Chỉ số giá tiêu dùng được kiềm chế và kiểm soát tốt
Sau 11 tháng, mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sáng nay (29/11) được công bố ở mức chỉ 3,02%.
Như vậy, mục tiêu kiềm chế và kiểm soát lạm phát cho cả năm 2022 là dưới 4% có thể đã nằm trong tầm tay. Không những vậy, với việcchỉ số giá tiêu dùngđược kiểm soát còn tạo đà cho mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.
Không ai sát sao giá cả hàng ngày bằng những người tiểu thương. Sự biến động về giá cả lương thực, thực phẩm từ đầu năm, họ nắm trong lòng bàn tay.
"Cũng không biến động, lên xuống một thời gian thôi, nhưng giờ không hạ, cũng không lên nữa", một người bán hàng tại chợ Thành Công, Hà Nội, chia sẻ.
"Giá cả không biến động mấy. Nó chỉ hơi lên một chút rồi lại xuống", một người bán hàng khác tại chợ Thành Công cho biết.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới có quá nhiều biến động, việc kiềm chế và kiểm soát tốt chỉ số giá tiêu dùng dưới 4% trong năm 2022 được đánh giá là một sự nỗ lực lớn và quyết tâm cao của các cơ quan điều hành.
"Mặc dù thời gian qua, giá cả của nhiều hàng hóa, đặc biệt là xăng dầu, mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu đều tăng nhưng kiềm chế lạm phát của chúng ta tương đối tốt. Đây là sự cố gắng, nỗ lực của nhiều bộ, ngành cũng như của cả nền kinh tế", TS. Đinh Trọng Thịnh, nguyên giảng viên Học viện Tài chính, đánh giá.
"CPI của tháng 11 năm nay tăng 0,39% so với tháng trước, nếu so với cùng kỳ năm trước tăng 4,37%. Con số 4,37% này cao nhất trong 6 năm trở lại đây. Tuy nhiên, nếu so với các nước trên thế giới, thì mức lạm phát của Việt Nam hiện nay thuộc nhóm các nước có mức lạm phát thấp", bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê, thông tin.
Giá cả ổn định cũng tác động trực tiếp đến hành vi tiêu dùng của người dân và nền kinh tế. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong 11 tháng qua đã đạt gần 5,2 triệu tỷ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ. Giao thương thông suốt và tăng trưởng cũng có nghĩa là hàng hóa, sản xuất cũng gia tăng. Chỉ số công nghiệp toàn ngành đã tăng 8,6%. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động gần 57.000 doanh nghiệp và trên 137..000 doanh nghiệp thành lập mới.
"Chính phủ Việt Nam đã đưa những chính sách tài khóa và tiền tệ hợp lý trong bối cảnh khó khăn toàn cầu. Trong kỳ họp vừa qua, chúng ta cũng đã thấy Quốc hội Việt Nam đã thực sự đặt sự ổn định kinh tế vĩ mô thành trọng tâm của hoạch định chính sách. Tôi cho rằng, trong thời gian tới, nên đặt mục tiêu và có những chính sách để có thể kiểm soát tốt được tỷ lệ thất nghiệp, kiềm chế đà tăng của chỉ số giá tiêu dùng", ông Denis Brunetti, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Australia tại Việt Nam (Auscham), nhận định.
Tuy nhiên, dù năm 2022, chỉ số CPI đã có thể được kiểm soát tốt, nhưng áp lực được dự báo sẽ là rất lớn trong năm tới.
"Việc giữ được CPI thấp trong năm 2023 sẽ là cực kỳ khó khăn. Do đó các chính sách cần phải hướng đến là ổn định cân đối vĩ mô, đặc biệt là kiềm chế lạm phát, để mức lạm phát thấp nhất trong giới hạn dưới 4,5%", TS. Đinh Trọng Thịnh, nguyên giảng viên Học viện Tài chính, nói.
Dù còn nhiều khó khăn thách thức, nhưng việc kiểm soát tốt chỉ số giá tiêu dùng không chỉ là kinh nghiệm quý báu, mà còn tạo ra một dư địa tốt cho các chính sách điều hành vĩ mô khác nhằm hỗ trợ cho tăng trưởng.
Chỉ còn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2022, trong tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường cả về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội, nên Việt Nam không thể chủ quan mà cả nước phải tiếp tục phấn đấu cao trong những tháng tới đây nhằm duy trì đà tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, hoàn thành được các chỉ tiêu Quốc hội đã giao.