Chỉ tàu sân bay hạt nhân mới giúp Ấn Độ đuổi kịp hải quân Trung Quốc

Cựu tư lệnh hải quân Ấn Độ đề xuất nước nàyvà Pháp hợp tác xây dựng một tàu sân bay hạt nhân trong bối cảnh Trung Quốc sắp đưa tàu sân bay thứ ba vào hoạt động.

Trong bối cảnh Hải quân Trung Quốc bắt đầu các hoạt động thử nghiệm trên biển tàu sân bay thứ ba mang tên Phúc Kiến, một cựu tư lệnh Hải quân Ấn Độ đề xuất Ấn Độ và Pháp hợp tác xây dựng một tàu sân bay thế hệ tiếp theo chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Phúc Kiến là tàu chiến lớn nhất của Trung Quốc, với lượng choán nước 80.000 tấn. Được hạ thủy tháng 6/2022, đây là tàu sân bay được phát triển trong nước đầu tiên của Trung Quốc được trang bị máy phóng máy bay điện từ.

Tàu Phúc Kiến được hạ thủy năm 2022, đã hoàn thành các thử nghiệm neo đậu và điều chỉnh thiết bị, bản tin của Xinhua cho biết.

Với lượng choán nước 80.000 tấn, Phúc Kiến to hơn đáng kể so với hai tàu sân bay đang hoạt động của Hải quân Trung Quốc là Sơn Đông 66.000 tấn và Liêu Ninh 60.000 tấn. Chỉ Hải quân Mỹ mới sở hữu tàu sân bay lớn hơn tàu Phúc Kiến.

Tàu sân bay Phúc Kiến của Trung Quốc trong đợt thử nghiệm trên biển vào đầu tháng 5/2024. (Ảnh: Xinhua)

Tàu sân bay Phúc Kiến của Trung Quốc trong đợt thử nghiệm trên biển vào đầu tháng 5/2024. (Ảnh: Xinhua)

Ấn Độ cần tàu sân bay hạt nhân

Đô đốc Hải quân Ấn Độ Arun Prakash (đã nghỉ hưu) cho rằng Pháp và Ấn Độ đã hợp tác sản xuất động cơ cho chiến đấu cơ của Ấn Độ, Paris đang cung cấp tiêm kích Rafale cho không quân và hải quân Ấn Độ và việc đôi bên bắt tay sản xuất tàu sân bay thế hệ tiếp theo là “bước đi hợp lý”.

Pháp đã bắt đầu đóng tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân thế hệ mới cho hải quân, mang tên Porte-Avions Nouvelle Génération (PA-NG). PA-NG sẽ thay thế tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân Charles de Gaulle hiện đang trong biên chế hải quân Pháp. Việc khởi đóng dự kiến diễn ra vào năm 2025, đưa vào vận hành từ năm 2038.

Con tàu sân bay mới của Pháp là nỗ lực của nhiều tập đoàn vũ khí, bao gồm Naval Group và Chantiers de l'Atlantique phụ trách việc đóng tàu, hãng TechnicAtome sẽ cung cấp hai lò phản ứng hạt nhân, nguồn năng lượng chính của con tàu.

Đô đốc Prakash cho rằng đây là thời điểm thích hợp nếu Ấn Độ muốn tham gia dự án và Pháp sẵn sàng chia sẻ công nghệ. Ông tin rằng tàu sân bay tiếp theo của Ấn Độ sẽ đi trước INS Vikrant đầu tiên về mặt công nghệ.

INS Vikrant là tàu sân bay đang phục vụ trong Hải quân Ấn Độ. Nó là tàu sân bay thứ tư của Ấn Độ và là tàu sân bay đầu tiên được đóng ở nước này. Vikrant có nghĩa là "can đảm" trong tiếng Phạn.

Tàu Vikrant dài 262 mét, tốc độ tối đa 28 hải lý/h (52 km/h), tầm hoạt động 7.500 hải lý (13.900 km). Con tàu có thủy thủ đoàn 1.700 người. Trên tàu có một khu phức hợp bệnh viện, các cabin dành cho nữ sĩ quan, 8 km hành lang và 8 máy phát điện có khả năng thắp sáng một thành phố 2 triệu dân.

