Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 2022: Việt Nam yếu nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng

Ngày 29-9-2022, World Intellectual Property Organisation (WIPO – Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới) đã đưa ra báo cáo năm 2022 về chỉ số đổi mới sáng tạo của 132 nước trên thế giới, thành viên của tổ chức này(1). Có nhiều điều cần quan tâm từ kết quả của Việt Nam.Những năm gần đây, Việt Nam có chiều hướng tụt hạng trong GII, cho dù vẫn ở một vị trí khá khả quan. Điều này cho thấy tầm quan trọng của khả năng duy trì mức độ sáng tạo phát triển trong dài hạn.

Chỉ số đổi mới sáng tạo (Global Innovation Index – GII) là chỉ số đánh giá khả năng đổi mới sáng tạo của quốc gia. Kể từ năm 2007 đến nay, hàng năm, WIPO đều đưa ra bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo toàn cầu. Qua bảng xếp hạng này, chúng ta có thể thấy xu hướng phát triển sáng tạo trên thế giới ở nhiều lĩnh vực khác nhau, giúp dự đoán những thay đổi kinh tế trong tương lai gần.

GII vì thế đặc biệt thu hút sự quan tâm của các chính phủ cũng như của các nhà đầu tư tư nhân, vì nó là công cụ cho phép phân tích chính sách kinh tế và giúp đưa ra các quyết định đầu tư kinh doanh khôn ngoan hơn.

Quốc gia “thăng hạng” trong bảng xếp hạng sẽ có lợi thế thu hút các nhà đầu tư nước ngoài hơn. Không ít quốc gia hiện đang sử dụng GII để đánh giá và cải thiện hệ sinh thái sáng tạo trong nước, cũng như sử dụng GII như một tham khảo trong chính sách phát triển kinh tế.

Để đạt kết quả tích cực hơn nữa trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo Việt Nam cần cải tạo phát triển cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng giáo dục. Ảnh: H.P

Để đạt kết quả tích cực hơn nữa trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo Việt Nam cần cải tạo phát triển cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng giáo dục. Ảnh: H.P

Để xác định chỉ số sáng tạo, WIPO sử dụng khoảng hơn 80 tiêu chí, chia làm hai nhóm gồm nhóm đầu vào (giáo dục, nguồn lực lao động, cơ sở hạ tầng, nghiên cứu và phát triển, mức độ phát triển của thị trường, chính sách kinh tế…) và nhóm đầu ra (khả năng sáng tạo, kiến thức và công nghệ).

Chỉ số này giúp cho thấy năng lực sáng tạo của các nền kinh tế trên thế giới một cách bao trùm hơn, thay vì cách tính “truyền thống” như số lượng bài báo xuất bản hay số lượng bằng sáng chế, thể hiện mức độ nghiên cứu và phát triển cụ thể của một quốc gia.

Theo báo cáo GII năm 2022, trái ngược so với nhận định trước đây, các chỉ số toàn cầu về nghiên cứu phát triển, đăng ký sở hữu trí tuệ và vốn đầu tư mạo hiểm đều rất khả quan, cho dù chịu sự ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Số lượng bài báo nghiên cứu khoa học đăng tải toàn cầu lần đầu tiên đã vượt qua con số 2 triệu bài vào năm 2021. Đầu tư chính phủ vào nghiên cứu và phát triển nhìn chung tiếp tục tăng, tuy có giảm tại Mỹ và Nhật Bản, nhưng lại tăng ở Hàn Quốc và Đức.

Các ngành thu hút đầu tư nghiên cứu và phát triển bao gồm công nghệ phần cứng, thiết bị điện, phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin, dược và công nghệ sinh học, kim loại công nghiệp và trong xây dựng. Các hoạt động đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cũng tăng lên trong khủng hoảng Covid -19, ví dụ như đăng ký nhãn hiệu đặc biệt tăng tới 15% vào năm 2021.

Các chuyên gia tham gia xây dựng báo cáo GII 2022 cũng dự đoán “hai làn sóng” đổi mới sáng tạo trong tương lai. Thứ nhất, đó là làn sóng sáng tạo kỷ nguyên số (Digital Age innovation wave) dựa trên siêu máy tính, trí tuệ nhân tạo và tự động hóa.

