày càng tiết kiệm, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, qua báo cáo thẩm tra và ý kiến phát biểu tại Thường vụ, cho thấy cả 7 lĩnh vực quan trọng theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn diễn ra tình trạng lãng phí, chưa tiết kiệm, còn vi phạm, sai sót ở mức độ khác nhau, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý ngân sách nhà nước, đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm công, quản lý đất đai, tài sản công, tài nguyên và khoáng sản.

Thống nhất với các nhiệm vụ, giải pháp năm 2022 do Chính phủ nêu và Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã nhấn mạnh thêm trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần tiếp tục cụ thể hóa hơn những giải pháp đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong đó, lưu ý các giải pháp để rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong mua sắm công, quản lý đầu tư công, đất đai, tài sản công, cổ phẩn hóa. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách về định mức đơn giá tiêu chuẩn chế độ còn thiếu; nghiên cứu ban hành quy định tiêu chí để định lượng rõ hơn các vấn đề liên quan đến năng suất, tiết kiệm của cán bộ, công chức, hợp đồng; khắc phục tình trạng phân bổ dự toán chậm, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp;…/.

Lan Anh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=64174