“Các công ty của Pháp đã bắt đầu dự án đóng mới tàu cho hải quân Pháp và ở giai đoạn này, Ấn Độ có thể hợp tác. Việc đóng mới một tàu tương tự INS Vikrant không phải là một bước tiến lớn, khi tàu được thiết kế đường dốc để máy bay cất cánh kiểu “nhảy cầu”, động cơ chạy tàu là loại turbine khí. Tàu sân bay thế hệ mới nên có máy phóng máy bay để triển khai chiến đấu cơ tốt hơn, được trang bị động cơ đẩy hạt nhân nhằm có khả năng hoạt động gần như vô tận”, Đô đốc Prakash nói.

Tuy nhiên, theo ông Prakash, trước tiên chính phủ Ấn Độ phải quyết định xem liệu nước này có muốn đóng tàu sân bay thế hệ mới hay không.

INS Vikrant có trọng tải 44.000 tấn, được biên chế vào Hải quân Ấn Độ từ ngày 2/9/2022. Ngoài việc không thể vận hành số lượng lớn máy bay (INS Vikrant có thể mang theo 18 tiêm kích), không giống như các tàu sân bay Mỹ, con tàu Ấn Độ bị hạn chế tầm hoạt động và sức mạnh.

Không giống như động cơ đẩy thông thường chạy bằng diesel, động cơ hạt nhân cung cấp động lực cao hơn và gần như không giới hạn cho các tàu sân bay. Các “căn cứ nổi” chạy bằng năng lượng hạt nhân sẽ linh hoạt hơn và có thể được triển khai trong thời gian dài vì không cần tiếp liệu cho bản thân con tàu.

Tiêm kích MiG-29K trên tàu sân bay INS Vikramaditya. (Ảnh: Indian Navy)

Tiêm kích MiG-29K trên tàu sân bay INS Vikramaditya. (Ảnh: Indian Navy)

So với tàu sân bay lớn, hệ thống phòng thủ trên tàu sân bay nhỏ kém hiệu quả hơn và đặc biệt dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công của máy bay không người lái. Tầm quan trọng trong thời bình của một tàu sân bay nhỏ là điều không còn phải bàn cãi, nhưng khi có biến lớn, vai trò chiến đấu của nó bị hạn chế.

“Các tàu sân bay vẫn hoạt động được 30-40 năm. Tàu sân bay nội địa thứ hai sẽ mất 7-9 năm để chế tạo và sẵn sàng hoạt động vào năm 2035. Điều này có nghĩa là chúng tôi sẽ duy trì hoạt động của nó cho đến năm 2075. Một tàu sân bay có trọng tải 45.000 tấn sẽ không thể đáp ứng nhu cầu của Ấn Độ trong việc kìm hãm Trung Quốc, quốc gia sẽ có sự hiện diện đáng gờm ở khu vực Ấn Độ Dương trong 5-7 năm tới”, cựu Chuẩn đề đốc Anil Jai Singh của Hải quân Ấn Độ, nay là Phó Chủ tịch Quỹ Hàng hải Ấn Độ nói.

“Trong tương lai, chúng ta cần các tàu sân bay lớn hơn”, ông Singh nói với báo giới trong nước.

“Hải quân Trung Quốc sắp có một tàu sân bay lớn hơn. Ấn Độ tự hào về việc có thể xoay chuyển mọi tình huống ở khu vực Ấn Độ Dương theo hướng thuận lợi. Nếu chúng ta muốn duy trì điều đó thì một tàu sân bay 45.000 tấn là không đủ. Chúng tôi không chỉ nhìn vào hiện tại mà còn nhìn vào khả năng của mình trong 40 năm tới. Chúng tôi cần ít nhất một tàu sân bay có trọng tải 65.000-70.000 tấn”, cựu Chuẩn đề đốc Singh nói thêm.

Hạm đội tàu sân bay lỗi thời

Hải quân Ấn Độ đã muốn sở hữu tàu sân bay nội địa thứ hai khi vòng đời của tàu sân bay INS Vikramaditya, sắp kết thúc. Vikramaditya là tàu sân bay lớp Kiev của Nga, được hoán cải và trở thành soái hạm của Hải quân Ấn Độ từ năm 2013.

Ban đầu mang tên Baku, được đưa vào hoạt động năm 1987, tàu sân bay này đã phục vụ trong Hải quân Liên Xô và sau đó là Hải quân Nga với tên gọi Đô đốc Gorshkov trước khi ngừng hoạt động vào năm 1996. Sau nhiều năm đàm phán, tàu được Ấn Độ mua lại vào ngày 20/1/2004.

