Chỉ số Cải cách hành chính năm 2024: Giá trị trung bình cao nhất từ trước đến nay

Theo kết quả công bố, Chỉ số Cải cách hành chính (CCHC) năm 2024 của các tỉnh, TP tiếp tục duy trì tăng trưởng tích cực, với giá trị trung bình cao nhất từ trước đến nay, đạt 88,37%. Đây cũng là lần thứ 2 liên tiếp có 63/63 địa phương đều đạt kết quả Chỉ số CCHC trên 80%, trong đó 53/63 địa phương có Chỉ số CCHC tăng so với năm trước.

Sáng nay, 6/4, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã báo cáo và công bố kết quả, xếp hạng Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2024 (SIPAS) và Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) (PAR Index) năm 2024 của UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư.

Theo Bộ trưởng, năm 2024 là năm thứ 13, Bộ Nội vụ triển khai đánh giá, xác định Chỉ số CCHC của các tỉnh. Bộ Nội vụ đã phê duyệt bộ tiêu chí đánh giá mới nhằm sửa đổi, bổ sung, cập nhật các tiêu chí và phương pháp đánh giá cho phù hợp thực tiễn và góp phần thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ CCHC được Chính phủ giao tại Nghị quyết 76/NQ-CP.

Theo đó, Chỉ số CCHC cấp tỉnh bao gồm 8 lĩnh vực đánh giá, 38 tiêu chí, 88 tiêu chí thành phần; tổng điểm đánh giá là 100 điểm, trong đó 68 điểm đánh giá kết quả CCHC và thực hiện chỉ tiêu phát triển KT-XH, 32 điểm đánh giá tác động của CCHC thông qua điều tra xã hội học (XHH). Để xác định Chỉ số CCHC năm 2024, Bộ Nội vụ đã tiến hành khảo sát hơn 85.600 phiếu, trong đó 36.525 phiếu của người dân để đo lường mức độ hài lòng; 49.159 phiếu điện tử khảo sát nhóm đối tượng là cán bộ, công chức, lãnh đạo quản lý tại các bộ, địa phương, hội, hiệp hội.

Hà Nội duy trì xếp thứ 3 cả nước về Chỉ số cải cách hành chính

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ về kết quả Chỉ số CCHC năm 2024 của UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư cho thấy, Chỉ số CCHC năm 2024 của các tỉnh, TP tiếp tục duy trì tăng trưởng tích cực, với giá trị trung bình cao nhất từ trước đến nay, đạt 88,37%, cao hơn 1,39% so với năm 2023. Đây cũng là lần thứ 2 liên tiếp có 63/63 địa phương đều đạt kết quả Chỉ số CCHC trên 80%.

Theo thống kê, 53/63 địa phương có Chỉ số CCHC tăng so với năm 2023, tăng cao nhất là Bình Thuận (tăng 6,39%) và tăng thấp nhất là Lai Châu (tăng 0,19%). Tuy nhiên vẫn còn 9 địa phương có Chỉ số giảm, nhưng giảm không đáng kể.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà công bố kết quả, xếp hạng Chỉ số Cải cách hành chính năm 2024 của UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư (Ảnh: VGP/NB)

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà công bố kết quả, xếp hạng Chỉ số Cải cách hành chính năm 2024 của UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư (Ảnh: VGP/NB)

Đáng chú ý, TP Hải Phòng đã tăng 1 bậc so với năm trước, vươn lên đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2024 với điểm số đạt 96,17%. Đây là lần thứ 2 Hải Phòng dẫn đầu cả nước về Chỉ số CCHC (gần nhất là năm 2021); trong lịch sử 13 năm đánh giá, TP này có 12 năm liên tiếp nằm trong tốp 5 địa phương dẫn đầu cả nước về Chỉ số CCHC, trong đó 7 năm xếp vị trí thứ 2/63.

Tiếp theo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đứng thứ 2/63 với kết quả đạt 93,35%, tăng 3 bậc so với năm 2023.

Năm qua, mức độ hài lòng của người dân về chất lượng cung cấp dịch vụ công của tỉnh thuộc nhóm rất cao (đạt 90,09%); là địa phương tiên phong triển khai chính sách miễn 100% học phí cho học sinh phổ thông (đến nay đã được nhân rộng ra cả nước). Đồng thời, tăng trưởng GRDP năm 2024 đạt 11,72% - cao nhất 10 năm gần đây; thu hút đầu tư vốn FDI hơn 2 tỷ USD, tăng gấp hơn 2 lần so với năm trước.

Cùng đó, theo đánh giá, một số địa phương khác cũng thể hiện sự tiến bộ vượt trội và đạt kết quả rất tích cực trong công tác CCHC. Trong top 5 của bảng xếp hạng, đáng kể là TP Hà Nội duy trì xếp thứ 3/63, đạt 92,75%; Quảng Ninh xếp thứ 4/63, đạt 91,49%; Thái Nguyên xếp thứ 5/63, đạt 91,47%.

Đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2024 là tỉnh Cao Bằng, đạt 82,95%, tuy vậy kết quả này vẫn cao hơn 1,63% so với đơn vị đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2023 (An Giang năm 2023 chỉ đạt 81,32%).

Qua đánh giá, năm 2024, Chỉ số CCHC của tỉnh Cao Bằng đã tăng 0,98% so với năm trước, tuy nhiên, việc thực hiện một số nội dung cải cách vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra như: chậm xử lý văn bản trái pháp luật đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận, kiến nghị; chậm đồng bộ, công khai hồ sơ TTHC trên Cổng DVC quốc gia; kỷ luật kỷ cương hành chính một số nơi chưa nghiêm; chậm ban hành các văn bản liên quan quản lý tài sản công; hiệu quả cung cấp DVC trực tuyến, thực hiện số hóa giấy tờ, hồ sơ còn thấp....

Cũng theo kết quả Chỉ số CCHC được công bố, năm qua, có 6/8 chỉ số thành phần tăng điểm, trong đó tăng cao nhất là Chỉ số thành phần “Tác động của CCHC đến người dân và phát triển KT-XH tại địa phương” (tăng 3,79%).

Người dân được giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội - Chi nhánh số 3

Người dân được giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội - Chi nhánh số 3

So sánh kết quả Chỉ số CCHC giữa 6 vùng KT-XH cho thấy, 6/6 vùng đều có giá trị trung bình Chỉ số CCHC đạt trên 80% và tăng trưởng cao hơn so với năm trước. Giá trị trung bình cao nhất là vùng Đồng bằng sông Hồng với kết quả đạt 90,17%, cao hơn 1,85% so với năm 2023; tiếp theo là vùng Đông Nam Bộ, đạt 89,44%, cao hơn 1,99% so với năm 2023, cũng là vùng kinh tế có giá trị trung bình Chỉ số CCHC tăng trưởng cao nhất so với các vùng kinh tế còn lại…

Chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính có chuyển biến tích cực

Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, năm 2024, các địa phương đã có nhiều nỗ lực chỉ đạo và tổ chức triển khai công tác CCHC một cách toàn diện, hiệu quả. Kết quả đánh giá nhiều tiêu chí cho thấy sự chuyển biến rõ nét so với năm 2023; phương pháp chỉ đạo, điều hành CCHC có nhiều sáng tạo, đổi mới tích cực. Các hoạt động chỉ đạo, điều hành CCHC ngày càng có những chuyển biến tích cực cả về tư duy, hành động và hiệu quả đạt được trong thực tiễn.

Các địa phương đã tăng cường rà soát, đề xuất tháo gỡ nhiều thể chế, cơ chế, chính sách, góp phần tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư, tạo động lực thúc đẩy thực hiện thắng lợi nhiều chỉ tiêu KT-XH đề ra trong năm. Cùng đó, cải cách thủ tục hành chính được triển khai quyết liệt, với nhiều mô hình mới được triển khai thí điểm, gắn kết chặt chẽ với chuyển đổi số và Đề án 06, đã mang lại nhiều hiệu quả, lợi ích thiết thực cho người dân, DN.

Đồng thời, trong năm 2024, cải cách tổ chức bộ máy đã được tiến hành khẩn trương, khoa học và đạt nhiều kết quả đột phá. Xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số tiếp tục là điểm sáng của cải cách, khung pháp lý tiếp tục được hoàn thiện. Các ứng dụng, cơ sở dữ liệu được phát triển mạnh mẽ, dữ liệu thường xuyên được cập nhật, kết nối chia sẻ liên thông, phục vụ ngày càng hiệu quả cho hoạt động chỉ đạo điều hành của lãnh đạo UBND các cấp ở địa phương.

Thông qua đánh giá, xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2024 là dịp để các địa phương có điều kiện nghiên cứu, phân tích dữ liệu, xác định rõ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, từ đó, ban hành và triển khai các giải pháp, biện pháp khắc phục đối với từng nội dung, nhiệm vụ cụ thể, góp phần đẩy mạnh CCHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý và nâng cao chất lượng phục vụ người dân, DN trong năm 2025 và tiếp theo.

Trích dẫn

Trích dẫn 1

"Theo kết quả mà Bộ Nội vụ vừa công bố, năm 2024, Chỉ số Cải cách hành chính (Par Index) của Hà Nội tiếp tục vị trí thứ 3, chỉ số Hài lòng (Sipas) xếp vị trí thứ 11, đã tăng 10 bậc so với năm trước (năm 2023 tăng 9 bậc). Các nỗ lực của TP Hà Nội trong năm 2024 đã được người dân tiếp tục ghi nhận, đánh giá cao hơn so với năm trước"- Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Mai Xuân Trường.

Linh Chi

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chi-so-cai-cach-hanh-chinh-nam-2024-gia-tri-trung-binh-cao-nhat-tu-truoc-den-nay.663951.html