Thứ hai là làn sóng đổi mới sáng tạo khoa học sâu rộng (Deep Science innovation wave), dựa trên những đột phá trong công nghệ sinh học, công nghệ nano, vật liệu mới cũng như các sáng tạo nghiên cứu trong bốn lĩnh vực quan trọng trong xã hội, đó là sức khỏe, lương thực, môi trường và vận chuyển.

Báo cáo GII 2022 cho thấy Thụy Sỹ vẫn tiếp tục là quốc gia số 1 thế giới về đổi mới phát triển, tiếp theo là Mỹ và Thụy Điển. Hai quốc gia châu Á lọt vào danh sách 10 quốc gia hàng đầu có chỉ số đổi mới phát triển cao nhất là Hàn Quốc (vị trí số 6), và Singapore (vị trí số 7). Trung Quốc thăng hạng lên số 11, trở thành quốc gia duy nhất trong nhóm “thu nhập trung bình” lọt vào danh sách 30 quốc gia đầu bảng.

Rất tiếc, trong bản báo cáo năm nay, Việt Nam đã tụt xuống vị trí 48 (so với vị trí 44 theo báo cáo năm 2021) đứng ngay sau Nga (vị trí 47) và Thái Lan (duy trì vị trí 43). So với các quốc gia trong nhóm thu nhập trung bình thấp (lower middle-income), Việt Nam đang giữ vị trí số 2 về chỉ số sáng tạo, dưới Ấn Độ và trên Iran.

Đây cũng là một kết quả không mấy khả quan cho Việt Nam, vì báo cáo năm 2021 Việt Nam dẫn đầu nhóm các quốc gia này. Tuy nhiên, GII vẫn đánh giá rằng Việt Nam đã thể hiện năng lực đổi mới sáng tạo cao hơn mức độ phát triển, và duy trì mức độ này trong 12 năm liên tiếp trở lại đây.

Theo bảng xếp hạng GII, Việt Nam được đánh giá khá tốt ở thể chế/tổ chức (Institutions), mức độ phát triển của thị trường (market sophistication), mức độ hoàn thiện kinh doanh (business sophistication), cũng như ở thành quả tri thức và công nghệ (knowledge and technology outputs) và ở kết quả sáng tạo (creative outputs).

Tuy nhiên, các chỉ số về nguồn nhân lực và nghiên cứu (Human capital and research) và cơ sở hạ tầng (Infrastructure) lại là điểm yếu của Việt Nam. Đây cũng không phải là điều đáng ngạc nhiên, Việt Nam còn chưa tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng, thiếu đầu tư vào chất lượng giáo dục, vào nghiên cứu và phát triển, cũng như sự phối hợp, hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học còn vô cùng ít ỏi.

Những năm gần đây, Việt Nam có chiều hướng tụt hạng trong GII, cho dù vẫn ở một vị trí khá khả quan. Điều này cho thấy tầm quan trọng của khả năng duy trì mức độ sáng tạo phát triển trong dài hạn. Nhìn chung, để Việt Nam đạt kết quả tích cực hơn nữa trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, thì đặc biệt cần cải tạo phát triển cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng giáo dục.

Ngoài ra, các giải pháp hỗ trợ nghiên cứu phát triển hay cải thiện môi trường kinh doanh phải mang tính đồng bộ và thống nhất hơn nữa. Chỉ số đổi mới sáng tạo từ những năm gần đây tiếp tục cho thấy Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển trong lĩnh vực công nghệ, nhưng để duy trì vị trí hay để thăng hạng trong danh sách GII, Việt Nam cần nỗ lực thêm nữa trong việc xóa bỏ rào cản, sự trì trệ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghệ phát triển và bắt kịp xu hướng công nghệ trên thế giới.

—-

(1) https://www.wipo.int/edocs/pubdocs/en/wipo-pub-2000-2022-section1-en-gii-2022-at-a-glance-global-innovation-index-2022-15th-edition.pdf

Lê Thiên Hương

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/chi-so-doi-moi-sang-tao-toan-cau-2022-viet-nam-yeu-nguon-nhan-luc-va-co-so-ha-tang/