Tháng 10/2023, Đô đốc Hari R. Kumar tiết lộ rằng Hải quân Ấn Độ đang xúc tiến kế hoạch đóng tàu sân bay thứ ba, phiên bản lặp lại tàu INS Vikrant.

“Nếu Pháp sẵn sàng chia sẻ công nghệ thì đó sẽ là một ý tưởng hay. Việc xây dựng một tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân sẽ mất nhiều thập kỷ. Với sự giúp đỡ của Pháp, Ấn Độ có thể đạt được điều đó trong 6-7 năm tới”, cựu Tư lệnh Hải quân Ấn Độ gợi ý.

Ông nói thêm rằng Ấn Độ có thể chia sẻ gánh nặng tài chính của dự án và cung cấp nhân lực cho việc đóng tàu. Ngoài ra, việc đóng tàu PA-NG của Hải quân Pháp và tàu mới cho Ấn Độ có thể diễn ra đồng thời nếu hợp tác thành hình.

Năm 1988, tập đoàn công nghệ tàu hải quân DCN của Pháp được yêu cầu hỗ trợ hãng tàu Cochin Shipyard Limited (CSL) của Ấn Độ và lên ý tưởng thiết kế một “tàu kiểm soát biển”. DCN-CSL đã đưa ra ý tưởng về một con tàu nặng 37.000 tấn với các tùy chọn máy phóng máy bay hoặc dốc nhảy cầu. Bản thiết kế được nói là có giá hơn 40 triệu USD, nhưng phía Ấn Độ không đủ khả năng chi trả.

Tàu sân bay PA-NG của Hải quân Pháp sẽ lớn hơn và mạnh hơn so với tàu tiền nhiệm Charles de Gaulle. PA-NG có lượng choán nước 75.000 tấn, mang 30 tiêm kích hoặc phương tiện bay điều khiển từ xa thế hệ mới.

Ấn Độ đã có thể chế tạo tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với sự giúp đỡ của Nga. Tuy nhiên, việc chế tạo lò phản ứng cho tàu chiến 60.000 tấn lại là một chuyện khác.

Thiết kế tàu sân bay PA-NG thế hệ mới của hải quân Pháp.

Thiết kế tàu sân bay PA-NG thế hệ mới của hải quân Pháp.

Vì sao Ấn Độ lại chọn Pháp?

Một yếu tố khác khiến các vị sỹ quan cấp cao của Hải quân Ấn Độ muốn có tàu sân bay thế hệ mới là vì INS Vikramaditya và INS Vikrant đều sử dụng công nghệ triển khai máy bay kiểu “nhảy cầu” truyền thống trên các tàu sân bay Liên Xô. Thiết kế này khiến máy bay mang ít nhiên liệu và vũ khí hơn để giảm trọng lượng khi cất cánh.

Các tàu sân bay mới, do vậy, được kỳ vọng có hệ thống phóng máy bay điện từ (EMALS). Công nghệ phức tạp này mang lại những ưu điểm như kiểm soát chính xác tốc độ phóng, phù hợp với máy bay hạng nặng và tương thích với các thiết kế máy bay trong tương lai.

Nhưng vì sao người Ấn lại ngóng sang Pháp chứ không phải nước nào khác? Điều này có nguyên do. Trong thập kỷ qua, Pháp đã nổi lên là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai cho Ấn Độ sau Nga. Hợp tác quốc phòng giữa hai nước đã được tăng cường đáng kể và một số thỏa thuận quốc phòng quan trọng đã được ký kết. Việc Pháp công khai tán thành mong muốn của Ấn Độ trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng khiến nước này trở thành đồng minh đáng tin cậy của New Delhi.

Các tiêm kích Rafale đã nâng cao khả năng chiến đấu trên không của Ấn Độ và góp phần đảm bảo an ninh quốc gia. Trong những năm 1980, Ấn Độ mua của Pháp hai phi đội tiêm kích Mirage, vẫn đang hoạt động cho tới ngày nay.

Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã duyệt mua thêm ba tàu ngầm lớp Scorpène. Hải quân Ấn Độ hiện vận hành 6 tàu ngầm Scorpène do hãng Naval Group của Pháp chế tạo.

Trúc Mai (Nguồn: EATimes, Business Insider, Indianexpress)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/chi-tau-san-bay-hat-nhan-moi-giup-an-do-duoi-kip-hai-quan-trung-quoc-ar869929.html